Vụ sạt lở ven rạch Giồng - sông Kinh Lộ (ấp 3, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP HCM) hôm 27-6 làm 5 căn nhà bị hư hại nghiêm trọng, hàng chục người phải sơ tán khẩn cấp trong đêm cho thấy hậu quả vẫn xảy ra dù nơi này đã được cảnh báo có nguy cơ sạt lở đặc biệt nguy hiểm.
Vừa ở vừa run
Ngày 4-7, trở lại hiện trường vụ sạt lở nêu trên, chúng tôi chứng kiến cảnh tan hoang ở những căn nhà nơi đây khi nhiều bức tường phía sau đổ nát, các mái tôn bị xé toạc, nằm ngổn ngang, mấp mé trên mặt nước. Những vết nứt nham nhở ở phía bờ sông kéo dài hàng chục mét, khoét sâu, làm hư hại toàn bộ phần sau của 5 căn nhà và ảnh hưởng tới 3 căn nhà khác tại khu vực này.
Chính quyền địa phương đã di dời người và những tài sản còn sót lại của 8 hộ dân ngay sau vụ sạt lở khiến dãy nhà giờ đây như những căn nhà hoang. Một số căn nhà bị hư hại đã được tháo dỡ phần mái và thu dọn tạm những phần đổ nát càng khiến không gian trở nên hoang vắng.
Nhớ lại giây phút kinh hoàng khi dòng nước "nuốt" dần 5 căn nhà lúc rạng sáng 27-6, bà Huỳnh Thị Phải (40 tuổi; ngụ số 18/1, tổ 4, ấp 3) kể khi đó cả nhà đang ngủ thì bất ngờ nghe những tiếng động lớn phát ra từ phía bờ sông. Gia đình bà cùng nhiều nhà hàng xóm không kịp trở tay, chỉ vội thoát ra ngoài và đành bất lực nhìn nhà cửa, tài sản... bị dòng nước nhấn chìm.
Hiện trường vụ sạt lở ngày 27-6 tại khu vực ven rạch Giồng - sông Kinh Lộ (ấp 3, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè)
"Âm thanh lớn liên hồi phát ra cùng những tiếng chó sủa dữ dội. Khi kiểm tra, chúng tôi bàng hoàng thấy phần sau nhà đang đổ sập, trôi tuột xuống dòng nước xiết. Cảnh tượng khi đó rất hỗn loạn bởi ai cũng hoảng sợ, nháo nhác tri hô nhau tháo chạy và suốt đêm là cảnh người lớn vạ vật, trẻ em bơ phờ, khóc thét..." - bà Phải chưa hết bàng hoàng.
Ông Nguyễn Văn Đầy (80 tuổi), ở kế bên gia đình bà Phải, cho biết khu vực trên từng xảy ra một số lần bờ sông bị sạt xuống nhưng vụ sạt lở hôm 27-6 là lớn nhất. "Không ai lường được mức độ nghiêm trọng của nó. Dù may mắn không bị thiệt hại về người nhưng nhiều tài sản, nhà cửa... gây dựng, tích góp bao lâu nay đều bị con nước cuốn trôi" - ông Đầy buồn rầu.
Ông Đỗ Minh Toàn, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Hiệp Phước, cho biết trước đó, tại khu vực đã gắn biển cảnh báo nguy hiểm và chính quyền địa phương cũng thông tin cho người dân về nguy cơ xảy ra sạt lở. Tuy nhiên, việc di dời và tìm chỗ tái định cư cho những hộ dân này vướng nhiều thủ tục nên chưa thực hiện. Ngay sau vụ sạt lở hôm 27-6, chính quyền khẩn cấp di dời 8 hộ dân và hiện đã được bố trí nơi tạm cư.
"Vụ sạt lở này được đánh giá là nghiêm trọng nhất từ trước tới nay, chưa tính diện tích đất bị sạt xuống nhưng thiệt hại về tài sản khác của các hộ dân ước tính hơn 210 triệu đồng. Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng của địa phương đã đến hiện trường đo đạc, lập phương án bồi thường. Chúng tôi cũng bố trí một khu đất làm nơi tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi vụ sạt lở này và những hộ khác đang sống ở khu vực được cảnh báo nguy hiểm. Trong tháng 9-2017, xã sẽ di dời trước 50 hộ trên tổng số hơn 200 hộ của địa phương đến nơi tái định cư mới" - ông Toàn thông tin.
Trước đó, cũng trên địa bàn huyện Nhà Bè, ngày 30-5, một điểm sạt lở mới phát sinh ở ven rạch Tôm (xã Nhơn Đức) đe dọa trực tiếp 7 căn nhà và ảnh hưởng đến hàng chục hộ dân khác tại khu vực. Xác định mức độ nguy hiểm của điểm sạt lở này, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Văn Khoa đã trực tiếp xuống hiện trường chỉ đạo các đơn vị di dời khẩn cấp những hộ dân bị ảnh hưởng trong lúc thực hiện việc khắc phục trước mắt.
Ông Nguyễn Văn Lưu, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, cho biết việc khắc khục tạm ở điểm sạt lở này hiện đã hoàn thành và 7 hộ dân đã trở lại sinh sống bình thường. Riêng điểm sạt lở ở rạch Giồng - sông Kinh Lộ, UBND huyện Nhà Bè phối hợp Khu Quản lý đường thủy nội địa (Sở Giao thông Vận tải - GTVT) đã kiểm tra thực địa và thống nhất bàn giao mặt bằng trong tháng 9-2017 để thực hiện dự án xây bờ kè.
Còn 40 điểm "đen"
Theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP HCM, hiện trên địa bàn TP còn 40 vị trí có nguy cơ sạt lở, trong đó 23 vị trí được đánh giá là đặc biệt nguy hiểm, 16 vị trí nguy hiểm và 1 vị trí ở cấp độ bình thường. Những điểm "đen" này tập trung ở các quận 2, 7, 8, Bình Thạnh, Thủ Ðức và các huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ.
Huyện Nhà Bè có nhiều điểm sạt lở nhất với 16 điểm, trong đó có tới 11 điểm được xác định là đặc biệt nguy hiểm. Ông Bùi Xuân Cường cho biết 2 giải pháp các đơn vị đã triển khai là phi công trình và công trình trong việc ngăn nguy cơ sạt lở. Với giải pháp phi công trình, Sở GTVT phối hợp với chính quyền các địa phương thực hiện gắn biển cảnh báo, phân luồng giao thông và thường xuyên rà soát nhằm phát hiện sớm những vị trí có nguy cơ để chủ động lên kế hoạch di dời dân cũng như tìm biện pháp xử lý. Còn với giải pháp công trình, 39/40 vị trí có nguy cơ sạt lở đã có dự án xây bờ kè, trong đó Sở GTVT sẽ thực hiện 23 vị trí và số còn lại do UBND các quận, huyện triển khai.
Trước tình trạng một số điểm đã xác định có nguy cơ cao bị sạt lở nhưng vẫn để xảy ra hậu quả, ông Cường cho biết khó khăn lớn nhất trong việc xử lý là vướng công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. "Việc này ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ triển khai dự án nên UBND TP đã chỉ đạo và bố trí vốn để Sở GTVT cùng chính quyền các địa phương triển khai trước những công trình cấp thiết. Hiện có 33/39 vị trí có thể triển khai dự án trước và khi thực hiện xong sẽ ngăn nguy cơ sạt lở phát sinh" - ông Cường nói.
Theo Sở GTVT TP HCM, việc khai thác cát trái phép trên các tuyến kênh, rạch - đặc biệt là trên sông Sài Gòn, Đồng Nai - vẫn diễn ra phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng chảy và gây mất cân bằng bùn cát, làm gia tăng xói lở. Chưa kể, tình trạng lấn chiếm sông, kênh, rạch trong phạm vi hành lang bảo vệ an toàn bờ sông, kênh, rạch cũng tồn tại khiến dòng chảy bị thu hẹp, áp lực nước gia tăng gây nguy cơ sạt lở. Điển hình của tình trạng này là vụ sạt lở xảy ra đầu tháng 7-2015 khi 2 căn nhà xây trái phép trên hành lang an toàn sông Sài Gòn (phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức) đã bị nước nhấn chìm, 3 người lọt xuống sông.
Vướng nhiều thủ tục
Một cán bộ thuộc Sở GTVT TP HCM cho biết ngoài những khó khăn trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, các dự án chống sạt lở không thể triển khai nhanh do còn vướng nhiều thủ tục trong Luật Đầu tư công. Nhiều điểm sạt lở khi mới phát sinh hoặc đã được xác định có nguy cơ nhưng phải chờ hoàn tất các thủ tục cần thiết mới có thể thực hiện dự án.
Bình luận (0)