Ông Nguyễn Hoàng Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) - cho biết tình hình an ninh trật tự trong vận tải hành khách trên Quốc lộ 5 (Hà Nội - Hải Phòng) thời gian qua diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng lái xe chèn ép nhau để tranh giành khách gây mất an toàn giao thông, tạo dư luận xấu.
Giám sát qua phần mềm
Để chấn chỉnh tình trạng này, ngày 19-7, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện về tăng cường công tác bảo đảm an ninh - trật tự, an toàn giao thông trên Quốc lộ 5 và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Thủ tướng cũng giao Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và công an các địa phương rà soát, lên danh sách những đối tượng hình sự; kịp thời phát hiện các băng nhóm có dấu hiệu “bảo kê”; những đối tượng có hành vi đe dọa, cố ý gây thương tích cho lái xe để có biện pháp xử lý nghiêm; xử lý nghiêm những lái xe, chủ xe của các nhà xe đe dọa, sử dụng vũ lực để tranh giành khách.
Xe khách dừng, đỗ sai quy định bị lực lượng CSGT TP Hà Nội xử lý
Là đơn vị phối hợp xây dựng phương án tổ chức tuyến vận tải Hà Nội - Hải Phòng, ông Lê Đỗ Mười - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, cho biết 22 luồng tuyến và 388 chuyến xe đang hoạt động trên tuyến vẫn sẽ duy trì hoạt động như hiện nay. Điểm khác lớn nhất là các xe sẽ được điều hành tập trung bằng phần mềm.
Theo đó, sau khi cơ quan quản lý hoàn thành việc cắm các biển dừng đón trả khách, các doanh nghiệp (DN) sẽ đăng ký biểu đồ chạy xe dựa trên các điểm đón, trả khách theo quy định và chịu giám sát trực tuyến bằng phần mềm của Tổng cục Đường bộ. Tại các điểm dừng đón khách, các xe không được dừng quá 3 phút. Nhà xe không thực hiện theo đúng biểu đồ chạy đã đăng ký, dừng đón trả khách ở các điểm khác sẽ bị phần mềm giám sát phát hiện và cơ quan quản lý tuyến xử lý.
Theo ông Mười, Tổng cục Đường bộ Việt Nam là đầu mối chủ trì phối hợp sở GTVT các tỉnh trên tuyến để điều hành. Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ xây dựng một phần mềm riêng biệt chuyên theo dõi, quản lý hoạt động vận tải khách trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng, đặt tại tổng cục và kết nối với các sở GTVT trên tuyến. Thông qua phần mềm này, xe vi phạm sẽ được thông báo và hiển thị ngay trên màn hình trực tuyến. Các nội dung quản lý gồm: đi đúng hành trình được cấp phép, dừng - đỗ đúng quy định, đi đúng tốc độ. Các trường hợp vi phạm sẽ được lập báo cáo để Tổng cục Đường bộ và sở GTVT các tỉnh đưa ra biện pháp xử lý.
Triển khai từ đầu năm 2017
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phối hợp các địa phương khảo sát dọc tuyến, xác định 35 vị trí cần bố trí điểm dừng đón khách tuyến cố định. Trong đó, đoạn qua Hải Phòng cần 8 điểm, đoạn qua Hải Dương cần 16 điểm và Hưng Yên 11 điểm; hoàn thành việc cắm biển dừng đón, trả khách trên tuyến. Riêng với đoạn qua Hà Nội, mặt bằng để bố trí điểm dừng đón trả khách rất khó khăn nên vị trí bố trí điểm dừng đón, trả khách vẫn đang được nghiên cứu cho phù hợp.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho biết từ ngày 15-9, đơn vị này đã cho chạy thử phần mềm quản lý tập trung, cắm các biển dừng đón, trả khách và đang tiếp tục cập nhật các thông tin về phương tiện, biểu đồ chạy xe từ các sở GTVT. “Dự kiến cuối tháng 12, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ làm việc với các DN vận tải để thống nhất phương án và chính thức triển khai vào năm 2017” - bà Hiền cho hay.
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, để bảo đảm thuận lợi cho hành khách, hiệu quả kinh doanh của DN, tại một điểm dừng đỗ có lưu lượng hành khách lên xuống nhiều, cơ quan quản lý sẽ trang bị biển báo điện tử cung cấp các thông tin như: số lượng xe dự kiến đi qua, biển số xe, tên DN, thời gian (hoặc khoảng cách) các xe sắp đến điểm dừng đỗ... để hành khách biết thời gian chờ và có thể lựa chọn xe có chất lượng dịch vụ cao, xe quen để đi.
Trả lời về việc trong trường hợp thiết bị giám sát hành trình của xe không truyền dữ liệu do trục trặc hoặc lái xe cố tình ngắt thiết bị, bà Hiền khẳng định đây là phần mềm quản lý tập trung và chuyên biệt cho tuyến Hà Nội - Hải Phòng nhưng vẫn được theo dõi hằng ngày thông qua Trung tâm Quản lý khai thác và sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Việc cố tình không truyền dẫn dữ liệu từ thiết bị về trung tâm sẽ bị xử lý nghiêm.
Một DN vận tải hành khách hoạt động lâu năm trên tuyến Hải Phòng - Hà Nội đánh giá nếu làm được như phương án đã nêu, chắc chắn sẽ giảm được nạn “đầu gấu” tranh giành khách gây mất trật tự và thuận lợi hơn cho người dân cũng như DN. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo nhất hiện nay là khu vực Hà Nội rất khó cắm điểm dừng, đón trả khách trong khi các địa phương khác đã cắm đầy đủ. “Khảo sát các điểm đã được cắm biển dừng, đón hiện nay, tôi thấy chỉ những điểm qua địa phận Hải Dương là hợp lý còn đoạn qua Hưng Yên, Hải Phòng chưa thực sự sát thực tế đi lại của người dân. Nếu cắm biển không chuẩn, người dân sẽ không ra đón xe và DN cũng khó chấp hành việc dừng đón đúng vị trí quy định” - vị đại diện DN này cho hay.
Trước băn khoăn của DN, bà Hiền cho biết Sở GTVT Hà Nội đã có văn bản báo cáo và xin phép UBND TP Hà Nội bố trí một số điểm dừng đón, trả khách theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bình luận (0)