Ngày 18-2, tại buổi họp báo công bố kế hoạch hoạt động năm 2014, ông Lê Minh Khái, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, cho biết tổng hợp kết quả kiểm toán từ 150/151 báo cáo kiểm toán (đối với niên độ ngân sách 2012 - PV) đã phát hành trong năm 2013, cơ quan này đã kiến nghị xử lý tài chính trên 22.778 tỉ đồng; kiến nghị xử lý trách nhiệm 30 cá nhân và nhiều tập thể.
4 vụ có dấu hiệu hình sự
Ông Đào Văn Dũng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp - Kiểm toán nhà nước, cho biết năm 2013, cơ quan này đã cung cấp 14 bộ hồ sơ, kết quả kiểm toán theo yêu cầu và làm thủ tục chuyển 5 vụ cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Theo ông Lê Minh Khái, có 4/5 vụ được chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra Bộ Công an tiếp tục làm rõ, gồm: Quản lý vốn gây thất thoát ở Tổng Công ty Tài chính Sông Đà, kinh doanh gây ra khả năng mất vốn tại Tổng Công ty Thủy sản và cho vay tiền nhưng không chấp hành việc bảo đảm tại 2 chi nhánh của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank). Ngoài ra, Kiểm toán nhà nước đã phát hiện một số ngân hàng như Chinastrust, Agribank... có dấu hiệu sai phạm khi bán ngoại tệ vượt trần quy định liên quan đến Tập đoàn Hóa chất và đã chuyển cho Thanh tra Ngân hàng nhà nước làm rõ.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý với kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động tín dụng, đầu tư tài chính và đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2009-2011 tại Agribank do Thanh tra Chính phủ thực hiện. Qua đó, Thanh tra Chính phủ cho biết đã kiến nghị và chuyển hồ sơ 15 vụ việc sang Bộ Công an. Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam ông Phạm Thanh Tân, nguyên tổng giám đốc Agribank; ông Kiều Trọng Tuyến, nguyên phó tổng giám đốc Agribank và bà Phạm Thị Bích Lương, nguyên giám đốc Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội. Ngoài ra, Agribank đã xử lý kỷ luật 158 cán bộ, trong đó cách chức và miễn nhiệm 16 giám đốc.
Sắp “soi” nhiều công ty cho thuê tài chính
Ông Lê Minh Khái cho biết năm 2014 sẽ kiểm toán 185 đầu mối, trong đó có 42 tập đoàn, tổng công ty, như: Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tổng Công ty Xi măng Việt Nam, Tổng Công ty Dược Việt Nam, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Tập đoàn Bảo Việt, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico)... “Các cuộc kiểm toán này sẽ đánh giá tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước để phục vụ cho việc triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty giai đoạn 2011-2015. Chúng tôi sẽ xem xét các đơn vị đó đã thực hiện quyết định của Thủ tướng thế nào chứ không phải kiểm toán để xây dựng đề án” - ông Khái nói.
Ngoài ra, năm nay sẽ tiến hành kiểm toán việc quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước năm 2013 có lồng ghép kiểm toán chuyên đề quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp giao thông cùng sự nghiệp giáo dục kiến thiết thị chính giai đoạn 2011-2013 tại Sở Giao thông Vận tải và Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP HCM; chuyên đề huy động và sử dụng vốn tại một loạt công ty cho thuê tài chính thuộc các ngân hàng: Agribank, TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, TMCP Công Thương Việt Nam, TMCP Ngoại thương Việt Nam.
Liên quan đến việc kiểm soát các tập đoàn nước ngoài có dấu hiệu chuyển giá, ông Mai Xuân Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết có doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam với doanh số đăng ký 1,6 tỉ USD nhưng số tiền thực tế đưa vào chỉ khoảng 200 triệu USD. Khi hoàn thành dự án, họ mang về số tài sản tương đương 1,6 tỉ USD. Theo ông Hùng, vấn đề khó khăn hiện nay nằm ở cơ chế, chính sách pháp luật để xử lý. “Chúng tôi đã có báo cáo Chính phủ và cho đến giờ phút này cần phải có sự lựa chọn nhà đầu tư tốt hơn bởi với các doanh nghiệp nước ngoài thì họ chịu trách nhiệm trước mọi quốc gia, trước mọi chính phủ về kiểm toán” - ông Hùng nói.
“Vụ Huyền Như” là một bài học
Trả lời câu hỏi về trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước trong việc không phát hiện ra vụ lừa đảo của Huỳnh Thị Huyền Như tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam, ông Lê Minh Khái cho biết đây là vụ lừa đảo rất lớn và tinh vi. “Có thể việc “chọn mẫu” để kiểm toán đã không đúng. Tuy nhiên, dù có bộ phận kiểm soát nội bộ nhưng lãnh đạo ngân hàng cũng không phát hiện sự việc xảy ra gần năm trời” - ông Khái lý giải.
Theo ông Khái, những năm qua, số vụ việc được kiểm toán phát hiện, xử lý ngày một tăng. Tuy nhiên, để khẳng định kiểm toán phải phát hiện hết những vụ sai phạm thì sẽ rất khó. Ông nhìn nhận: “Đây cũng là bài học với ngành kiểm toán, phải tăng cường trách nhiệm, nâng cao năng lực để phát hiện sớm các vụ việc sai phạm khác”.
Bình luận (0)