“Cuộc chiến” còn dài
Ông Trần Quang Trung hiểu Thông tư 30 rất khó khả thi. “Ngay cả việc cấp sổ đỏ là quyền lợi sát sườn đối với người dân mà nhiều năm nay vẫn chưa xong thì các quy định về thức ăn đường phố cũng không hy vọng giải quyết trong ngày một ngày hai. Do vậy, để những nội dung trong Thông tư 30 được áp dụng hiệu quả cần phải có thời gian và sự đồng lòng vào cuộc của các cấp chính quyền, truyền thông cũng như của mỗi người dân”- ông Trung giãi bày.
Ông Trung khẳng định việc vận động an toàn vệ sinh thức ăn đường phố ở nước ta rất khó nhưng vẫn phải làm, làm càng nhanh càng tốt để cải thiện tình trạng nhếch nhác lâu nay. Thế nhưng, để những quy định của Thông tư 30 đi vào cuộc sống cần phải có thời gian nhất định. Theo đại diện Cục ATTP, đa phần người kinh doanh thức ăn đường phố là nghèo. Để giúp họ tiếp cận những quy định mới, Cục ATTP đang nhân rộng việc khám sức khỏe và tập huấn miễn phí cho lực lượng này.
Trước ý kiến cho rằng Thông tư 30 đang làm khó những hộ kinh doanh nghèo, ông Nguyễn Thanh Phong, Phó cục trưởng Cục ATTP, cho rằng: “Không buộc phải đầu tư tốn kém, chỉ yêu cầu người bán hàng có dụng cụ gắp thức ăn chín, đeo găng tay ni lông, chuyển địa điểm bán hàng xa nơi ô nhiễm, có dụng cụ che chắn, thực phẩm phải để cách mặt đất tối thiểu 60 cm, phải có dụng cụ chứa chất thải…, những yêu cầu này không tốn nhiều chi phí”.
Tuy khó nhưng vẫn làm
Ông Phong cho biết thêm “ổ bệnh” trong thức ăn đường phố không chỉ từ nguyên liệu không bảo đảm chất lượng, việc chế biến mất vệ sinh, bảo quản kém mà còn từ người bán hàng mang mầm bệnh truyền nhiễm.
“Cách đây không lâu, đoàn kiểm tra liên ngành đến một TP phát động tháng hành động ATVSTP. Một giờ sau khi buổi phát động kết thúc, đoàn nhận được thông tin có 36 cháu bé ở một trường mầm non bị ngộ độc thực phẩm. Nguyên nhân là do tay người bốc bún cho các cháu ăn bị tụ cầu trùng vàng” - ông Phong nêu dẫn chứng. Cũng theo ông Phong, qua kiểm tra, giám sát và khám sức khỏe sàng lọc, cơ quan y tế đã phát hiện nhiều người đang bán hàng ăn mắc bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh lao tiến triển.
Khẳng định việc “siết” lại hoạt động kinh doanh thức ăn đường phố là cần thiết, ông Phong cho rằng theo nguyên tắc, kinh doanh phải có lãi. Vì vậy, nếu không giám sát, kiểm tra chặt chẽ, không ít người kinh doanh sẵn sàng sử dụng nguyên liệu kém chất lượng, phụ gia độc hại… để chế biến thực phẩm. Cùng đó, nguồn nước rửa của những hàng quán thức ăn đường phố cũng cần được giám sát chặt. Trần tình về quy định hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc thực phẩm gây khó, đại diện Cục ATTP cho biết khi mua hàng từ 200.000 đồng trở lên cần phải có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc. Mua hàng có giá trị dưới 200.000 đồng, người mua cần có ý thức làm hóa đơn thủ công bằng cách ghi rõ nguồn gốc thực phẩm để khi xảy ra sự cố, cơ quan chức năng có thể truy tìm nguồn gốc.
Ông Trần Quang Trung bày tỏ quan điểm: Hiện nay, có hàng ngàn người kiếm sống bằng việc kinh doanh thức ăn đường phố nhưng không phải vì thế mà buông lỏng quản lý. “Trong trường hợp phải hy sinh quyền lợi của một nhóm nhỏ để bảo vệ sức khỏe của cả cộng đồng thì chúng tôi vẫn phải làm” - ông Trung khẳng định.
Lãnh đạo địa phương chịu trách nhiệm Theo ông Trần Quang Trung, thời gian tới, sau khi tập huấn, tuyên truyền vận động, nếu hộ kinh doanh nào cố tình vi phạm Thông tư 30, chính quyền địa phương sẽ đứng ra xử phạt. Tuy nhiên, trả lời câu hỏi về trách nhiệm của người đứng đầu địa phương để xảy ra tình trạng hàng quán, cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố không bảo đảm vệ sinh?” - ông Trung cho rằng thông tư không quy định việc xử phạt lãnh đạo địa phương. Tuy nhiên, người đứng đầu sẽ bị kiểm điểm, xử phạt theo quy định của pháp luật nếu không hoàn thành nhiệm vụ. |
Bình luận (0)