Theo thông báo của Bộ Tài chính, giá thu phí tuyến đường này như sau: Đối với xe khách 12-30 ghế: 1.500 đồng/km, xe khách trên 30 ghế: 2.200 đồng/km; đối với xe vận tải 10-18 tấn: 4.000 đồng/km, xe 18 tấn trở lên: 8.000 đồng/km... Tính ra phí qua đường cao tốc từ 40.000 đồng đến 320.000 đồng/lượt. Mức thu phí này, theo các chủ phương tiện, là quá cao, đặc biệt đối với xe vận tải nặng, làm giá thành vận tải tăng, cũng có nghĩa đẩy giá thành sản phẩm theo.
Chính vì vậy, nhiều chủ phương tiện quyết định né đường cao tốc TPHCM - Trung Lương, chuyển qua lưu thông trên Quốc lộ 1A, đặc biệt đối với xe tải nặng, xe vận chuyển container. Thực tế, nếu lưu thông qua Quốc lộ 1A (51 km, dài hơn 11 km so với qua đường cao tốc) vẫn có lợi hơn, dù không nhiều. Các bác tài tính toán nếu lưu thông qua Quốc lộ 1A, tốn thêm trung bình từ 27.000 - 30.000 đồng tiền xăng dầu, vẫn còn lợi hơn 10.000 đồng (nếu tính trung bình 40.000 đồng phí qua đường cao tốc) và mất thời gian hơn khoảng 30 phút; với xe tải nặng càng lợi hơn. Hơn nữa, tốc độ cho phép lưu thông trên đường cao tốc là 120 km/giờ nhưng thực tế tuyến đường này đã bị xuống cấp, chỉ có thể lưu thông khoảng 70-80 km/giờ.
Chỉ lợi khoảng 10.000 đồng/lượt, vậy mà các chủ phương tiện vẫn chọn Quốc lộ 1A để “trốn” phí đường cao tốc, cho thấy các doanh nghiệp sợ đường cao tốc và cũng cho thấy việc cạnh tranh trong vận tải hàng hóa cũng rất khốc liệt. Một tài xế xe khách đặt vấn đề: Giả dụ nếu có đường cao tốc TPHCM- Hà Nội (dài khoảng hơn 1.700 km), một xe vận tải hành khách trên 30 chỗ chạy đường này, nếu đóng phí như đường cao tốc TPHCM- Trung Lương, thì số tiền phải đóng là hơn 2,5 triệu đồng; nếu là xe tải trên 18 tấn trở lên và container, mức phí sẽ là 13,6 triệu đồng/lượt. Đó là chưa kể các loại “phí” khác phải đóng dọc đường… thì chi phí cho vận tải hàng hóa quá lớn. Ngay cả việc thu phí trên tuyến Quốc lộ 1A hiện nay, dù một số đoạn đường vẫn còn rất xấu như đoạn qua tỉnh Phú Yên chẳng hạn, các chủ phương tiện vẫn “rên” là cao, cộng với các “phụ phí” khác, giá thành vận tải ở nước ta vẫn ở mức cao hơn so với các nước trong khu vực.
Giá thành hàng hóa thường được tính bởi các yếu tố như giá thành sản xuất (nguyên liệu, nhân công…) cộng với các loại phí khác như quản lý doanh nghiệp, marketing, thuế, vận tải…, trong đó phí vận tải thường khá cao. Như vậy, nếu giá vận tải tăng cao, chắc chắn giá thành sản phẩm sẽ tăng theo, làm sao hàng hóa Việt Nam cạnh tranh nổi trên thương trường quốc tế, đặc biệt với hàng hóa xuất khẩu?
Câu hỏi này đặt ra để các cơ quan chức năng tính lại hiệu quả của đường cao tốc mà Nhà nước đang và chuẩn bị đầu tư xây dựng ở nhiều địa phương, để đường cao tốc thực sự là động lực giúp các vùng kinh tế phát triển toàn diện.
Bình luận (0)