xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sợ mất của lại lo mất mạng

LÊ PHONG - NGUYỄN HƯỞNG

Những vụ hỏa hoạn xảy ra tại các nhà ống ở Hà Nội, TP HCM đều gây thương vong lớn do người dân khóa chặt cửa, không có lối thoát hiểm và cách thức khác để thoát thân

Liên tiếp 2 vụ hỏa hoạn tại Hà Nội trong vòng 6 ngày làm 6 người chết khiến dư luận bàng hoàng. Hai ngôi nhà này đều là nhà ống, chủ nhà khóa chặt các cửa, thậm chí còn làm lồng để ngăn ngừa kẻ gian, từ đó càng thêm bít bùng lối thoát khi hỏa hoạn xảy ra.

Nguy hiểm cháy trong đêm

Khoảng 2 giờ ngày 19-7, một vụ hỏa hoạn xảy ra tại ngôi nhà 4 tầng ở ngõ 41 phố Vọng (phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội). Ngọn lửa bùng phát ở tầng 1 khu vực bán hàng tạp hóa, sau đó nhanh chóng lan lên các tầng trên. Do tầng 2, 3, 4 của ngôi nhà bịt kín nên lực lượng PCCC phải dùng kìm thủy lực để cắt song sắt tầng 3 giải cứu 1 nạn nhân. Hai nạn nhân khác tử vong do ngạt khói.

Trước đó, khoảng 2 giờ ngày 13-7, tại ngôi nhà 3 tầng ở ngõ 205 đường Xuân Đỉnh (phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội), cả 4 người trong gia đình phát hiện cháy nhưng không thể thoát thân. Người dân nghe tiếng kêu cứu của các nạn nhân nhưng không thể giúp do mặt tiền tầng 2, 3 cửa sổ đều được hàn kiên cố, lối lên tầng tum cũng bị khóa chặt.

Là đơn vị trực tiếp chữa cháy tại nhà 41 phố Vọng, đại tá Trần Văn Vụ, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 1 (Cảnh sát PCCC Hà Nội), cho biết ngôi nhà xảy ra cháy chỉ có một lối thoát nạn là cửa chính, mặt tiền ở các tầng đều được cố định bằng khung sắt dạng "chuồng cọp" rất chắc chắn, gây khó khăn cho việc chữa cháy và thoát hiểm.

Tại Hà Nội, những khu nhà tập thể cũ như khu Thành Công, Giảng Võ, Đền Lừ, Bách Khoa, Tôn Thất Tùng, Trung Tự…ngoài tầng 1 còn những tầng trên bịt kín cơi nới chắc chắn bằng cột bê-tông, sắt thép. Đa phần đều là những khung sắt bao quanh ban công, một số bắn thêm tôn bao quanh nên rất khó thoát thân khi cháy nổ.

Tại TP HCM lại phổ biến những căn nhà "hai trong một" vừa ở vừa kinh doanh, song chỉ có một lối thoát hiểm.

Sợ mất của lại lo mất mạng - Ảnh 1.

Một vụ cháy nhà ống trên đường Lê Hồng Phong, phường 1, quận 10, TP HCM Ảnh: LÊ PHONG

Cách đây hơn 8 tháng, tại hẻm 453 Lê Văn Sỹ, quận 3, xảy ra vụ cháy làm cả gia đình 6 người tử vong, trong đó có 3 trẻ em từ 1-7 tuổi. Nhưng câu chuyện đau lòng đó vẫn không đủ cảnh báo người dân về an toàn mạng sống. Phóng viên đã thực hiện cuộc khảo sát nhỏ với hơn 10 cửa hàng gần hẻm 453 Lê Văn Sỹ. Khi nhắc chuyện cũ, mọi người đều lo lắng nhưng hàng hóa kinh doanh vẫn chất đầy trong nhà. Cửa sổ, sân thượng bị khóa chặt, bịt kín. Người dân cho rằng nếu không bịt sẽ bị trộm vào cuỗm hết đồ đạc.

Tương tự, xung quanh chợ Campuchia (phường 1, quận 10), các lối ra vào chợ đều là con hẻm từ 2 trục đường chính gồm Lê Hồng Phong và Hồ Thị Kỷ. Mặc dù theo bảng vẽ, hẻm dẫn vào chợ đều có độ rộng từ 4-7 m nhưng khi ra vào chỉ vừa đủ cho 2 xe máy chạy. Xung quanh nhà dân đều đặt bàn ghế lấn chiếm để kinh doanh. Phía trên các tầng lầu cơi nới, lấn ra ngoài để mở rộng diện tích.

Ông Lê Tấn Hùng (ngụ hẻm 438 Lê Hồng Phong) cho rằng sống trong con hẻm này, dân rất lo lắng về sự cố cháy nổ. Mới đây, có một trường hợp nổ bình gas mini, may mắn xử lý kịp, không thì không biết bao nhiêu người sẽ mất mạng. Để hạn chế thiệt hại về người, riêng căn nhà của ông đã sử dụng một mái di dộng vừa làm nơi thoát nạn vừa làm giếng trời. Chi phí thiết kế, lắp đặt hơn 50 triệu đồng. Ông Hùng đã khuyên một vài người làm thử nhưng đều nhận được thái độ khó chịu, phớt lờ.

"Biết rồi, khổ lắm" nhưng phải nói mãi

Theo đại tá Trần Văn Vụ, nhiều gia đình khi xây dựng, do gia cố vật liệu kiên cố là sắt thép, bê-tông... nên lúc cháy, lực lượng PCCC tiếp cận cứu người rất khó. Chưa kể mất thời gian để cắt "chuồng cọp", tốc độ xử lý sự cố cháy nổ, cứu hộ cứu nạn các nạn nhân cũng sẽ lâu. Do vậy, Cảnh sát PCCC khuyến cáo người dân không được hàn các khung sắt kiên cố ở khu vực ban công, mặt trước của căn nhà để tạo điều kiện thuận lợi thoát hiểm trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn.

Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, lưu ý mỗi tầng nên để 1 cửa thoát hiểm đề phòng sự cố, không dùng có thể đóng lại và khi xảy ra cháy có thể mở ra làm đường thoát nạn. Đồng thời, có thể lắp đặt các thiết bị báo cháy trong nhà để phát hiện vụ cháy sớm nhất bởi đa phần các vụ cháy vào ban đêm, người dân chỉ phát hiện khi thấy hơi nóng và khói bốc lên phòng ngủ.

Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP HCM, cho biết TP có hơn 300.000 hộ gia đình kết hợp vừa ở vừa kinh doanh nằm xen cài khu dân cư và đây là những địa chỉ tiềm ẩn nguy cơ. Ông nêu ra một bất cập hiện nay là chưa có thông tư hướng dẫn chế tài xử lý khi phát hiện các nhà ống thiếu an toàn thoát nạn PCCC dẫn đến cán bộ lúng túng không biết xử lý ra sao.

"Chuyện cảnh báo tai nạn về lửa chúng tôi tuyên truyền không ngừng nghỉ nhưng dân cứ xem đây là chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi". Nhưng phải nói mãi để ý thức người dân nâng lên" - ông Bửu nói.

Nên trang bị búa thoát hiểm

Giám đốc Cảnh sát PCCC TP HCM khuyến cáo người dân khi xảy ra hỏa hoạn, quan trọng là bình tĩnh, cúi thấp người xuống và tìm lối thoát hiểm chạy ra. Nếu đang ở trên lầu, sân thượng thì chấp nhận gãy chân, gãy tay còn hơn mất mạng. Ngoài ra, trong nhà nên trang bị búa thoát hiểm có thể đập cửa, phá tường lúc cần thiết.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo