Từ nhiều năm nay, chuyện chạy ngập dường như đã quá quen thuộc với những người dân sống dọc tuyến đường Nguyễn Văn Quá, quận 12,
TP HCM. Sau cơn mưa lớn đầu mùa hồi cuối tháng 5 mới đây, nước dâng lên như lũ, tràn vào nhà khiến nhiều gia đình lại tiếp tục cảnh be bờ, thức trắng đêm tát nước.
Khổ nhất là lúc xe cộ chạy qua
Đường Nguyễn Văn Quá ngập nặng nhất là đoạn gần giao lộ với đường Quang Trung (phường Đông Hưng Thuận), kéo dài khoảng 1 km. Sau mỗi trận mưa lớn, trên đoạn đường này nước dâng cao đến nửa mét, màu đen ngòm bốc mùi hôi nồng nặc. Do khá trũng nên khi mưa càng kéo dài, nước càng dồn về đây. Mỗi lần như vậy, nước chảy cuồn cuộn như lũ, ồ ạt tràn vào nhà dân ven đường và các tuyến hẻm trũng thấp. Cứ thế, mỗi người một việc, người lớn phụ nhau be bờ, kê kích đồ lên cao; còn trẻ nhỏ thì lau chùi, quét dọn nhà khi bị nước tràn vào. Chẳng ai bảo ai nhưng người nào cũng thoăn thoắt làm như thể đó là “công việc” thường nhật trong cuộc sống của họ.
Bà Lý (61 tuổi) kể: “Tôi vào TP HCM định cư được hơn 30 năm. Lúc đầu, gia đình sống ở khu “ổ chuột” ven kênh Đôi bên quận 8, rồi nhờ tích góp mua được căn nhà nhỏ trên đường Nguyễn Văn Quá. Ấy vậy mà cuộc sống vẫn khó khăn lắm, không chỉ riêng gia đình tôi mà nhiều người ở đây luôn phải chạy ngập như cơm bữa vào mùa mưa”.
Bà Lý cho biết sau trận mưa lớn chiều 30-5, cả tuyến đường Nguyễn Văn Quá ngập sâu, giao thông ở nhiều đoạn hỗn loạn và gần như “chết cứng”. Khi nước bắt đầu rút, bùn đất cùng rác thải đọng lại thành từng lớp khiến nhà nào cũng phải hì hục quét dọn và lau rửa đồ đạc.
Theo chị Nguyễn Ngọc Hạnh, chủ cửa hàng bán vật liệu xây dựng ở góc đường Nguyễn Văn Quá - Quang Trung, khổ nhất là lúc xe cộ chạy qua, nước tạo thành những đợt sóng cuồn cuộn vào nhà dân hai bên đường. Vừa kể, chị Hạnh vừa chỉ vào bậc thềm trước cửa nhà và cho biết dù đã được xây thêm gờ bê-tông cao khoảng 15 cm nhưng vẫn bị nước tràn vào mỗi khi mưa lớn. “Gờ bê-tông này chưa ăn thua gì cả vì tôi còn dùng các ván gỗ che chắn phía trong và đóng chặt cửa nhưng vẫn bị nước tràn vào, nhất là khi có ô tô chạy qua” - chị Hạnh nói.
Rác thải, côn trùng vào nhà
Có mặt nhiều lần trên tuyến đường này sau mỗi cơn mưa lớn, chúng tôi mới được chứng kiến những câu chuyện bi hài của người dân nơi đây trong “mùa” ngập. Trong nhiều căn nhà, hầu hết các loại đồ đạc, vật dụng như tủ lạnh, máy giặt, bàn ghế... đều đã được kê cao sẵn để đối phó với những trận nước dâng. Rất ít gia đình sử dụng các loại ghế sofa hoặc những vật dụng đóng bằng ván ép do rất dễ hư hỏng khi bị ẩm ướt. Chuyện ăn uống của họ cũng khổ trăm phần mỗi khi ngập. Do nước tràn vào nhà nên hầu như chẳng gia đình nào kịp nấu nướng hay ăn uống gì vì chỉ lo dọn đồ nhanh cho kịp. “Nước dâng nhanh lắm, không nhanh tay dọn đồ thì có mà ướt hết. Gay go nhất là mưa thường đổ xuống vào chiều tối, nước ngập cuốn theo rác thải, côn trùng vào nhà nên hầu như chẳng ai ngủ được vì mùi hôi thối và ngứa ngáy do phải lội nước bẩn” - chị Nguyễn Bích Hiền (ngụ gần giao lộ Nguyễn Văn Quá - Đông Hưng Thuận 18) nói.
Trông chờ hệ thống thoát nước
Trước đó, vào tháng 7-2015, công trình chống ngập nước do triều cường và mưa lớn trên đường Nguyễn Văn Quá được khởi công để giải quyết ngập úng trên tuyến đường này. Đây là công trình do Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị TP làm chủ đầu tư với tổng kinh phí 163 tỉ đồng. Khi đó, công trình này được dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2015 nhưng đến nay - tức sau hơn 6 tháng - mới ở giai đoạn hoàn thiện. Giải thích vấn đề này, đại diện Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị TP cho biết do phải dời đường ống cấp nước, cáp thông tin và vướng giải tỏa mặt bằng nên tiến độ chậm hơn so với kế hoạch.
“Đường Nguyễn Văn Quá còn được chúng tôi gọi là “con đường đau khổ” vì hầu như cứ sau mỗi trận mưa lớn là ngập nặng. Người dân chúng tôi dù đã nhiều lần cầu cứu chính quyền khắc phục tình trạng này nhưng ngập vẫn hoàn ngập. Qua nhiều năm, chúng tôi cũng đành phải quen với việc ngập như cơm bữa vào mùa mưa. Chẳng biết công trình thoát nước chuẩn bị đưa vào khai thác có giải quyết được tình trạng này hay không?” - bà Lý đặt vấn đề.
Nâng đường, ngập lan rộng
Theo người dân sống trên đường Nguyễn Văn Quá, tình trạng ngập nước đã diễn ra triền miên từ khoảng 5 năm nay. Có những lần mưa lớn kéo dài khiến nước dâng cao gần 1 m nhưng sau nhiều giờ mới bắt đầu rút. Người dân cho biết, khi tuyến đường này chưa được nâng lên thì chỉ riêng đoạn qua nhà hàng tiệc cưới Đông Phương (gần giao lộ Nguyễn Văn Quá - Đông Hưng Thuận 30) là bị ngập nặng. Tuy nhiên, sau khi nâng đường cách đây khoảng 1 năm, tình trạng ngập lại phát sinh qua nhiều khu vực khác, đặc biệt là đoạn gần đường Quang Trung. “Một số hộ nhiều lần sửa chữa, nâng cao nền nhà nhưng vẫn không thoát khỏi ngập. Hơn nữa, nếu cứ nâng hoài thì tiền bạc ở đâu cho đủ?” - bà Lý buồn rầu.
Bình luận (0)