xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sông đang bị “rút ruột”

Bích-Khánh-Trịnh-Dũng

Từ đồng bằng sông Cửu Long ra đến miền Trung, hầu hết các con sông đang từng ngày, từng giờ bị “rút ruột” dẫn đến sạt lở

Đoạn sông Hậu chảy qua địa bàn quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, có 4 mỏ cát với tổng trữ lượng hơn 11,4 triệu m³; cơ quan chức năng đã cấp 12 giấy phép khai thác cát cho 11 doanh nghiệp đăng ký 15 phương tiện khai thác nhưng thực tế số phương tiện tham gia rất nhiều.

img
Một điểm khai thác cát trái phép trên sông Vu Gia (Quảng Nam). Ảnh: X.LONG


Nguy cơ xóa sổ cù lao Tân Lộc


Ngày 2-7, lực lượng CSGT quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ phát hiện 40 sà lan có đặt cẩu để khai thác cát. Ngoài số phương tiện trên, còn rất nhiều phương tiện khai thác và vận chuyển cát neo đậu ven bờ thuộc địa phận huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp.

Hầu hết phương tiện chỉ tập trung khai thác cát từ khoảng 22 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau. Chỉ trong tháng 6 vừa qua, Công an quận Thốt Nốt phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện 17 cuộc tuần tra và đã lập biên bản 54 trường hợp vi phạm các lỗi như không có bằng máy trưởng, thuyền trưởng; chở quá tải; khai thác cát trái phép trong phạm vi luồng hàng hải...

Ông Nguyễn Thanh Dũng, Chủ tịch UBND quận Thốt Nốt, lo lắng: “Xã cù lao Tân Lộc nằm giữa sông Hậu được bảo vệ bởi 4 mỏ cát xung quanh. Trong đó, 3 mỏ cát ở khu vực đầu và hai bên sườn đang bị khai thác ồ ạt, mỏ cát cuối cù lao thì đang được thăm dò. Nếu các cơ quan chức năng không có biện pháp quản lý thì cù lao Tân Lộc có nguy cơ bị xóa sổ vì sạt lở”.

Sông Đồng Nai: Dòng chảy bị ảnh hưởng nghiêm trọng


Kết quả thăm dò mới đây của các cơ quan chức năng cho thấy tình trạng khai thác cát tràn lan trên sông Đồng Nai đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng chảy, làm sạt lở ven bờ. Nhiều đoạn sông trước đây độ sâu chỉ gần 30 m thì nay đã sâu đến 50 m.


Sáng 14-8, chúng tôi ngược sông Đồng Nai và chứng kiến những hàm ếch lộ ra hai bên bờ. Đưa chúng tôi ra bờ sông, bà Đào Thị Bông (ngụ ấp 2, xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu) nhớ lại: “Trước kia con đường đi lại trong xóm cách vườn của tôi phải hơn 15 m. Nay dân khai thác cát cứ hút riết làm sạt mất cả con đường, tôi phải cho người dân ở đây đi băng qua vườn của mình”.


Cách vườn bà Bông không xa, hàng trăm mét vuông đất vườn của anh Nguyễn Ngọc Đính bị cuốn trôi theo nước. “Bất cứ ngày hay đêm, dân khai thác cát đậu ghe ở giữa dòng sông, đưa ống sát vào bờ và hút cát, có ngày 6-7 ghe hoạt động, mỗi ghe hút 10 m3 thì đất đai nào mà chịu nổi”- anh Đính cho biết.


Một cán bộ thanh tra của Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Đồng Nai than thở tình trạng khai thác cát trái phép trên sông đoạn chảy qua một số huyện trong tỉnh diễn ra trong nhiều năm qua đã làm sạt lở bờ sông nghiêm trọng. Điều nghịch lý là càng cấm thì các điểm khai thác cát lậu tại các huyện này càng tăng, có xã một đêm bắt được 14 ghe hút cát lậu.


Suối Trà Thai đã thành sông


Trước tình trạng khai thác cát trái phép rầm rộ trên sông Tiền và sông Hậu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Bộ Tài nguyên-Môi trường và Bộ Xây dựng kiểm tra, nếu đúng, phải có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, báo cáo trước ngày 15-9, thế nhưng hiện “sa tặc” vẫn hoạt động công khai ở nhiều nơi dọc hai con sông này.

Tại Quảng Nam, hầu hết các con sông đều trở thành nạn nhân của “sa tặc”. Các bến bãi tập kết cát sạn trái phép đua nhau mọc lên, hoạt động cả ngày lẫn đêm.


Dọc sông Trường Giang thuộc địa bàn huyện Thăng Bình, các bến bãi kinh doanh cát trái phép hoạt động nhộn nhịp. “Sa tặc” dùng vòi rồng hút cát ven sông Trường Giang qua xã Tam Phú và phường An Phú của TP Tam Kỳ. Tương tự, dọc sông Bàn Thạch qua các thôn Bích An, Bích Tân của xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, người dân phải thức trắng đêm để giữ ruộng lúa vì nếu không thì chỉ sau một đêm là ruộng có thể sẽ trôi xuống sông.


Dù lực lượng chức năng của huyện Phú Ninh đã tổ chức truy quét nhiều lần nhưng tình hình khai thác cát trái phép trên suối Trà Thai (vùng giáp ranh hai xã Tam An và Tam Đàn, huyện  Phú Ninh) vẫn cứ tiếp diễn. Biển cấm được cắm nhiều nơi nhưng chẳng ăn thua gì. Hàng chục ghe, thuyền và xe tải chực chờ mỗi ngày để phục vụ hoạt động khai thác.

Ông Bùi Văn Thanh, Trưởng Công an xã Tam An, cho biết: “Suối Trà Thai chỉ tiêu thoát nước trên ruộng đồng nên chỗ rộng nhất cũng không quá 10 m. Do “sa tặc” khai thác cát quá mức mà con suối này hiện đã thành sông, có nơi rộng hơn 200 m. Nhiều diện tích đất sản xuất của người dân bị mất đi hoặc phải bỏ hoang do sạt lở, bồi lấp không sản xuất được”.


Sống trong sợ hãi


Chúng tôi trở lại con sông Túy Loan, đoạn chảy qua xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng vào một ngày giữa tháng 8, vừa bước chân đến đoạn sông này đã bắt gặp ngay một bãi tập kết cát sạn.


Khi nghe hỏi về tình trạng khai thác cát ở sông Túy Loan, người dân ở đây ai cũng bức xúc. Anh Đinh Văn Dũ cho biết gia đình anh định cư ở bờ sông Túy Loan hơn 20 năm nay. Ngày trước, nhà anh cách mép sông khoảng hơn 10 m nhưng bây giờ đã bị nước xói lở, xâm thực khiến cả gia đình anh phải di chuyển. Không chỉ gia đình anh Dũ mà nhiều hộ dân khác sống cạnh bờ sông Túy Loan như gia đình bà Nhí, anh Huynh... cũng luôn sống trong tâm trạng lo âu, thấp thỏm mỗi khi mùa mưa về.


Quảng Ngãi: Mất vài chục tỉ đồng/năm để chống sạt lở


Tại tỉnh Quảng Ngãi, tình trạng sạt lở ở vùng hạ lưu sông Trà Khúc diễn ra ngày càng nghiêm trọng bởi tình trạng khai thác cát. Hàng vạn người dân cư ngụ ven hai bên bờ sông Trà Khúc (thuộc các huyện Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, TP Quảng Ngãi) luôn phải sống trong cảnh thấp thỏm lo sợ. Trong những năm qua, mỗi năm tỉnh Quảng Ngãi phải đầu tư hàng chục tỉ đồng để xây kè chống sạt lở nhưng hiện dọc sông Trà Khúc vẫn còn hàng chục điểm sạt lở đe dọa trực tiếp đến các khu dân cư.

X.Long

Kỳ tới: Gặp nhau... làm ngơ

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo