Tất cả hồ thủy điện ở lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn đều đầy nước do 9 đợt mưa lớn, dài ngày vào cuối năm 2016 và kéo sang đầu năm 2017. Tuy nhiên, các thủy điện lại hạn chế xả nước khiến những dòng sông chính của tỉnh Quảng Nam như: Vu Gia, Thu Bồn, Giằng, Bung, Trầu, Đăk Mi, Cái... cạn khô.
Bị thủy điện chặn dòng
Trước khi có các đập thủy điện, chưa bao giờ nhiều đoạn sông khô kiệt nước đến vậy, nhất là đoạn sông Đăk Mi dài 50 km từ hạ lưu đập thủy điện Đăk Mi 4A (huyện Phước Sơn) đến Bến Giằng (huyện Nam Giang) gần như không có dòng chảy.
Sông Trầu (sông Trà) tại đoạn hạ lưu Nhà máy Thủy điện Đăk Mi 4 gần như cạn hẳn vì thủy điện dừng phát điện
Bến Giằng từng là bến phà hoạt động nhộn nhịp, nay trở thành nơi tắm sông, tập bơi, xây “lâu đài trên cát”... của trẻ em trong vùng. Tại thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, người dân 2 bên bờ sông Vu Gia đã quen với hình ảnh chưa bao giờ thấy trong lịch sử xuất hiện trong 2-3 năm trở lại đây: nước sông cạn trơ bãi cát rộng ngay tại cầu Ái Nghĩa.
“Trước đây, sông Ái Nghĩa sâu không thấy đáy, đưa cây sào tre xuống thử là lút ngọn. Vậy mà gần 10 năm nay, từ khi có các nhà máy thủy điện, nước sông Vu Gia hạ thấp hẳn. Bà con nhìn bãi cát rộng nổi lên và dòng chảy nhỏ tí chảy về hạ nguồn mà thảng thốt” - ông Nguyễn Hồng Sinh, một người dân ở tổ 4, khu 8, thị trấn Ái Nghĩa, nói.
Nước sông cạn trong 2-3 ngày, đến khi nước từ các nhà máy thủy điện xả về chỉ dâng cao đến đầu gối chân là hạ xuống sau vài giờ. Bà con bị thiếu nước sinh hoạt và không chủ động được nước tưới do đoạn sông Vu Gia tại trạm thủy nông Ái Nghĩa phải chờ có nước thủy điện về mới bơm được.
Còn tại đập dâng An Trạch (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), nơi có các trạm bơm cấp nước ngọt cho 2 nhà máy lớn nhất là Đà Nẵng là Cầu Đỏ và sân bay, từ chủ nhật đến thứ ba hằng tuần, mực nước luôn duy trì ở mức thấp, thậm chí chỉ từ 1,4-1,7 m trong khoảng 2 ngày, trong khi chiều cao cột nước thiết kế để vận hành các máy bơm là trên 2 m và dưới 1,5 m là không thể bơm được.
Theo Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng, năm 2014, tại cửa thu nước thô vào Nhà máy nước Cầu Đỏ có 153 ngày mặn, độ mặn cao nhất là 11.727 mg/lít, phải huy động 15.280 giờ bơm đưa hơn 26 triệu m3 nước ngọt từ thượng lưu đập dâng An Trạch về cấp nước sinh hoạt cho người dân TP Đà Nẵng với chi phí sản xuất nước tăng thêm 14 tỉ đồng. Đến năm 2016, bơm gần 6,5 triệu m3 nước ngọt về cấp nước sạch cho người dân TP với chi phí trội thêm hơn 4,5 tỉ đồng.
Vì sao thiếu nước?
Theo giải thích của các chủ thủy điện, hằng ngày, thủy điện vẫn xả nước phát điện về sông Vu Gia đều đặn theo như chào giá trên thị trường phát điện cạnh tranh từ trước đó 1 ngày do Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia huy động. Riêng thứ bảy và chủ nhật thường nghỉ vận hành do các nhà máy, xưởng đều nghỉ, giá bán điện cũng rất thấp. Nếu phải phát vào khung giờ thấp điểm, toàn bộ sản lượng điện được tính 0 đồng. Vì thế, mỗi khi vận hành xả lũ qua phát điện liên tục hoặc xả nước phát điện để phục vụ sản xuất nông nghiệp, nếu không được chấp thuận phát điện cạnh tranh thì toàn bộ sản lượng điện được tính 0 đồng dù điện phát lên lưới được tiêu thụ. “Thực tế, thủy điện Sông Bung 4 hay bị nhắc nhở vì phát điện xả lũ và xả nước cho sản xuất nông nghiệp trong năm 2016 và tháng 1-2017. Nếu bị nhắc nhở nhiều lần liên tục thì sẽ bị phạt” - ông Nguyễn Sơn, Phó Giám đốc phụ trách Công ty Thủy điện Sông Bung, khẳng định.
Trong khi đó, theo ông Huỳnh Vạn Thắng, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Đà Nẵng, bản chất việc thiếu nước của TP Đà Nẵng nói riêng và hạ du sông Vu Gia nói chung là do Nhà máy Thủy điện Đăk Mi 4 chuyển gần một nửa lưu lượng nước trong mùa khô từ sông Vu Gia sang sông Thu Bồn để phát điện. Từ năm 2000-2007, trước khi có các nhà máy thủy điện hoạt động, Nhà máy nước Cầu Đỏ chỉ có 26 ngày bị nhiễm mặn (trừ năm 2001) nhưng trong 5 năm qua, kể từ khi Nhà máy Thủy điện Đắk Mi 4 đi vào hoạt động đến nay, có đến 600 ngày bị nhiễm mặn nặng. Việc chọn mực nước khống chế tại Trạm thủy văn Ái Nghĩa là 2,67 m làm cơ sở vận hành xả nước thủy điện về sông Vu Gia theo như quy định trong quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn tưởng chừng hạ du sông Vu Gia sẽ đủ nước song thực tế, tình trạng thiếu nước, nhiễm mặn vẫn là nỗi lo thường trực vì trữ lượng nước mà Nhà máy Thủy điện Đăk Mi 4 xả về lại sông Vu Gia theo quy định là quá nhỏ.
Ông Huỳnh Vạn Thắng cho rằng việc chọn mực nước làm tiêu chí khống chế và vận hành xả nước thủy điện chỉ phù hợp với trước đây khi lòng sông Ái Nghĩa tương đối ổn định, còn hiện nay thì tiêu chí này không phù hợp nữa do đáy sông không ngừng được nâng lên. Do đó, phải chọn tiêu chí khống chế mới là mực nước kết hợp lưu lượng nước.
Bình luận (0)