Xe buýt di chuyển khó khăn trên đường Tân Hóa, quận 6, TP HCM sáng 7-11 Ảnh: XUÂN DANH
Đặc biệt, ở khu vực đường Huỳnh Tấn Phát, nước ngập kéo dài từ cổng KCX Tân Thuận đến gần cầu Phú Xuân, có nơi nước cao gần 1 m. Nhiều cây xăng trên đoạn đường này phải đóng cửa. Ngoài ra, khu vực đường Kinh Dương Vương, Tân Hòa Đông, An Dương Vương (quận 6, quận Bình Tân), Lạc Long Quân (quận 11), vòng xoay Cây Gõ đến vòng xoay Phú Lâm cũng chìm trong biển nước.
Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP HCM, lượng mưa khu vực nội thành đạt 110 mm, vùng ven 140 mm. Toàn TP có 45 điểm bị ngập nặng và 20 điểm khác ngập nhẹ. Trong đó, ngập tập trung ở các tuyến đường xung quanh dự án Tân Hóa - Lò Gốm (quận 6) và một số tuyến đường khác ở quận 8.
Ông Nguyễn Minh Giám, Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, cho biết mưa lớn do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, có vũ lượng 80-100 mm. Mực nước đỉnh triều thực đo tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn đạt mức 1,64 m (vượt mức báo động 3 là 0,14 m, cao hơn dự báo 0,09 m). Do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới và mưa lớn nên mức đỉnh triều lên cao hơn so với dự báo.
Dù Sở GD-ĐT TP HCM đã có công văn yêu cầu các trường hoạt động trở lại từ ngày 7-11 nhưng nhiều trường như: Mầm non (MN) quận Tân Bình, MN Tuổi Xanh (quận Tân Bình), MN 19-5 (quận 10), MN 8 (quận 3)… đều đóng cửa. Bà Chung Bích Phượng, Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Phú, cho biết các trường vẫn cử ban giám hiệu túc trực để giữ trẻ nhưng hầu hết phụ huynh đều chọn giải pháp an toàn, giữ trẻ ở nhà. Trong khi đó, nhiều học sinh phổ thông đến trường trễ do kẹt xe và đường ngập.
Sáng cùng ngày, lãnh đạo UBND huyện Cần Giờ vẫn chưa có kế hoạch cho phép gần 2.000 người dân trên xã đảo Thạnh An và các xã ven biển trở về nhà. Toàn bộ học sinh nơi đây phải nghỉ học.
Bình luận (0)