Phát biểu của lãnh đạo huyện Đơn Dương, hàm ý cáo buộc báo giới đã dựng chuyện nông dân huyện này đổ bỏ một lượng lớn sữa mấy ngày qua, đã lập tức bị các phóng viên dự họp phản bác bằng những thông tin, hình ảnh cụ thể. Ông Đại không tranh luận lại được, cũng không có lời giải thích thỏa đáng.
Tại một nước còn nghèo như Việt Nam, thể trạng người dân nhìn chung còn thấp còi (so với thế giới), sữa là thức uống thuộc dạng đắt tiền, chẳng ai “điên” mà đem đi đổ bỏ. Người ta đổ là vì 2 lẽ: Một, do công ty chế biến ngưng mua vì đã thừa sản lượng. Hai, để phản đối hạn mức thu mua quái đản: chỉ 16 lít/con bò.
Trước đó ít ngày, làm việc với 100 hộ nuôi bò ở huyện Đơn Dương, chính đại diện của Dalat Milk đã thừa nhận: Nhà máy của công ty chỉ chế biến tối đa được 8 tấn sữa/ngày trong khi năng lực cung ứng của nông dân là 12 tấn. Thừa 4 tấn sữa/ngày, công ty không thể mua hết rồi đem đổ nên phải tạm ngưng mua. Mà công ty ngưng mua thì nông dân biết bán cho ai, đành đổ bỏ. Bốn tấn sữa, chứ không phải “có người đã đổ khoảng 10 lít sữa ra đường để báo chí đưa tin” như ông Dương Đức Đại nói.
Lời ông Đại chẳng khác nào dặm thêm bồ hòn vào chén đắng mà những người nuôi bò sữa đang phải uống, qua đó cũng khái quát được rằng quản lý, điều hành kiểu “sống chết mặc bây...” như vậy, nông dân không khốn khổ mới lạ!
Mà nào chỉ ở Lâm Đồng, nhiều người nuôi bò ở Long An, Hà Nội cũng đã đổ bỏ sữa vì lý do tương tự. Trong lúc lâm vào đại bi kịch, người nuôi bò sữa trông chờ cơ quan quản lý chìa tay ra dẫn dắt họ bước qua ngang trái. Thế nhưng, đáp lại là sự im lặng thật lạnh lùng, dường như thay cho câu trả lời, rằng nông dân hãy tự cứu lấy mình.
Nhìn vào những gì đang xảy ra trong thực tế, như thấy không chỉ người nuôi bò mà ngay cả chính sách quản lý đang cùng vỗ béo các nhà kinh doanh sữa. Khoảng 1 tháng qua, giá sữa nguyên liệu thế giới giảm mạnh, đến 50% so với bình quân giá sữa nhập khẩu năm 2014, vậy nhưng giá bán trong nước vẫn không giảm.
Được lợi lớn nhất là các hãng sữa trước nay không đầu tư cho vùng nguyên liệu. Lẽ ra, cơ quan hữu trách phải sử dụng công cụ điều tiết, ví dụ như tăng thuế đồng thời áp hạn ngạch nhập khẩu đối với sữa bột nguyên liệu, để bảo đảm công bằng cho các doanh nghiệp đã chịu khó đầu tư phát triển vùng nguyên liệu. Tuy nhiên, động thái đó đã không được tiến hành. Và sự cạnh tranh thiếu lành mạnh triệt tiêu động cơ đầu tư cho vùng nguyên liệu của các doanh nghiệp đó và rốt cuộc, chịu thiệt hại chính là nông dân.
Giá sữa thành phẩm cao, người tiêu dùng phải tốn nhiều tiền, tư thương đắc lợi trong khi người nuôi bò thì đem sữa đi đổ, có nghịch lý nào lớn hơn thế! Ai cũng thấy, lẽ nào nhà chức trách không thấy?
Bình luận (0)