Hàng thời trang chiếm lĩnh hầu hết chợ đêm bán lẻ ở TP HCM, đến nỗi giờ nói đến chợ đêm thì ai cũng nghĩ đi sắm quần áo. Trong đó, tồn tại lâu và phát triển mạnh nhất là những chợ đêm thời trang bình dân.
Nhường chỗ cho thời trang
Kỳ cựu nhất là chợ Minh Phụng (quận 6) với hơn 40 năm phát triển. Chợ chủ yếu phục vụ người lao động ở quận 5, quận 11 và vùng Phú Lâm, Cây Da Xà (quận 6) từ thời chưa có siêu thị Co.opmart Phú Lâm, Co.opmart Hậu Giang. Từ những năm đầu, chợ này tập trung bán hàng thời trang như quần áo, giày dép, túi xách, trang sức xi mạ, kẹp tóc. Người dân vùng Cây Gõ trước đây gọi chợ đêm Minh Phụng là chợ kẹp tóc vì các quầy kẹp nằm ở mặt tiền chợ, bán sỉ và lẻ.
Lâu năm ở quận Bình Thạnh phải kể đến khu bán hàng đêm ở chợ Bà Chiểu. Trước đây, chỉ có những tiểu thương hàng hoa, trái cây, bánh ngọt và một số người bày rau củ quả nhỏ bán về đêm. Cách nay khoảng 15 năm, những người kinh doanh quần áo cũ tập trung về chợ Bà Chiểu bán từ chiều đến gần nửa đêm. Nói là quần áo cũ nhưng nhiều kiểu đẹp, lạ, không đụng hàng nên thu hút rất đông người mua. Nhiều người thấy không gian trước chợ rộng rãi cũng kéo đến bán quần áo mới, hình thành một chợ đêm thời trang chiếm hết cả mặt tiền chợ, kéo dài đến gần Lăng Ông. Con đường Bùi Hữu Nghĩa bên hông chợ cũng dày đặc, không chỉ có hàng quần áo, mà còn thêm nhiều hàng túi xách, giày dép, mắt kính, dây nịt, khăn choàng…
Còn nhớ năm 2002, chợ Hạnh Thông Tây mới được xây dựng trên đường Quang Trung (quận Gò Vấp) thay thế cho chợ cũ cách đó chỉ độ 1 km, tiểu thương chợ cũ theo về chợ mới bán. Chợ mới rộng rãi có bãi đậu ô tô, có đường xe chạy chung quanh nhưng sau khi khánh thành 1 năm, chỉ những tiểu thương hàng thực phẩm tươi sống bán được.
Ban quản lý chợ đề nghị chính quyền địa phương cho tổ chức chợ ẩm thực ban đêm để thu hút khách. Sau đó, tiểu thương các ngành hàng rau củ quả và cả hàng quần áo, giày dép, đồ chơi thấy có khách đến chợ đêm nên nán lại bán thêm buổi tối. Nào ngờ, chợ đêm vô tình đáp ứng được thời gian cho công nhân, sinh viên, những người ban ngày không thể thong thả mua sắm. Thế là thấy vị trí chợ Hạnh Thông Tây quá tốt, người đi chợ đêm này ngày càng đông, một số người bán hàng kéo đến thuê chỗ trước những sạp bên ngoài chợ hoặc mặt tiền nhà ở những dãy phố hai bên chợ để bán về đêm. Chỉ sau khoảng 5 năm, hàng thời trang đẩy lùi hết những người bán hàng rau củ quả và hơn một nửa số gian hàng ẩm thực, hình thành một chợ đêm thời trang bình dân lớn nhất quận Gò Vấp.
Trong khi đó, chợ Thủ Đức tuy có một số gian hàng bán từ sáng đến khoảng 21 giờ nhưng không hình thành một chợ đêm. Còn chợ Từ Đức (trước là chợ Bắc Ninh) trên đường Nguyễn Bá Luật, từ một chợ nhỏ chỉ người dân ở những khu phố quanh đó biết, 5 năm qua bỗng nổi tiếng với chợ đêm. Trước đây, chỉ khoảng 20 người bán quần áo, giày dép đổ đống bán 3 tối cuối tuần ở đầu đường Nguyễn Bá Luật (phía giáp đường Võ Văn Ngân), giờ chợ đêm này kéo dài hết hơn 1 km với hàng trăm người bán mỗi tối, 95% là hàng thời trang.
Những người có vốn mạnh đã thuê hẳn mặt tiền của các nhà phố trên đường Nguyễn Bá Luật, chấp nhận ban ngày lai rai có khách để chủ yếu bán buổi tối. Những người vốn nhỏ thì thuê lại gian hàng của những tiểu thương chợ ban ngày hay chia nhau thuê diện tích hành lang của một số nhà phố.
Chợ đêm Hạnh Thông Tây và chợ đêm Từ Đức đã qua mặt chợ đêm Minh Phụng và chợ đêm Bà Chiểu về số người bán và sức mua, được xem là 2 chợ đêm thời trang bình dân lớn nhất hiện nay.
Đua theo mốt
Nói là chợ đêm nhưng từ 17 giờ, chợ đã có người mua, kẻ bán. Bốn chợ đêm thời trang có sức mua mạnh nhất nói trên đều ở gần các siêu thị, trung tâm thương mại lớn. Người đến mua sắm mỗi ngày thêm đông, nghẹt cứng vào những ngày cuối tuần hay vào những dịp gần nghỉ lễ, tết; lấn át sức mua của các trung tâm mua sắm.
Không so sánh về chất lượng hàng thì sự cập nhật kiểu dáng mới, chất liệu mới, hàng thời trang ở chợ đêm bình dân “ăn đứt” các siêu thị, trung tâm thương mại. Giá cả lại hợp túi tiền những người bình dân.
Trước đây, đi mua sắm ở chợ đêm, người ta lo hớ vì người bán nói thách quá. Bây giờ, cạnh tranh ngày càng gay gắt, người bán không muốn mất khách nên đều niêm yết bảng giá trên từng mặt hàng. Người mua có thể nhìn thấy từ xa để so sánh giá cả, xem kiểu dáng trước khi quyết định vào mua ở gian hàng nào.
Chị Nguyễn Thị Hà, công nhân KCN Linh Trung, nói: “Thời buổi này ai cũng thích làm đẹp. Lương không cao, chỉ hơn 4 triệu đồng một tháng, trừ chi phí thuê nhà, ăn uống, không dư bao nhiêu. Một cái áo 35.000-50.000 đồng, quần 50.000-80.000 đồng khá dễ mua, để dành khoản dư của 3 tháng lương thì tôi sắm được một bộ đồ kiểu mới. Chuẩn bị đi đám cưới cũng có thể mua một cái đầm xinh xắn khoảng 100.000-120.000 đồng. Tôi không cần hàng quá tốt, đắt tiền, cả năm mới dám sắm thì không có đồ làm đẹp với bạn bè”.
Sự linh hoạt của người bán như thỉnh thoảng khuyến mãi “mua được tặng” cũng kích thích người mua đến chợ đêm. Tuy nhiên, ngoài một số người bán ở chợ đêm Từ Đức có chỗ thử đồ, còn lại hầu như mua hàng quần áo ở chợ đêm thì người mua phải chấp nhận may rủi, mang về mặc không vừa hay không hợp đều không thể trả, đổi.
Tại chợ đêm Hạnh Thông Tây và chợ đêm Từ Đức, trước đây, công nhân hay sinh viên thường đợi những phiên chợ hàng Việt để mua sắm hàng thời trang nhưng từ khi các chợ đêm hoạt động xôm tụ, chợ phiên hàng Việt có xu hướng lép vế, lâu lâu tổ chức mà vẫn vắng vẻ.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 15-7
Kỳ tới: Chợ ẩm thực kiểu mới
Bình luận (0)