Sáng 8-6, sau khi công bố quyết định tạm đình chỉ chức vụ đối với ông Trương Quý Dương, Giám đốc Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh Hòa Bình, trong 2 tuần để phục vụ điều tra, Sở Y tế tỉnh Hòa Bình đã họp hội đồng chuyên môn và nhận định bước đầu về nguyên nhân vụ tai biến tại BV này làm 8/18 bệnh nhân tử vong khi đang chạy thận.
Nghi ngờ tồn dư javen
Ông Trần Quang Khánh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hòa Bình, cho biết ông Dương bị tạm đình chỉ công tác cùng 2 cá nhân khác của BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình là ông Trần Văn Sơn, nhân viên phòng vật tư và điều dưỡng Đỗ Thị Điệp ở Khoa Thận nhân tạo, để phục vụ điều tra, xem xét trách nhiệm.
Những bệnh nhân từ Hòa Bình đưa về BV Bạch Mai điều trị đã được ra viện
Sáng cùng ngày, hội đồng chuyên môn đánh giá sự cố y khoa nghiêm trọng đã họp với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành thuộc nhiều khoa, phòng của BV Bạch Mai (Hà Nội), BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình, Sở Y tế tỉnh Hòa Bình. Qua nghiên cứu hồ sơ bệnh án, tài liệu liên quan và tường trình của các cá nhân, trên cơ sở 18 bệnh nhân lọc máu với các biểu hiện tương đối giống nhau trong cùng một thời điểm, hội đồng nghĩ đến hội chứng ngộ độc cấp qua đường máu do cùng một nguyên nhân gây ra với các biểu hiện tổn thương đa cơ quan (hô hấp, tuần hoàn, gan, thận, máu...).
Về nguyên nhân sự cố, hội đồng chưa đủ căn cứ, cơ sở và bằng chứng khoa học để kết luận do chưa có kết quả xét nghiệm, phân tích nguồn nước RO và kết quả khám nghiệm tử thi... Tuy nhiên, nhiều khả năng là do sự bất thường của nguồn nước RO sử dụng trong quá trình chạy thận nhân tạo.
Chia sẻ tại lễ tiễn 10 nạn nhân vụ tai biến xuất viện, GS-TS Nguyễn Gia Bình, Trưởng Khoa Điều trị tích cực BV Bạch Mai, cho biết ông nghi ngờ tồn dư hóa chất súc rửa đường ống là thủ phạm gây tai biến. "Tôi chưa dám nói hóa chất đó là gì nhưng thông thường, hóa chất hay sử dụng là javen (chất tẩy). Sự cố này không phải do quy trình mà do con người thực hiện" - ông nhận định.
Theo ông Bình, bệnh nhân có dấu hiệu nhiễm độc rõ. Các biểu hiện ban đầu tương tự biểu hiện của sốc phản vệ: ngứa ran, nôn, tiêu chảy... Tuy nhiên, đây là tình huống lạ, chưa từng có trong y văn thế giới. Các bác sĩ cũng không học hỏi được gì từ việc điều trị.
Chờ cơ quan công an kết luận
Nhận định về nguyên nhân gây tai biến, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, cho biết ông nghĩ nhiều đến hệ thống lọc nước tại BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình chưa bảo đảm. "Sau khi xảy ra sự cố, tôi đã chỉ đạo tạm dừng ngay hoạt động Khoa Thận nhân tạo của BV này để phục vụ điều tra" - ông Khuê khẳng định.
Theo báo cáo của BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình, việc bảo hành, sửa chữa hệ thống lọc nước trước đây do Công ty Thiên Sơn thực hiện. Từ năm 2017, công ty này phối hợp với đơn vị khác bảo dưỡng, sữa chữa hệ thống lọc nước. Ông Hoàng Đình Khiếu, Phó Giám đốc BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình, cũng cho biết nghi ngờ nguyên nhân gây ra sự cố là từ hệ thống nước, do nước là yếu tố duy nhất sử dụng chung cho các bệnh nhân. Tuy nhiên, tất cả còn phải chờ cơ quan công an.
Theo phân tích của giới chuyên môn, hệ thống nước lọc RO đóng vai trò quan trọng trong quá trình lọc máu. Nếu nguồn nước này ô nhiễm hoặc nhiễm độc thì rất nguy hiểm cho người bệnh.
Tiếp tục điều trị ngoại trú
Sáng 8-6, 10 bệnh nhân trong sự cố chạy thận ở Hòa Bình phải chuyển xuống BV Bạch Mai cấp cứu đã xuất viện. Là bệnh nhân nặng nhất trong số những người được đưa về BV Bạch Mai cấp cứu đêm 29-5, ông Nguyễn Đăng Thiều cho biết đến giờ vẫn rùng mình khi nhớ lại buổi chạy thận hôm đó và nghĩ mình thật sự may mắn. Lúc chuyển xuống Hà Nội, bệnh nhân này trong tình trạng khá nặng, các chỉ số trong máu diễn biến bất thường, phải lọc máu liên tục.
GS-TS Phạm Minh Thông, Phó Giám đốc BV Bạch Mai, cho biết sau khi ra viện, 10 bệnh nhân này sẽ tiếp tục được điều trị ngoại trú (lọc máu chu kỳ) mỗi tuần 3 lần trong thời gian chờ BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình ổn định lại.
Bình luận (0)