xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

TÁI ĐỊNH CƯ, CÀNG THÊM KHỔ (*): Lạc nghiệp thành… thất nghiệp

HÀ PHONG - QUANG VINH

Chính sách định canh, định cư thực hiện không đến nơi đến chốn khiến nhiều người từ chỗ có nhà thành vô gia cư, từ mong ước lạc nghiệp trở nên thất nghiệp và vất vả mưu sinh

Từ năm 2014, 50 hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị rời bản làng để đến nơi ở mới theo chính sách định canh định cư của tỉnh. Những tưởng cuộc sống tái định cư (TĐC) của họ sẽ ổn định hơn nhưng lại khó khăn bội phần.

Định cư nhưng “quên” định canh

Năm 2014, UBND tỉnh Quảng Trị ra quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án định canh định cư tập trung vùng Khe Trổ, xã Vĩnh Hà. Dự án do Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị làm chủ đầu tư. Sau khi hoàn thành các hạng mục, khu TĐC này có tên mới là thôn Xóm Mới. Từ cuối năm 2015 và đầu năm 2016, 50 hộ dân người đồng bào Vân Kiều được đưa vào đây.

Thôn Xóm Mới nằm lọt thỏm giữa những cánh rừng keo lai, cao su của Nông trường Quyết Thắng, Lâm trường Bến Hải và rừng phòng hộ với diện tích rộng gần 4 ha. Từ cuối năm 2015, sau khi được chủ đầu tư dự án cấp đất ở và hỗ trợ tiền làm nhà (15 triệu đồng/hộ), 50 hộ dân bắt tay xây nhà. Tuy nhiên đến giờ, cuộc sống của họ vẫn chưa ổn định, quanh năm bó gối trong căn nhà mới, không biết phải làm gì vì không được bố trí đất canh tác như cam kết.

Một góc khu tái định cư Xóm Mới Ảnh: Hà Phong
Một góc khu tái định cư Xóm Mới Ảnh: Hà Phong

Cũng vì không đất đai, việc làm nên để có cái ăn qua ngày, người dân buộc phải đi làm thuê cuốc mướn, tha hương kiếm sống. Chị Hồ Thị Lành (25 tuổi, ngụ thôn Xóm Mới) cám cảnh: “Vợ chồng chúng tôi thuộc diện hộ nghèo, lên đây được 2 năm. Họ bỏ mặc chúng tôi ở nơi mới mà không biết tương lai đi về đâu. Ở làng cũ dẫu khổ nhưng cũng dễ chịu hơn nơi này”.

Nỗi niềm của chị Lành cũng là tâm sự chung của những người dân lên định cư ở Xóm Mới. Đối với họ, chỉ cần có đất sản xuất thì sẽ cần cù lao động, tạo dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. “Giá như được cấp đất, mình sẽ tăng gia sản xuất, như thế mới đỡ buồn, lại có thêm nguồn thu nhập lo cho gia đình” - chị Lành ao ước.

Ông Hồ Văn Huyền, Trưởng thôn Xóm Mới, cho biết cả thôn có 61 hộ dân và 216 nhân khẩu nhưng hết 48 hộ nghèo và 7 hộ cận nghèo. Đối với những hộ dân chuyển đến định cư, khó khăn của họ càng gấp bội so với người dân định cư lâu năm vì không có đất, bấp bênh việc làm. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu nguồn nước sinh hoạt trong mùa khô, sụt lún trong mùa mưa bão ở khu tái định cư khiến họ thêm khổ sở. “Mỗi lần tổ chức họp thôn, tôi rất “đau đầu” trước những câu hỏi của người dân như “Bao giờ mới có đất sản xuất?”, “Bao giờ mới có nước để tắm rửa?”... Dù chúng tôi nhiều lần đề xuất, kiến nghị nhưng chưa được cấp trên giải quyết thấu đáo để bà con ổn định cuộc sống” - ông Huyền phân trần.

Chờ đợi mỏi mòn

Trong khi người dân diện TĐC khốn đốn do thiếu đất canh tác thì ở nhiều địa phương, không ít người lại rơi vào cảnh vô gia cư vì không được TĐC. Câu chuyện này xảy ra ở xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam từ 5 năm nay.

Năm 2012, khi huyện Nông Sơn cho chủ trương xây dựng đường trục chính khu trung tâm hành chính huyện Nông Sơn ở xã Quế Trung cũng là lúc các gia đình nơi đây nhận được thông báo di dời. Các hộ dân may mắn được đền bù từ vài chục đến hơn trăm triệu đồng nhưng sau khi nhận tiền, họ không biết đi về đâu vì không được bố trí TĐC. Bà Đinh Thị Ba (ngụ thôn Trung Phước 1, xã Quế Trung) cho biết gia đình nhường mảnh đất hơn 100 m2, được bồi thường hơn 115 triệu đồng. Số tiền này nhanh chóng dùng hết vào thuê nhà trọ, chợ búa. “Từ chỗ có nhà, giờ gia đình tôi phải đi thuê phòng trọ. Nếu biết cuộc sống quá khốn khổ như hiện tại thì gia đình tôi sẽ không bao giờ chấp nhận nhường đất làm dự án” - bà Ba bày tỏ.

Gia đình ông Tạ Văn Hòa (ngụ thôn Trung Phước 1) cũng nhường hơn 400 m2 đất ở để thực hiện dự án trên. Nhận được 140 triệu đồng tiền đền bù, vợ chồng ông quyết định không thuê trọ mà dọn ra khu đất trống gần hồ sen dựng nhà tạm để ở cho tiết kiệm. “Nghĩ rằng chỉ vài tháng sau sẽ được bố trí TĐC, ngờ đâu đến nay đã 5 năm nhưng khu TĐC vẫn chưa thấy đâu. Bằng ấy thời gian, gia đình tôi khổ sở vô cùng” - ông Hòa buồn bã.

Khu TĐC dự kiến bố trí cho các hộ bị giải tỏa phục vụ công trình đường trục chính khu trung tâm hành chính huyện Nông Sơn khởi công vào cuối năm 2013. Ban đầu, khu dân cư này có quy mô 28.000 m2, bố trí 114 lô đất nền. Nghịch lý là khi dự án được phê duyệt thì địa phương mới đi tìm nguồn vốn để đầu tư nhưng do không có vốn nên dự án bị trì hoãn. Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam xem xét và quyết định thu hẹp quy mô dự án TĐC còn 18.392 m2, 78 lô đất.

Chính việc chậm trễ xây dựng khu TĐC đã đẩy dân vào thế khó. Nhiều người từ chỗ có nhà thành vô gia cư, từ mong ước lạc nghiệp trở nên thất nghiệp. Để khắc phục chuyện đã rồi, ông Lê Ngọc Trung, Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn, nói huyện đang chỉ đạo đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ. “Chắc chắn đến tháng 5-2017 sẽ hoàn thành” - ông Trung quả quyết.

Không biết khi nào giao đất cho dân

Ông Lê Văn Quyền, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị, cho biết dự án định canh định cư tập trung vùng Khe Trổ (thôn Xóm Mới) hoàn thành vào cuối năm 2015 với tổng kinh phí đầu tư gần 11 tỉ đồng từ nguồn vốn của chương trình di dân định canh định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ban Dân tộc tỉnh đang đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường có kế hoạch thu hồi diện tích đất nghèo kiệt của rừng phòng hộ và Lâm trường Bến Hải để bàn giao đất cho người dân. “Nhưng đến nay vẫn chưa thu hồi, giao đất sản xuất cho người dân được vì Lâm trường Bến Hải đang rà soát lại diện tích” - ông Quyền thông tin.

Kỳ tới: Đừng bắt dân chịu khổ!

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo