Cơ quan chức năng tại Nghệ An đang mở rộng điều tra vụ phá rừng đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong suốt thời gian dài ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, thu giữ khoảng 130 m3 gỗ quý sa mu.
Phá rừng trong thời gian dài
Theo thông tin ban đầu, ngày 22-2-2017, lực lượng kiểm lâm huyện Kỳ Sơn phát hiện một diện tích rừng phòng hộ lớn thuộc tiểu khu 500A ở xã biên giới Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn bị chặt hạ. Qua kiểm tra hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện có khoảng 36 cây gỗ sa mu, đường kính trung bình trên 50 cm bị chặt hạ. Khối lượng gỗ bị cưa xẻ ước tính 140 m3.
Gỗ sa mu trong vụ chặt phá rừng ở Nậm Càn vừa được đưa về Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Kỳ Sơn Ảnh: Lam Hoàng
Được biết, khu vực rừng bị chặt phá nằm sát biên giới Việt - Lào, thuộc quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Kỳ Sơn. Ông Nguyễn Quốc Minh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kỳ Sơn, xác nhận rừng bị chặt phá diễn ra trong thời gian từ 1-2 tháng. “Hạt kiểm lâm không phải là chủ rừng nhưng để xảy ra tình trạng phá rừng trong thời gian dài như vậy có một phần trách nhiệm của chúng tôi, sắp tới, đơn vị sẽ họp kiểm điểm để rút kinh nghiệm” - ông Minh thừa nhận.
Ông Cao Văn Quỳnh, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Kỳ Sơn, cũng nhận lỗi buông lỏng kiểm tra, quản lý bảo về rừng. Ông Quỳnh phân trần thêm: “Khu vực rừng bị chặt là rừng phòng hộ thuộc quản lý của ban, địa điểm rừng bị chặt sát biên giới, để tiếp cận phải đi bộ 4-5 giờ. Do ở xa, anh em đi kiểm tra không đến nơi đến chốn nên không phát hiện việc rừng bị chặt phá”.
Được biết, đến ngày 24-3, các lực lượng chức năng mới đưa được khoảng 30 m3 gỗ ra khỏi rừng, số còn lại trên 100 m3 vẫn còn nằm rải rác ở hiện trường.
Xác định đây là vụ phá rừng đặc biệt nghiêm trọng, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Kỳ Sơn vừa có quyết định kỷ luật cách chức ông Phạm Văn Tình, Trạm trưởng quản lý bảo vệ rừng Na Ngoi - Nậm Càn; khiển trách ông Trương Văn Sáng và Lương Vĩnh Phúc, nhân viên của trạm này.
Công an vào cuộc
Ông Nguyễn Thanh Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, cho biết sau khi nhận được thông tin về vụ chặt phá rừng quy mô lớn nói trên, huyện đã chỉ đạo các đơn vị liên quan có mặt bảo vệ hiện trường, không để các đối tượng tẩu tán gỗ vật chứng, đồng thời báo cáo vụ việc cho tỉnh để có hướng xử lý. Còn theo thượng tá Tô Văn Hậu, Trưởng Công an huyện Kỳ Sơn, sau khi sự việc xảy ra, công an huyện tập trung lực lượng vào hiện trường điều tra gần 2 tháng nay.
Chiều 24-3, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, khẳng định lãnh đạo tỉnh đã nhận được thông tin về vụ phá rừng và đã giao Công an tỉnh Nghệ an điều tra, làm rõ trách nhiệm của chủ rừng, kiểm lâm và chính quyền địa phương.
Đây không phải lần đầu khu vực rừng ở Nghệ An giáp biên giới với Lào bị tàn phá. Vào năm 2015, lực lượng chức năng bắt giữ một nhóm lâm tặc vào Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, huyện Quế Phong, chặt nhiều cây sa mu hàng trăm tuổi để lấy hơn 200 m3 gỗ.
Loài cây quý cần bảo vệ nghiêm ngặt
Cây sa mu dầu hay còn gọi là sa mộc dầu (tên khoa học: Cunninghamia konishii Hayata) thuộc họ bụt mọc (taxodiaceae), phân bố chủ yếu ở các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa và Sơn La. Sa mu dầu là nguồn gien quý hiếm được phân hạng ở cấp VU A1adC1 trong Sách Đỏ Việt Nam năm 2007 và xếp nhóm 2 trong danh lục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp quý hiếm của Nghị định số 32/NĐ-CP của Chính phủ. Loài cây này không chỉ có ý nghĩa về mặt khoa học mà còn có giá trị kinh tế rất cao.
Bình luận (0)