Sáng 24-3, UBND TP HCM đã họp về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội, thu chi ngân sách tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2016. Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong chủ trì cuộc họp.
“Vô hiệu hóa” điện thoại cướp giật
Báo cáo tình hình an ninh trật tự trong 3 tháng đầu năm, đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Trưởng Phòng Tham mưu Công an TP HCM, cho biết lực lượng chức năng đã tăng cường 30%-40% quân số để trấn áp các loại tội phạm. Cảnh sát cơ động TP đã tuần tra 18 tuyến đường trên địa bàn 11 quận và đều phát hiện tội phạm, bắt các đối tượng khả nghi giao công an địa phương thụ lý.
“Những cách làm trên bước đầu mang lại hiệu quả khá khả quan, tình hình tội phạm giảm 20%. Trong đó, tỉ lệ khám phá án hình sự đạt hơn 71%, án cướp giật 70%, án trộm cắp 60%. Đặc biệt, những tuyến đường bố trí tuần tra công khai đã không còn xảy ra nạn cướp giật” - đại tá Quang khẳng định. Tuy nhiên, ông cũng nhìn nhận tội phạm vẫn diễn biến phức tạp và nhức nhối, nhất là còn xảy ra những vụ cướp, trộm cắp lớn.
Một giải pháp cũng được ông Nguyễn Sỹ Quang đề cập là sẽ phối hợp với Sở Thông tin - Truyền thông báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin - Truyền thông yêu cầu các nhà mạng phối hợp với cơ quan chức năng thông báo mã số IMEI để “vô hiệu hóa” điện thoại bị cướp giật nhằm kéo giảm tình trạng cướp điện thoại ngoài đường, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. “Khi khóa IMEI thì điện thoại bị cướp giật chỉ còn là máy chơi game chứ không dùng được” - ông nói.
Liên quan đến việc rộ lên thông tin bắt cóc trẻ em ở TP HCM trong thời gian gần đây, ông Quang khẳng định: “Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn chưa xảy ra vụ bắt cóc nào. Kể cả vụ ở quận Tân Bình mà một số trang mạng đưa, chúng tôi đang thẩm tra, chứ cũng chưa thể kết luận đây là một vụ bắt cóc không thành. Người dân cần chắt lọc thông tin khi xem tin tức trên mạng và báo chí phải tuyên truyền cho người dân hiểu. Chúng tôi cũng rất hoan nghênh nếu được người dân và báo chí cung cấp thông tin, tố giác tội phạm”.
2.598 tuyến đường không có vỉa hè
Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM Bùi Xuân Cường đã báo cáo công tác quản lý lòng đường, vỉa hè. Ông Cường cho biết trong tổng số 4.869 tuyến đường thì 3.631 tuyến có bề rộng lòng nhỏ hơn 7,5 m và 1.238 tuyến có bề rộng lòng từ 7,5 m trở lên. Theo quy định của TP, chỉ 1.238 tuyến đường có thể xem xét cho phép đậu xe dưới lòng đường. Về hiện trạng vỉa hè, theo ông Cường, 2.598 tuyến đường không có vỉa hè với chiều dài hơn 2.000 km và 2.271 tuyến có vỉa hè với chiều dài gần 2.000 km.
“Như vậy, hơn 1/2 số tuyến đường không có vỉa hè nên xảy ra tình trạng dừng, đậu xe dưới lòng đường trên các tuyến đường này” - ông Cường thông tin và cho biết việc giải quyết trật tự lòng đường, vỉa hè chỉ thực hiện vào một số đợt cao điểm, sau đó lại tái diễn. “Đối với trường hợp vi phạm, nhất là vi phạm nhiều lần, cơ quan chức năng phải kiên quyết xử lý và yêu cầu người dân ký cam kết không tái phạm” - ông đề xuất.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu các cơ quan chức năng tiếp tục thể hiện quyết tâm kéo giảm tội phạm để ổn định tình hình an toàn xã hội, giữ cuộc sống bình yên và nâng cao chất lượng sống cho người dân. “Ra đường mà nơm nớp lo sợ thì đó là chất lượng sống không tốt. Khi đi làm mà cứ lo lắng không biết nhà cửa có bị trộm không là tâm trạng không an tâm” - ông nói. Chủ tịch UBND TP HCM đề nghị Công an TP chú ý đến các địa bàn giáp ranh. Trong việc trấn áp tội phạm, lực lượng công an là chủ công nhưng cả hệ thống chính trị phải vào cuộc thì mới đạt kết quả cao nhất.
Về tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè, ông Nguyễn Thành Phong cho rằng phải có lộ trình cụ thể vì đã tồn tại rất lâu. “Giải pháp tất nhiên phải có nhưng tôi muốn trước tiên phải quyết tâm cao mới giải quyết được tình trạng này và bộ mặt đô thị mới tốt hơn” - ông yêu cầu.
Đâu thể tùy tiện sử dụng tiền của dân!
Liên quan đến đề xuất của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP HCM chi 1.400 tỉ đồng mua 63 xe bơm nước chống ngập giai đoạn 2016-2019, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu trung tâm báo cáo tại cuộc họp sáng 24-3.
Theo ông Nguyễn Ngọc Công, giám đốc trung tâm, đây chỉ là đề xuất của nhà đầu tư nhưng do thiếu thận trọng nên một phó giám đốc đã thông tin. “Với tư cách là người đứng đầu trung tâm, tôi xin chịu trách nhiệm và rút kinh nghiệm về vấn đề này” - ông Công nói.
“1.400 tỉ đồng từ tiền ngân sách đâu phải muốn sử dụng là được. Tất cả phải qua hội đồng thẩm định, các cơ quan liên quan, sau đó mới báo cáo UBND TP rồi xin ý kiến Thành ủy chứ tiền của dân đâu thể sử dụng tùy tiện” - Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Bình luận (0)