Ngày 29-4, hơn 1.000 người đại diện cho các doanh nghiệp (DN) tham gia buổi đối thoại với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với chủ đề: “DN Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế đất nước”. Cộng đồng DN kỳ vọng hội nghị lần này sẽ mở đầu cho phong trào DN hiến kế với Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy kinh tế đất nước.
Doanh nghiệp là đối tượng phục vụ
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Chính phủ và các cơ quan quản lý có trách nhiệm bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh của DN, của công dân, tạo điều kiện cho DN phát triển. Do đó, phải tháo gỡ mọi rào cản, chống tiêu cực, chống tham nhũng trong bộ máy nhà nước và tinh thần lớn nhất là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế.
Đánh giá cao tác động của hội nghị đến tâm lý và niềm tin của DN, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nêu: Luật DN và Luật Đầu tư sửa đổi đã có hiệu lực hơn 10 tháng qua nhưng chưa thấy hướng dẫn, gây khó khăn cho DN. Dưới luật chỉ nên có một nghị định, bỏ thông tư. Ở các nước phát triển, luật quy định rất chặt chẽ và không có thông tư vì chính thông tư sẽ đẻ ra nhiều giấy phép con.
“Luật Phá sản ban hành đã lâu nhưng đến nay mới có 336 đơn vị phá sản, như vậy là quá ít so với số “xác sống” DN trong thực tế. Thuế, hải quan đang triển khai ứng dụng đăng ký điện tử và báo cáo kết quả tốt nhưng theo tôi được biết thì không tốt như vậy. Cũng cần có cơ chế giám sát và chế tài mạnh đối với cán bộ thiếu trách nhiệm, vô cảm, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho DN và người dân” - ông Trần Bắc Hà nói.
Cho rằng các DN đang đứng trước cơ hội và thách thức lớn trong lĩnh vực bán lẻ, ông Diệp Dũng, Chủ tịch HĐQT Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), cho biết ngành bán lẻ hiện đại hiện chiếm 25% thị phần, khắc phục khuyết điểm của bán lẻ truyền thống và tiến dần về nông thôn. Thời gian qua, các DN bán lẻ quốc tế thâm nhập nhiều hơn vào Việt Nam thông qua các thương vụ mua bán, sáp nhập. Việt Nam thỏa thuận trong các cam kết là có lộ trình bảo vệ ngành bán lẻ còn non trẻ trong nước nhưng thực tế việc triển khai còn chậm.
Đại diện các hiệp hội DN nước ngoài từ châu Âu, Nhật, Mỹ, Hàn Quốc tại Việt Nam cũng kiến nghị Chính phủ quan tâm hơn nữa đến việc cải thiện các quy định, giải quyết vướng mắc cho DN và điều chỉnh, sửa đổi luật cho phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế. Trong đó, Hiệp hội DN Hàn Quốc đề xuất thành lập cơ quan thường trực cải cách thể chế do Thủ tướng đứng đầu, thảo luận mỗi khi ban hành luật mới và sửa luật.
Cùng ý này, bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), cho rằng những quy định, thông tư, nghị định nào DN đã thực hiện tốt thì không nên thay đổi để tránh bất ổn và tăng chi phí. “Mong chính phủ hãy coi DN là đối tượng phục vụ chứ không phải đối tượng quản lý. Nếu có môi trường bình đẳng thì các DN Việt Nam sẽ phát triển không thua gì các DN trên thế giới” - bà Mai Kiều Liên tự tin.
Chọn từng việc, làm đến cùng và quy trách nhiệm
Liên quan đến những kiến nghị của DN, lãnh đạo các bộ, ngành đều chia sẻ tinh thần hoạt động là ưu tiên phục vụ cộng đồng DN. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định phát triển DN là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Trong thời gian tới, bộ này sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ rà soát trên cơ sở tuân thủ các cơ chế thị trường, loại bỏ những nút thắt, từng bước phân bổ nguồn lực theo tín hiệu thị trường. Bảo đảm DN thuộc mọi thành phần kinh tế đều được tiếp cận công bằng, minh bạch. Đổi mới phương thức hỗ trợ DN, thay đổi quan điểm từ hỗ trợ chung chung sang đại trà, có hỗ trợ cho mục tiêu dài hạn.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng kiến nghị Chính phủ cần đẩy mạnh hải quan một cửa bởi vấn đề này liên quan tới 8 bộ, ngành nhưng hiện mới thực hiện được khoảng 20%. Như việc thông quan hàng xuất nhập khẩu, thống kê cho thấy chỉ 28% thời gian thông quan thuộc ngành hải quan; 78% thời gian còn lại liên quan đến các bộ, ngành khác về kiểm dịch, kiểm tra chuyên ngành… Dù vậy, người đứng đầu Bộ Tài chính cũng nhìn nhận để DN thực sự được thụ hưởng các chính sách cải cách, nhất là cải cách hành chính, thì trọng tâm là đào tạo lại đội ngũ cán bộ, nâng cao chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp…
“Dù đội ngũ cán bộ có cải thiện nhưng vẫn đang còn nhiều rào cản; quy định tốt nhưng cán bộ không tốt thì khâu triển khai vẫn ách tắc. Đơn cử như vấn đề thông quan, tất cả cán bộ của các bộ, ngành liên quan hoạt động đồng bộ mới giải quyết được” - Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ rõ.
Ngay cả Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cũng khẳng định: “Tôi không thích nói những lời hoa mỹ nhưng Bộ Xây dựng luôn coi cộng đồng DN là đối tượng phục vụ chính của mình và đây là mục tiêu phát triển kinh tế của đất nước”.
Chia sẻ với DN, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết một trong những vấn đề cần làm và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi sau khi được Quốc hội phê chuẩn làm thủ tướng là phải làm sao tăng năng lực cạnh tranh của cả quốc gia, cụ thể là DN Việt Nam và cải thiện mạnh mẽ hơn môi trường cạnh tranh. Dù những năm gần đây, năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh đều cải thiện nhưng nếu nhìn lại, Việt Nam vẫn ở tầm trung. Ngay với Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tinh thần lớn nhất là “chọn từng việc, làm đến cùng và quy trách nhiệm”.
Điểm quan trọng là Nghị quyết 19 phải tới từng bộ, ngành, chứ không chỉ cải thiện ở thuế, hải quan, ngân hàng… Tất cả các bộ, ngành, Chính phủ đều phải vào cuộc. “Quan trọng nhất là “cột” trách nhiệm rất nặng cho các bộ, ngành, địa phương, đồng thời phải tổ chức diễn đàn tiếp thu ý kiến phản ánh của DN để xử lý rốt ráo từng chính sách một” - Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Không để chính sách “sáng nắng chiều mưa”
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận có nhiều bất cập trong môi trường kinh doanh trong thời gian qua, gây khó khăn, phiền hà cho DN. Các luật ban hành, chỉnh sửa chậm so với thực tế làm DN chờ đợi tốn thời gian hoặc một số luật không thực tế… Sức cạnh tranh của DN có chiều hướng giảm do thể chế, thủ tục góp phần làm chi phí tăng cao; tình trạng phí chồng phí, thanh kiểm tra chồng chéo, gây mất thời gian, tiền bạc của DN. Thậm chí có một bộ phận cán bộ tiêu cực, gây phiền hà ở nhiều cấp, ngành.
Thủ tướng nêu ra 10 nhóm giải pháp hỗ trợ DN trong thời gian tới, trong đó khẳng định nhà nước bảo vệ quyền kinh doanh chính đáng của DN. DN được hoạt động tất cả loại hình, lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực, vốn, thị trường, đất đai, kể cả DN nhà nước. Nhà nước bảo đảm sự ổn định lâu dài của chính sách, đặc biệt là tính tiên lượng của chính sách để nhà đầu tư yên tâm, không để chuyện “sáng nắng chiều mưa, không hồi tố chính sách”. Các cơ quan nhà nước trước khi ban hành chính sách phải quy định người chịu trách nhiệm đến cùng.
“Các quy định phải tạo điều kiện cho người dân theo tinh thần nhà nước kiến tạo, lấy người dân là đối tượng phục vụ. DN vừa và nhỏ đóng vai trò quan trọng và tại hội nghị này khẳng định đường lối xem DN tư nhân là động lực trong phát triển kinh tế. Chủ trương là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế và sẽ ngăn chặn có hiệu quả việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế để tạo điều kiện cho nhà đầu tư, DN yên tâm làm ăn” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành phải tập hợp, rà soát các quy định, công bố để DN hiểu và thực hiện, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh, bãi bỏ những quy định không hợp lý, giấy phép con. Đổi mới tư duy chuyển từ “xin - cho” sang áp dụng tự động và hậu kiểm. Mỗi địa phương phải công khai đường dây nóng, website để nhận phản ánh của DN, hướng dẫn thủ tục hành chính. Định kỳ hằng quý phải tổ chức tiếp xúc nhà đầu tư, DN để giải quyết khó khăn phát sinh. Cải cách hành chính phải đi đôi với chống quan liêu, tham nhũng. Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành chịu trách nhiệm về vi phạm của công chức tại địa phương mình. “Các đồng chí đừng tưởng Thủ tướng không biết. Tôi không phải không biết có tình trạng “cưa đôi” ...” - Thủ tướng nhắn nhủ.
Ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất cho vay
Nhiều ý kiến tại hội nghị cho rằng lãi suất cho vay vẫn đang quá cao so với sức chịu đựng của DN và khó cạnh tranh trong hội nhập. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho rằng dù lãi suất huy động chịu áp lực tăng từ đầu năm đến nay nhưng lãi suất cho vay vẫn ổn định.
Mới đây, NHNN đã họp với các NH thương mại và nhiều đơn vị thống nhất tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay. BIDV công bố giảm 0,3-0,5%/năm lãi vay ngắn hạn và đưa lãi suất cho vay trung, dài hạn xuống 10%/năm đối với nhóm khách hàng tốt. NH TMCP Tiên Phong (TPBank) cũng công bố dành 5.000 tỉ đồng với lãi suất từ 6,9%/năm dành cho các DN xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ. Cùng ngày, NH TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng cho biết đã giảm 0,5%/năm lãi vay ngắn hạn và lãi vay trung dài hạn xoay quanh 10%/năm nhằm hưởng ứng thông điệp của Thủ tướng và Thống đốc NHNN về hỗ trợ DN.
Bà MAI KIỀU LIÊN, Tổng Giám đốc Vinamilk:
Không ai muốn vi phạm pháp luật
Qua buổi gặp gỡ với Thủ tướng và các bộ ngành, tôi cảm thấy rất phấn khởi và tin tưởng. Chính phủ mới đương nhiên kế thừa những thành tựu của Chính phủ cũ nhưng cũng có những đột phá, tùy vào tình hình thực tế. Chẳng hạn, những vấn đề DN đã kiến nghị rất lâu và thật sự gây cản trở cần có động thái quyết liệt để giải quyết. Quan trọng là Chính phủ sẽ xử lý những kiến nghị nhanh hay chậm, nếu xử lý nhanh thì sẽ đem lại những hiệu quả cho xã hội và niềm tin của DN ngày càng cao. Chính phủ nói từ ngày 1-7-2016 sẽ có nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư, Luật DN. Tôi hy vọng từ thời điểm đó, những gì không phù hợp với luật sẽ được gỡ bỏ. Những gì pháp luật không cấm thì người dân, DN có thể tự do và yên tâm làm. Ai cũng muốn làm việc và thực hiện đúng pháp luật chứ không ai muốn vi phạm pháp luật cả.
Ông TRẦN BẮC HÀ, Chủ tịch HĐQT BIDV:
Thủ tướng phải là nhạc trưởng
Nhiều năm qua, vốn tín dụng vẫn là kênh dẫn vốn quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Hiện lãi suất dao động từ 7% - 11% cho kỳ hạn ngắn, trung và dài hạn, là mức lãi suất thấp nhất trong nhiều năm qua. Nhiều người cho rằng việc tiết giảm lãi suất cho vay khó nhưng có thể làm được nếu Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm dự trữ bắt buộc, đề nghị tiết giảm đồng loạt 1% cho dự trữ bắt buộc VNĐ và 3% cho dự trữ bắt buộc ngoại tệ. Kế đến, giảm phát hành trái phiếu Chính phủ để giảm áp lực lãi suất và áp lực vốn trung hạn vì hiện tại, 85% trái phiếu Chính phủ được mua bởi các ngân hàng thương mại. Ngoài ra, đề nghị Chính phủ đẩy mạnh tái cấp vốn và cấp bù lãi suất; các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí quản lý xuống 10%. Tôi rất mong muốn điều hành kinh tế của đất nước như một bản nhạc giao hưởng, trong đó Thủ tướng là nhạc trưởng; nhạc công là các bộ, ngành và DN là ca sĩ. Hy vọng chúng ta sẽ có 1 bản nhạc tuyệt vời.
T.Phương - T.Nhân ghi
Bình luận (0)