Theo kế hoạch phát triển 500.000 doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP HCM đến năm 2020, trong năm 2017 này, TP HCM sẽ có khoảng 50.000-60.000 DN hoạt động với nhiều DN dẫn đầu, đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Để đạt được nhiệm vụ này, ngay từ cuối năm 2016, lãnh đạo TP HCM đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2017 là thúc đẩy, góp phần xây dựng thành công hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.
Tạo điều kiện tối đa
Mới đây, làm việc với các sở - ngành TP HCM, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho biết sắp tới, TP sẽ xây dựng trung tâm khởi nghiệp để hỗ trợ DN.
Công ty TNHH Always là một trong những start-up tạo được ấn tượng tốt Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Trong khi chờ trung tâm khởi nghiệp chung này được thành lập, hàng loạt chương trình hỗ trợ, đổi mới sáng tạo được TP ban hành nhằm khuyến khích, tạo điều kiện tối đa cho các dự án khởi nghiệp. Gói tín dụng 1.000 tỉ đồng được trích từ ngân sách để hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp, ưu tiên các DN trẻ. Trung tâm Sáng kiển hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (SIHUB) - trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP, bắt đầu hoạt động từ tháng 8-2016, trở thành nơi tiếp nhận và kết nối để cộng đồng khởi nghiệp tiếp cận các chính sách, nguồn lực công từ TP. Trung tâm này dành hỗ trợ những nhóm khởi nghiệp từ 2-4 thành viên, các dự án đang trong giai đoạn phát triển sản phẩm, những nhóm/dự án đạt kết quả cao trong các cuộc thi khởi nghiệp hoặc tốt nghiệp từ các vườn ươm khởi nghiệp cũng như các dự án đã có sản phẩm đưa ra thị trường. Các nhóm/dự án làm việc tại SIHUB được hưởng các hỗ trợ về hạ tầng, tài chính, đào tạo nâng cao năng lực và công tác kết nối với các cố vấn, nhà đầu tư cũng như chuyên gia trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM, cho biết tính đến cuối năm 2016, cả nước có khoảng 2.000 nhóm khởi nghiệp. Đến nay, có khoảng 600 nhóm khởi nghiệp đang được SIHUB hỗ trợ kết nối với các nhà tư vấn; hơn 80 nhóm trong đó được hỗ trợ chỗ ngồi, phòng thí nghiệm... tại trung tâm và một số nhóm đang được các quỹ đầu tư xem xét rót vốn.
Sở Công Thương TP cũng đã ra mắt Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển DN TP HCM - có nhiệm vụ tư vấn DN hoạt động sao cho hiệu quả, thay DN thực hiện các thủ tục hành chính về thuế, hải quan... Hội Doanh nhân trẻ TP (YBA) cũng tham gia một số chỉ tiêu của chương trình “Sáng tạo khởi nghiệp” chung giai đoạn 2016-2020, bao gồm hỗ trợ 1.000 dự án khởi nghiệp sáng tạo, phát triển đồng hành 300 DN khởi nghiệp và hỗ trợ kêu gọi vốn đầu tư cho 100 start-up với tổng mức đầu tư 500 tỉ đồng.
Cần lớp trước dìu dắt
Vậy làm thế nào để tạo dựng thành công hệ sinh thái khởi nghiệp? Câu hỏi này đã được đem ra phân tích, bàn thảo... từ năm 2015. Một bộ phận doanh nhân dẫn đầu - đang làm chủ các DN làm ăn tốt, thương hiệu uy tín trong và ngoài nước - đã đưa ra nhiều ý kiến tâm huyết, tập trung vào: đề xuất cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư - kinh doanh, cải thiện năng lực cạnh tranh của TP; sự hỗ trợ, dìu dắt của thế hệ DN đi trước trong vai trò cố vấn, định hướng cho lớp đi sau. Đó cũng là mong mỏi chung của cộng đồng khởi nghiệp.
Vừa trở về từ khóa học 2 tuần tại Mỹ theo chương trình đào tạo dành cho giới khởi nghiệp công nghệ của Google (Google Launchpad Accelerator), 2 start-up Việt Nam đầu tiên tham gia chương trình đến từ Elsa Speak và Haravan cũng cho rằng các nhà cố vấn đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp.
Văn Đinh Hồng Vũ, CEO Elsa Speak, cho biết 2 tuần tại Google Launchpad Accelerator với hơn 120 buổi nghe tư vấn từ các chuyên gia trên toàn thế giới đã giúp các công ty khởi nghiệp tiếp cận với những kinh nghiệm quý báu của thế hệ đi trước và dần hoàn thiện sản phẩm của mình. Theo Hồng Vũ, làn sóng khởi nghiệp đang trỗi lên mạnh mẽ tại Việt Nam, so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, môi trường start-up ở Việt Nam năng động hơn với nhiều tài năng cũng như có nhiều nhà sáng lập trẻ khát khao tạo nên sự khác biệt.
Tuy nhiên, những start-up ở Việt Nam đa phần vẫn là “những người khởi nghiệp công nghệ thế hệ đầu tiên”. Trong khi đó, Thung lũng Silicon (Mỹ) đã sản sinh ra những người khởi nghiệp thành công không chỉ là lần đầu mà đã là lần thứ hai, ba, tư. Kinh nghiệm, kiến thức được chia sẻ từ họ và sự sẵn lòng hỗ trợ của họ là một “hệ sinh thái” rất quan trọng, giúp các công ty khởi nghiệp của chúng ta dễ thành công hơn. Đây chính là điều mà cộng đồng start-up Việt Nam đang thiếu.
Song song đó, khởi nghiệp tại Việt Nam còn gặp một số trở ngại do những start-up ở Việt Nam có xu hướng giữ “bí kíp” cho riêng mình. “Cá nhân tôi tin rằng hợp tác là vô cùng quan trọng để giúp chúng ta cùng nhau thành công. Cộng đồng start-up tại Thung lũng Silicon đều có niềm tin mạnh mẽ rằng nếu muốn phát triển, cần phải cởi mở, chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau. Càng có nhiều người khởi nghiệp đi trước thành công thì những thế hệ đi sau sẽ gặp rất nhiều thuận lợi nhờ kế thừa” - Hồng Vũ chia sẻ.
Tương tự, Huỳnh Lâm Hồ, CEO Haravan, cho rằng chia sẻ thực tế từ các chuyên gia, nhà tư vấn đến từ những DN, quỹ đầu tư lớn trên thế giới đã giúp anh có cái nhìn tổng quan hơn về tầm nhìn, sứ mạng, định hướng và giải pháp cần thiết cho sự phát triển của công ty mình. “Phong trào khởi nghiệp đang khuyến khích giới trẻ sáng tạo, dấn thân nhưng đó là một hành trình không đơn giản, sẽ rất nguy hiểm nếu chỉ kêu gọi, tô hồng. Start-up Việt rất cần được kết nối với những DN đã thành công để học hỏi kinh nghiệm thực tế” - Huỳnh Lâm Hồ nói.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 12-4
Kỳ tới: Nâng chất lượng nguồn nhân lực
Từ khi mở cửa đến nay, mỗi tháng SIHUB đón khoảng 2.000 lượt người đến tìm hiểu, dự các hội thảo, lớp đào tạo và nhờ tư vấn kết nối khởi nghiệp.
Bình luận (0)