Ngày 5-8, nhiều cán bộ, nhân viên của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy VN (Vinashin) đến trụ sở làm việc mới biết ông Phạm Thanh Bình, nguyên chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Vinashin, đã bị bắt.
Xốc lại tinh thần
Trao đổi với phóng viên Báo NLĐ, ông Trần Bá Thành, Chủ tịch Công đoàn (CĐ) Vinashin, cho biết không khí làm việc ở tập đoàn sau khi ông Bình bị bắt vẫn bình thường.
Tại đại hội Đảng bộ cơ quan sáng cùng ngày, tân Chủ tịch HĐQT Vinashin Nguyễn Hồng Trường chỉ nói ngắn gọn việc cá nhân nào phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Nhiệm vụ trước mắt của Vinashin là tạo sự đồng thuận, đoàn kết để thực hiện tái cơ cấu tập đoàn như kế hoạch Chính phủ đã đề ra.
Để xốc lại tinh thần làm việc của người lao động, Đảng ủy, CĐ và lãnh đạo của Vinashin đã thành lập các đoàn công tác đi đến các doanh nghiệp trực thuộc trong cả nước và triệu tập lãnh đạo các đơn vị.
Trụ sở làm việc của Vinashin tại Hà Nội. Ảnh: NGUYỄN QUYẾT
Qua đó làm công tác tư tưởng, giải thích chủ trương, biện pháp, phương hướng khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất để người lao động không hoang mang, mất tinh thần, vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt, tiến tới ổn định cuộc sống.
Sau tái cơ cấu, tạm thời Vinashin còn khoảng hơn 50.000 công nhân lao động, chủ yếu thuộc các tổng công ty công nghiệp tàu thủy lớn ở phía Bắc như Nam Triệu, Phà Rừng, Bạch Đằng và Công ty TNHH MTV Đóng tàu Hạ Long.
Ngày 7-8, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng sẽ làm việc với lãnh đạo tập đoàn, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người lao động và đưa ra các quyết sách kịp thời để tháo gỡ khó khăn cho Vinashin.
Hơn 7.000 lao động được giải quyết việc làm
Tính đến nay, 7.314 người lao động ở Vinashin đang thiếu việc làm. Tập đoàn nợ tiền lương của người lao động là 103 tỉ đồng, nợ BHXH là 143,9 tỉ đồng. |
Để giải quyết khó khăn cho người lao động tại Vinashin, Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN Đặng Ngọc Tùng vừa có công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Vinashin được áp dụng Quyết định 30/2009/QĐ-TTg ngày 23-2-2009 về việc hỗ trợ đối với người mất việc làm trong doanh nghiệp gặp khó khăn do suy thoái kinh tế.
Theo đó, Ngân hàng Phát triển VN cho các đơn vị của Vinashin vay để giải quyết tiền nợ lương công nhân lao động, tiền nợ BHXH, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc... với lãi suất 0%, trong thời hạn 12 tháng; chỉ đạo Ngân hàng chính sách xã hội cho người lao động thiếu việc, mất việc làm vay vốn với lãi suất ưu đãi theo Quyết định 157/2007/QĐ-TTg ngày 27-9-2007 của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, cho biết theo quyết định của Thủ tướng về việc sắp xếp, cấu trúc lại Vinashin, chuyển giao về Tập đoàn Dầu khí Quốc gia VN (PVN) 3.479 công nhân lao động (trong đó có 3.100 đoàn viên CĐ) và về Tổng Công ty Hàng hải VN 2.410 công nhân lao động (trong đó có 2.321 đoàn viên CĐ).
Theo ông Chính, việc giải quyết công ăn, việc làm, ổn định tư tưởng cho người lao động là rất cần thiết nên Tổng LĐLĐ VN đã chỉ đạo CĐ hai đơn vị trên tạo điều kiện tiếp nhận lao động.
PVN nhận dự án dở dang của Vinashin
“PVN không quá khó khăn khi tiếp nhận những dự án dang dở của Vinashin”. Đó là khẳng định của ông Đinh La Thăng, Chủ tịch HĐQT PVN, ngày 5-8.
Theo ông Thăng, PVN đã làm thủ tục tiếp nhận một phần của Vinashin về tổ chức Đảng, chính quyền, CĐ, đoàn thanh niên... để tiếp tục sản xuất, kinh doanh, bổ nhiệm lãnh đạo mới.
Về mặt tài chính, PVN đã ký hợp đồng với Công ty Kiểm toán Dalo để xác định căn cứ bàn giao chính thức. Theo báo cáo của Vinashin, tổng tài sản của tập đoàn này chuyển sang PVN là khoảng 6.500 tỉ đồng, tuy nhiên số liệu này phải được kiểm toán lại.
Ông Thăng cho biết lãnh đạo PVN đã có cuộc họp để rút ra những bài học từ Vinashin. Trong đó có rất nhiều bài học như đầu tư dàn trải, kinh doanh đa ngành, bố trí, bổ nhiệm cán bộ, quản lý và sử dụng vốn... “Tôi cho rằng các giải pháp của Chính phủ với Vinashin là rất tốt. Muốn giữ môi trường đầu tư thì phải tái cơ cấu Vinashin để tập đoàn tiếp tục phát triển” – ông Thăng nói.
N.Quyết |
Bình luận (0)