Chiều 26-6, UBND tỉnh Bình Định đã họp để nghe Tổ thẩm định báo cáo chính thức về kết quả kiểm tra chất lượng 18 tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP (gọi tắt Nghị định 67) vừa hạ thủy chưa lâu đã hỏng. Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (trụ sở tỉnh Nam Định) tiếp tục vắng mặt không lý do dù đã được mời dự.
Đóng thép Trung Quốc, tính tiền thép Hàn Quốc
Tại cuộc họp, ông Trần Văn Phúc - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Tổ trưởng Tổ Thẩm định độc lập của tỉnh Bình Định - báo cáo kết quả thẩm định 17/18 tàu (1 tàu đánh bắt xa bờ chưa về) cho thấy 5 tàu do Công ty Đại Nguyên Dương đóng bằng thép Trung Quốc bị gỉ sét nặng, bong tróc, xuống cấp trầm trọng so với các tàu đóng và hoạt động cùng thời điểm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu đề nghị khởi kiện, điều tra Công ty Đại Nguyên Dương
Ngoài ra, có 8 vỏ tàu được đóng bằng loại thép không đạt quy chuẩn, trong đó 3 tàu do Công ty Đại Nguyên Dương đóng và 5 tàu do Công ty Nam Triệu đóng. Đáng chú ý, 5 tàu do Công ty Đại Nguyên Dương đóng bằng thép Trung Quốc nhưng ghi là thép Hàn Quốc, áp giá thép Hàn Quốc để tính tiền ngư dân.
9 máy chính hiệu Mitsubishi (Nhật Bản) trên tàu do Công ty Nam Triệu đóng có nhiều chi tiết đi kèm với động cơ không đồng bộ, không phù hợp với nguyên tắc hoạt động loại máy thủy của hãng Mitsubishi. Về việc này, hãng Mitsubishi đã xác nhận các động cơ trên không phải là máy thủy chính hãng mà có dấu hiệu là máy bộ hoán cải.
Báo cáo Bộ Công an điều tra
Ông Bùi Hữu Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Nam Triệu, thừa nhận báo cáo về kết quả thẩm định chất lượng đối với các tàu vỏ thép bị hư hỏng do doanh nghiệp ông đóng hoàn toàn chính xác. "Sau cuộc họp này, chúng tôi sẽ thay 11 máy thủy chính hãng Mitsubishi, đồng thời khắc phục, sửa chữa lại những con tàu hư hỏng để ngư dân sớm ra khơi" - ông Hùng khẳng định.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Đặng Thành Thái, Chủ tịch Hội Luật gia Bình Định, cho hay các cơ sở đóng tàu phải có trách nhiệm thay thế các loại thiết bị, dụng cụ... hư hỏng đúng như trong hợp đồng đã ký với ngư dân. Ngoài ra, còn phải bồi thường thiệt hại cho dân trong quá trình tàu nằm bờ do hư hỏng như tiền trả ngân hàng, tiền thu nhập khi không có công ăn việc làm.
Đại tá Trần Huy Giáp, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Định, nhận định trước mắt, cơ sở đóng tàu cần khắc phục toàn diện, triệt để các tàu vỏ thép hư hỏng một cách nhanh nhất để sớm đưa tàu vào hoạt động sản xuất, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế cho ngư dân, cho xã hội.
"Chúng tôi đang phối hợp với Cục Bảo vệ an ninh kinh tế (Bộ Công an) thực hiện các công việc liên quan. Các bên phải thực hiện đúng nội dung hợp đồng đã ký kết, khẩn trương khắc phục, sửa chữa triệt để các hư hỏng để sớm đưa tàu ra khơi. Riêng vấn đề sai phạm thì phải được làm rõ và xử lý nghiêm" - đại tá Giáp nói.
Ông Trần Châu yêu cầu ngay ngày 27-6, các cơ sở đóng tàu phải sửa chữa, thay thế máy móc, thiết bị... cho ngư dân để tàu sớm ra khơi. Về vỏ tàu, nếu như không đúng chất lượng và chủng loại thép thì phải tháo ra làm lại như theo hợp đồng. Đối với các động cơ không phải máy chính thủy, phải thay máy chính thủy mới 100%.
Ngoài ra, Sở NN-PTNT cũng cần thành lập tổ công tác để kiểm tra các thiết bị, máy móc ráp vào tàu bảo đảm đúng chất lượng trước khi ráp vào. Sau khi sửa chữa tàu xong, sở cần mời Trung tâm Đăng kiểm tàu cá (Tổng cục Thủy sản) kiểm định lại lần thứ 2. Trong thời gian tàu nằm bờ chờ sửa chữa, cơ sở đóng tàu có trách nhiệm chi khoản kinh phí để hỗ trợ ngư dân bảo đảm cuộc sống và trả nợ ngân hàng.
"Thời gian qua, Công ty Đại Nguyên Dương đã có biểu hiện trốn tránh trách nhiệm. Tôi đề nghị chủ tịch UBND các huyện có tàu vỏ thép hư hỏng đóng tại công ty khẩn trương vận động ngư dân khởi kiện doanh nghiệp này ra tòa, không nên để lâu. Nội dung khởi kiện là việc sử dụng vỏ thép không đúng theo hợp đồng và các thiết bị máy móc bị hư hỏng. Bên cạnh đó, tôi cũng yêu cầu Công an tỉnh lập hồ sơ báo cáo Bộ Công an vào cuộc điều tra Công ty Đại Nguyên Dương" - ông Trần Châu chỉ đạo.
Làm rõ trách nhiệm với đơn vị cung cấp máy
Chiều 26-6, đại tá Đặng Ngọc Oanh, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Hải Phòng), cho biết hiện đang trực tiếp làm việc tại TP HCM với đơn vị đại lý cấp 1 của hãng máy Mitsubishi để ký kết hợp đồng lấy máy tàu thủy chính hãng về thay thế cho ngư dân trong thời gian sớm nhất. "Đến nay, công ty chúng tôi đã báo cáo việc này về Tổng cục Hậu cần Bộ Công an, sau khi thay thế máy mới cho ngư dân xong thì công ty sẽ làm việc lại với Công ty Hoàng Gia Phát, đơn vị ký hợp đồng cung cấp máy cho công ty, để làm rõ trách nhiệm" - ông Oanh nói.Tr.Đức
Bình luận (0)