Trong dự thảo quy chế này, một số vấn đề từng gây ra các ý kiến trái chiều tiếp tục được đề cập như: thống nhất màu sơn chung cho toàn bộ taxi, niên hạn hoạt động, đấu giá quyền hoạt động, phân vùng hoạt động…
Xu thế tất yếu?
Dự thảo chia hoạt động của taxi làm 2 vùng: Vùng 1 bao gồm địa giới hành chính tại các quận. Vùng 2 gồm địa giới hành chính tại các huyện, thị xã. Dự thảo quy định taxi chỉ được hoạt động (dừng, đỗ, đón, trả khách) trong khu vực mà doanh nghiệp (DN) đăng ký khai thác. Ngoài ra, dự thảo quy định taxi hoạt động tại vùng 2 khi đưa khách vào các điểm đón, trả khách trong vùng 1 chỉ được trả khách; không được dừng, chờ đón khách tại các điểm đó và ngược lại.
Theo dự thảo, năm 2018 sẽ thống nhất thiết kế màu sơn chung; từ năm 2019-2024, taxi thay mới sẽ áp dụng màu sơn chung; từ năm 2025, thống nhất áp dụng màu sơn chung đối với taxi hoạt động trên địa bàn TP Hà Nội.
Đến năm 2025, taxi ở Hà Nội có thể sẽ chỉ còn một màu
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho rằng hiện nay, taxi của Việt Nam quá lộn xộn, đủ các loại màu, không chuẩn mực như các nước khác. Quy định một màu sơn sẽ hướng tới mục tiêu một loại hình vận tải hiện đại, văn minh. Taxi là loại hình kinh doanh có điều kiện cho nên quy định màu sơn phải thuộc thẩm quyền cơ quan nhà nước.
"Việc sơn một màu sẽ giúp người dân dễ nhận biết đâu là loại hình vận tải taxi, chẳng hạn như taxi màu vàng của Mỹ ra đời hơn trăm năm nhưng vẫn giữ nguyên. Ngoài ra, về an ninh cũng dễ kiểm soát loại hình vận tải này hơn" - ông Liên nói.
Theo ông Liên, từ nay đến thời điểm thay màu sơn là 8 năm. Trong thời gian này, DN có thể đăng ký màu sơn và mua xe màu đó để đúng với quy định của TP. Như vậy, quy định này hợp lý vì đã có lộ trình. Ngoài ra, chi phí sơn lại xe cũng không cao, nếu sơn lớp phủ chỉ khoảng 2 triệu đồng/xe. "Tuy nhiên, Hà Nội cũng phải nghiên cứu lộ trình nhất định để tạo điều kiện cho DN không quá bị động, đồng thời thích nghi với loại hình mới này" - ông Liên nhấn mạnh.
Có nguy cơ quay lại "bao cấp"
Ông Hồ Quốc Phi, Tổng Giám đốc Công ty CP Mai Linh Miền Bắc (Công ty CP Tập đoàn Mai Linh), nhận định quy định chung màu sơn của dự thảo không phù hợp. Quá trình gần 25 năm kinh doanh và phát triển, tập đoàn đã bỏ ra rất nhiều tiền bạc cùng công sức để phát triển thương hiệu.
"Hiện nay, những chiếc taxi màu xanh của tập đoàn đã quá quen thuộc với người dân. Nếu quy định này được áp dụng, chúng tôi sẽ mất đi thương hiệu đã tốn rất nhiều năm công sức và tiền bạc gây dựng. Biện pháp hành chính tưởng đơn giản nhưng chúng tôi có nguy cơ sụp đổ và hơn 30.000 lao động phải ra đường" - ông Phi nhấn mạnh.
Đánh giá về quy định của dự thảo phải dùng chung tổng đài do Sở Giao thông Vận tải quản lý, ông Phi cho rằng: "Việc này chẳng khác nào "cha chung không ai khóc". Giỏi - kém đều như nhau, triệt tiêu cạnh tranh, làm giảm quyền lợi của người tiêu dùng và có nguy cơ quay lại "bao cấp".
Ông Hoàng Văn Kỳ, Phó Giám đốc Công ty CP Vận tải 57 (Thành Công Car), cho rằng việc phải sơn xe để đổi màu sẽ khiến DN rất tốn kém. Vì thế, quy định sơn cùng màu quá khắt khe và không phù hợp.
Đồng quan điểm, luật sư Trần Tuấn Anh, Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh - Đoàn Luật sư Hà Nội, nhận định quy định này sẽ phá vỡ quy luật tự nhiên trong kinh doanh và thương hiệu DN. Ngoài ra, quy định này sẽ triệt tiêu tính cạnh tranh trong DN, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.
"Luật không cấm taxi phải tuân theo màu nào, mà chỉ quy định đèn hiệu, phù hiệu, logo… Do vậy, quy định này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc kinh doanh của các DN taxi trên địa bàn Hà Nội" - luật sư Tuấn Anh phân tích.
Theo luật sư Tuấn Anh, trong lúc Chính phủ đang tạo điều kiện cho DN tự phát triển, hoạt động hết công suất để cống hiến cho đất nước thì ý tưởng này đi ngược lại với ý chí mong muốn của một Chính phủ kiến tạo.
Trái tự nhiên
"Việc dùng mệnh lệnh hành chính buộc DN taxi chỉ được sơn theo màu quy định như nhau thể hiện "tư duy cào bằng" trong tư tưởng người lãnh đạo. Ví dụ như quy định biển quảng cáo "đồng phục" ở phố Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân) mà cho đến nay đã chứng minh chính sách là trái pháp luật và trái với quy luật tự nhiên" - luật sư Tuấn Anh nhấn mạnh.
Bình luận (0)