UBND TP Hà Nội đang lấy ý kiến về dự thảo Quy chế quản lý taxi trên địa bàn TP. Dự thảo này đang gây ra nhiều tranh luận vì các quy định được cho là "trói chân" taxi truyền thống.
Gom taxi về một mối?
Theo dự thảo, Hà Nội sẽ thành lập tổng đài điều hành chung cho taxi của các đơn vị kinh doanh vận tải taxi trên địa bàn TP, thông qua hình thức telecom, bộ đàm, phần mềm. Mỗi taxi chỉ được khai thác 8 năm kể từ năm sản xuất. Ngoài ra, Hà Nội sẽ phân vùng dịch vụ taxi theo địa giới hành chính gồm 2 vùng nội thành và ngoại thành. Dự kiến đến năm 2025, Hà Nội thống nhất màu sơn taxi theo khu vực nội thành và ngoại thành.
Dự thảo cũng quy định rõ taxi chỉ được dừng, đón, trả khách tại các điểm có biển báo, vạch sơn kẻ đường trong thời gian không quá 2 phút. Tại các điểm đỗ xe công cộng, taxi không được dừng quá 20 phút, nếu lâu hơn phải nộp phí trông giữ xe theo quy định. Đáng chú ý, taxi hoạt động tại ngoại thành khi vào nội thành chỉ được trả khách, không được đón khách.
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, khi Uber, Grab đã giảm giá rất nhiều mà vẫn có lãi thì cước taxi truyền thống đang có vấn đề. Ảnh: Hoàng Triều
Dự thảo còn nêu rõ UBND TP Hà Nội sẽ lựa chọn đơn vị cung ứng dịch vụ vận tải hành khách bằng taxi theo hình thức đấu thầu. Đồng thời, căn cứ số lượng tổng hợp hằng năm để thực hiện bổ sung các phương tiện taxi hết thời gian khai thác, số lượng xe phát triển theo quy hoạch. Việc đấu thầu sẽ được thực hiện công khai, minh bạch...
Dự thảo nêu trên đang vấp phải sự phản đối quyết liệt của các doanh nghiệp (DN) kinh doanh taxi. Đại diện một hãng taxi tại Hà Nội cho rằng dự thảo còn nhiều điểm chưa phù hợp. Cụ thể, khách hàng lựa chọn dịch vụ taxi trên cơ sở chất lượng và giá cả mà hãng taxi cung cấp. Với việc sử dụng trung tâm điều hành chung, chất lượng và dịch vụ của các hãng taxi sẽ bị đánh đồng, người tiêu dùng khó được hưởng lợi. Trái lại, nó còn tạo kẽ hở cho nhân viên điều hành "đi đêm" với DN.
Về quy định đấu thầu để được cung ứng dịch vụ taxi, mới đây, Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội đã có văn bản gửi các ban, ngành chức năng nhấn mạnh điều này là không phù hợp, gây bất an cho DN đang hoạt động. Theo lãnh đạo hiệp hội, quy định đấu thầu là sai về mặt bản chất, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý địa phương và không bảo đảm tính khách quan, dễ nảy sinh tiêu cực. Việc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) vừa là cơ quan quản lý vừa là bên giao thầu sẽ không bảo đảm tính khách quan trong việc đấu thầu, dễ nảy sinh tiêu cực.
Trước phản ứng của DN và Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội, ông Đào Việt Long, Trưởng Phòng Quản lý Vận tải - Sở GTVT TP, khẳng định trong quá trình lấy ý kiến chính thức để hoàn thiện dự thảo sẽ cân nhắc cụ thể từng quy định sao cho phù hợp. Quan điểm của TP là không can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh của DN. Việc kết nối với hành khách vẫn sẽ do các DN tự triển khai.
Xung đột chưa có hồi kết
Trong khi đó, Bộ GTVT cũng đang bàn biện pháp chấn chỉnh lại hoạt động taxi. Tuy nhiên, tại hội nghị đối thoại về vận tải khách bằng taxi thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử do Bộ GTVT tổ chức ngày 28-6, lãnh đạo bộ lại chứng kiến cảnh tranh luận nảy lửa giữa đại diện hai loại hình taxi truyền thống và taxi công nghệ. Nguyên nhân dẫn đến xung đột giữa hai bên được cho là… có sự góp phần của quản lý nhà nước.
"Uber và Grab đang kinh doanh ở Việt Nam thực chất là loại hình gì? Cho thí điểm tại sao không khống chế số lượng xe? Làm thế nào bảo đảm sự cạnh tranh công bằng giữa xe hợp đồng và taxi truyền thống?" - ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP HCM, "phản pháo". Theo ông, chính sách quản lý vận tải không kịp thay đổi có thể khiến các hãng taxi truyền thống phá sản vì thua lỗ.
Ông Trương Đình Quý, Phó Tổng Giám đốc Vinasun, cho rằng giá cước của Grab, Uber không chênh lệch và không thấp hơn taxi truyền thống nhưng Grab và Uber rẻ hơn vì họ có nhiều chương trình khuyến mãi và khai thác được kẽ hở quản lý. "Phải dừng cấp phù hiệu xe hợp đồng dưới 9 chỗ và coi đây là loại hình taxi, quản lý giống như taxi. Đồng thời, phải tạm dừng mở rộng thí điểm hợp đồng điện tử" - ông Quý đề nghị.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Grab Việt Nam, cho biết: "Về việc cáo buộc Grab làm sai pháp luật, chúng tôi sẽ giải trình cụ thể". Còn bà Nguyễn Thị Nguyệt, Giám đốc chính sách của Uber Việt Nam, quả quyết: "Uber hoàn toàn tuân thủ theo pháp luật Việt Nam, tham gia thí điểm theo đúng quy định, nộp thuế theo đúng quy định của Tổng cục Thuế".
Trước tình trạng xung đột gần như chưa có hồi kết giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ, ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT, cho biết bộ tiếp thu các ý kiến. Tới đây, Bộ GTVT sẽ làm rõ loại hình vận tải của Grab và Uber là cung cấp dịch vụ hay làm vận tải hoặc cả hai chức năng này, để có cơ sở sửa đổi Nghị định 86, tìm giải pháp quản lý thích hợp.
Taxi truyền thống cần thay đổi
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng khi Uber, Grab đã giảm giá rất nhiều mà vẫn có lãi thì rõ ràng, cước taxi truyền thống đang có vấn đề. "Nếu có lỗ là do chi phí quá lớn, bộ máy cồng kềnh. Taxi các nước lịch sự, sạch sẽ, có điểm dừng đỗ, hành khách phải xếp hàng chờ đến lượt lên. Taxi truyền thống ở nước ta làm được thế thì taxi công nghệ cũng khó vào. Thay vì tìm lỗi người khác, sao không tăng chất lượng dịch vụ của mình?" - ông đặt vấn đề. Ông Trường cũng khuyến nghị taxi truyền thống cần đổi mới dịch vụ bằng việc nâng cao chất lượng phương tiện, trang phục tài xế và thái độ thân thiện hơn.
Bình luận (0)