xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tầy huầy Quốc lộ 1

HỒNG ÁNH - HẢI VŨ - TỬ TRỰC

Hối thúc bàn giao mặt bằng để nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 nhưng khi đã được giao đất thì thi công ì ạch, gây mất an toàn giao thông và khó khăn cho người dân sống 2 bên đường

Nắng bụi, mưa bùn, ách tắc giao thông thường xuyên là những gì đang diễn ra hằng ngày tại các công trường của dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ (QL) 1.

Đóng cửa, đi ở nhờ

Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Phú Yên, trong số 86 km QL 1 đi qua tỉnh này, tỉnh đã bàn giao mặt bằng hơn 85 km cho đơn vị thi công nâng cấp, mở rộng đường. Dự kiến, đến ngày 15-8, toàn bộ mặt bằng trên QL 1 qua tỉnh Phú Yên sẽ được bàn giao cho đơn vị thi công.

Nhiều người ở Phú Yên phải vất vả lên xuống nhà mình khi Quốc lộ 1 mở rộngẢnh: HỒNG ÁNH
Nhiều người ở Phú Yên phải vất vả lên xuống nhà mình khi Quốc lộ 1 mở rộngẢnh: HỒNG ÁNH

Dọc QL 1 từ TP Tuy Hòa đi thị xã Sông Cầu dài 60 km, dù là ban ngày nhưng nhiều căn nhà cứ im ỉm khóa, phía trước là một rãnh sâu do đơn vị thi công đào lên từ nhiều tháng qua. Gió lớn hốt từng mảng bụi to từ rãnh sâu bay mịt mù, tấp vào các căn nhà.

Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết (59 tuổi, ngụ xã An Chấn, huyện Tuy An) đang cố đẩy chiếc xe đạp từ rãnh sâu lên nhà cao gần 1 m. Hì hà hì hục, nhiều lần suýt ngã nhào, bà vẫn chưa đưa được chiếc xe đạp lên.

“Cả gia đình tôi đã dời vào ở nhờ nhà người bà con trong xóm hơn tháng nay rồi. Hôm nay, tôi ra đây để thăm nhà chứ làm sao ở được vì cái hố sâu phía trước! Vả lại, ở trong nhà cũng không chịu nổi với đám bụi mịt mù” - bà Tuyết nói xong thả uỵch chiếc xe đạp xuống đường thở dốc.

Nhiều cửa hiệu, hàng quán bên đường cũng phải đóng cửa vì không có đường vào. Hàng nước của bà Trần Thị Ngọc ở dốc Đài (xã An Chấn, huyện Tuy An) đã ngưng bán từ nhiều tháng qua. Mỗi chiều, bà lại ra quán, chống cằm ngồi trước cửa lo nghĩ về cái ăn cho cả gia đình.

Ông Nguyễn Ngọc Lễ, chủ cửa hàng tạp hóa Ngọc Lễ (xã An Hòa, huyện Tuy An), cho biết đang thu dọn hàng để gửi, chuẩn bị đóng cửa. Những tháng qua, ông xoay xở để bám trụ với cửa hàng này nhưng không thể.

“Khách đến mua hàng nhưng không có đường vào nên bỏ đi hết. Trước đây, mỗi ngày tôi bán cả triệu đồng nhưng nay chưa đến trăm ngàn. Bây giờ nếu nghỉ cũng chưa biết phải làm gì để có cái ăn. Sau Tết Nguyên đán đã thi công đường, đến giờ hơn 7 tháng, họ vẫn để những rãnh sâu như thế” - ông Lễ bức xúc.

Ông Nguyễn Văn Đường - chủ cửa tiệm điện thoại di động ở xã Xuân Thọ 1, thị xã Sông Cầu - được xem là một trong số ít người bám trụ lâu nhất ở đây để kinh doanh. Để đi từ đường vào cửa hiệu của ông phải băng qua một rãnh sâu rồi bước lên một bậc cao gần 1 m. Để có chỗ lên xuống cửa hiệu, ông nhặt đá chất thành từng bậc thang.

“Lên xuống nguy hiểm lắm. Cách đây mấy ngày, khi bước lên cửa tiệm, tôi bị trật chân, phải nằm viện mất 2 ngày” - ông Đường than thở.

Ông Nguyễn Phụng Ngoạn, Chủ tịch UBND huyện Tuy An, cho biết QL 1 qua huyện dài hơn 30 km, hiện chỉ còn 7 hộ dân ở xã An Cư chưa di dời, còn tất cả đã bàn giao mặt bằng. “Đơn vị thi công cho rằng do đoạn đường qua huyện có nhiều cống thoát nước, hơn nữa phải điều chỉnh thiết kế nên làm chậm. Đấy là việc của họ, không thể vì thế mà dân phải sống khổ” - ông Ngoạn nói.

Sống chung bụi bẩn và nguy hiểm

Dọc QL 1 qua tỉnh Phú Yên, mặt đường đã hẹp lại còn bị chiếm dụng để thi công, trong khi bảo vệ đường chỉ là hàng cọc tiêu dựng tạm nên rất nguy hiểm cho xe cộ lưu thông. Theo ông Nguyễn Tấn Lang, Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Tuy An, cách đây vài ngày, đã có một vụ tai nạn giao thông xảy ra trên đoạn qua xã An Chấn.

“Hôm ấy, 2 cha con trên đường đi thăm bà con bằng xe máy đã bị 2 ô tô lấn nhau hất cả người và xe xuống rãnh sâu. Chúng tôi phải đưa 2 nạn nhân vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên cấp cứu trong tình trạng nguy kịch” - ông Lang kể.

Ông Nguyễn Thành Trí, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Phú Yên, cho biết trong giải pháp thi công QL 1, Bộ GTVT yêu cầu chỉ thi công một phía đường, khi xong mới được thi công phía còn lại. Tuy nhiên, ở Phú Yên, nhiều đoạn đường được các đơn vị thi công cả 2 phía, làm cho con đường bị hẹp lại, vừa gây mất an toàn giao thông vừa ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường và đời sống của người dân.

Sáng 10-8, QL 1 đoạn qua xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An chìm ngập trong bụi bẩn khiến các phương tiện giao thông gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do nhà thầu thi công dùng máy thổi bụi, đất cát trên nền đường để chuẩn bị tráng nhựa. Lúc đó, rất nhiều phương tiện giao thông phải dừng lại hoặc bò từng mét qua đoạn đường này.

Anh Nguyễn Hữu Hải (phường Lê Lợi, TP Vinh, tỉnh Nghệ An), người điều khiển xe máy qua khu vực này, bức xúc: “Bụi mù mịt, lái xe trong điều kiện như thế này rất dễ xảy ra tai nạn”.

Người đi đường khổ một, những người dân sống 2 bên đường còn khốn khổ hơn rất nhiều bởi họ phải sống chung với bụi bẩn từ nhiều tháng qua. “Đơn vị thi công phải thu gom đất, cát rồi chở đi nơi khác. Đằng này, họ cho máy thổi tung lên khiến nhà dân 2 bên đường trở thành nơi hứng bụi bẩn” - một người dân ở xóm 22, xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, bức xúc.

“Thảm cảnh” mưa thì phải đắp “đê” để nước không chảy vào nhà, nắng thì mua bạt trùm kín chỗ ở để chống bụi đang diễn ra phổ biến trên toàn tuyến QL 1 dài 73,8 km qua tỉnh Nghệ An từ khi đoạn đường này được nâng cấp, mở rộng. Không chỉ vậy, việc thi công còn gây ắch tắc giao thông thường xuyên.

Theo Phòng CSGT Công an tỉnh Nghệ An, 6 tháng đầu năm 2014, trên tuyến QL 1 xảy ra 20 vụ ùn tắc giao thông cục bộ, với tổng thời gian lên đến 57 giờ, trong đó có nhiều vụ ùn tắc nhiều giờ; xảy ra 38 vụ tai nạn giao thông làm 29 người chết, 14 người bị thương, nhiều phương tiện hư hỏng nặng...

Phạt nhiều nhà thầu “ì à ì ạch”

Ông Phạm Đình Cự, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, bức xúc: “Trước đây, tỉnh bị kiểm điểm lên, kiểm điểm xuống vì giải phóng mặt bằng chậm. Bây giờ, tỉnh bàn giao mặt bằng gần xong nhưng đơn vị thi công cứ ì à ì ạch, làm ảnh hưởng đến đời sống người dân như thế là không được”.

Theo ông Nguyễn Thành Trí, trong chuyến kiểm tra việc thi công QL 1 ở Phú Yên mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu các nhà thầu phải thi công ngay khi có mặt bằng. Ông Trí cho biết Bộ GTVT đang xem xét việc thay thế một số nhà thầu yếu năng lực, điều chuyển khối lượng của những nhà thầu thi công chậm cho đơn vị khác.

Đầu tháng 8-2014, Cục Quản lý đường bộ II, Tổng cục Đường bộ - Bộ GTVT đã xử phạt 10 nhà thầu thi công dự án nâng cấp, mở rộng QL 1 đoạn Thanh Hóa - Nghệ An 250 triệu đồng do không bảo đảm an toàn giao thông. Trước đó, Bộ GTVT đã cảnh cáo và nhắc nhở hàng loạt ban quản lý, nhà thầu thi công tại dự án này do không bảo đảm an toàn giao thông, an toàn lao động và vệ sinh môi trường.

 

Tái định cư ở... gầm cầu!

Ở Nghệ An, việc thi công QL 1 còn khiến nhiều nhà dân 2 bên đường bị rạn nứt. Bà Hoàng Thị Nghĩa (xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc) bất bình: “Họ làm hư hỏng nhiều nhà trong xóm nhưng không thấy ai đến đền bù gì cả”. Ông Nguyễn Xuân Văn (trưởng xóm 4, xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc) ngao ngán: “Ngoài việc gây ra bụi bặm, việc thi công còn làm nứt nhà của 18 hộ trong xóm nhưng nhà thầu chỉ đến kiểm tra chứ không thấy đền bù”.

Ngoài ra, việc tái định cư cho những hộ phải di dời cũng gây bức xúc cho nhiều người. Anh Phùng Bá Tuế (xóm 4, xã Nghi Yên) cho biết: “Từ tháng 4-2014 đến nay, gia đình tôi phải dựng nhà tạm gần nền đất cũ ven QL 1 để ở, chờ được bố trí tái định cư. Chúng tôi mong muốn được sớm chuyển đến nơi ở mới vì ở đây vừa khổ lại nguy hiểm, đất đá có thể sập đè chết bất cứ lúc nào”.

Ở xóm 4, ngoài anh Tuế còn 7 hộ đã bàn giao mặt bằng nhưng đang phải ở thuê hoặc dựng nhà tạm chờ được chuyển đến nơi tái định cư.

 

Công trình mở rộng Quốc lộ 1 qua tỉnh Nghệ An thường xuyên mù mịt bụi Ảnh: HẢI VŨ
Công trình mở rộng Quốc lộ 1 qua tỉnh Nghệ An thường xuyên mù mịt bụi Ảnh: HẢI VŨ

 

Trong khi đó, ông Trần Công Thành, Chủ tịch UBND xã Nghi Yên, cho biết khu tái định cư cho 8 hộ dân ở xóm 4 gần hoàn thành, lúc nào xây dựng xong, xã sẽ bố trí cho người dân vào ở.

Tại Quảng Ngãi, trưa 9-8, giữa cái nắng gắt, chúng tôi tìm đến khu vực gầm cầu vượt ở xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ - nơi “tái định cư” của nhiều hộ phải nhường mặt bằng cho dự án mở rộng QL 1 đi qua địa phương.

Đang quây quần bên bữa cơm trưa được dọn trên tấm phản kê tạm dưới gầm cầu, ông Đỗ Quang Mưu và vợ là bà Trần Thị Niên, ngụ xã Phổ Khánh, cho biết hơn một tháng qua, vì không có đất tái định cư, gia đình ông đành phải dọn ra đây ở tạm.

“Theo lời vận động của chính quyền địa phương, gia đình tôi sớm tháo dỡ nhà cửa, bàn giao mặt bằng. Lúc đó, chính quyền địa phương hứa khi nào dỡ nhà xong sẽ có đất tái định cư. Thế nhưng, chờ mãi không có đất xây nhà, tôi đành phải chọn gầm cầu làm nơi ở tạm. Cán bộ xã, huyện xuống thấy tình cảnh gia đình tôi nhưng chẳng nói gì” - ông Mưu thuật lại. Bất chợt, chiếc xe tải chạy ngang qua làm bụi bẩn, đất cát rớt xuống khiến bữa ăn của gia đình ông phải dừng lại.

Không phải ra gầm cầu như nhiều hộ khác trong xã, gia đình ông Phùng Văn Mừng và bà Nguyễn Thị Điệu dọn ra khoảnh đất còn lại phía sau nhà để che trại ở tạm. Thấy chúng tôi đến, bà Điệu bật khóc: “Do gầm cầu không còn chỗ trống, gia đình tôi đành dọn ra đây. Hồi trước, chỗ này là hố xí, nơi dành cho gà vịt. Chúng tôi chỉ trông chờ có nơi tái định cư để xây nhà ở và thờ ông bà nhưng không biết chừng nào mới có”...

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo