Họ làm việc với tinh thần tự nguyện, tự giác, cống hiến bằng tấm lòng nhân ái, không toan tính vụ lợi… nên được UBND TP HCM và Ủy ban MTTQ TP tuyên dương tại buổi lễ “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả”, ngày 26-11.
Vì người nghèo
Một trong những tấm gương đó là bà Nguyễn Thị Hiếu (SN 1939; ngụ khu phố (KP) 13, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP HCM), được người dân nơi đây gọi bằng cái tên thân thương: má Sáu.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống yêu nước, má Sáu tham gia cách mạng từ năm 1957, tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An; được tổ chức giao làm công tác binh vận, vận động gia đình, kêu gọi con em trở về với cách mạng.
Sau khi nghỉ hưu, năm 2003, huyện Bình Chánh tách thành quận Bình Tân và huyện Bình Chánh, các tổ chức đoàn thể chính trị tại KP 13, phường Bình Trị Đông gặp rất nhiều khó khăn. Chi bộ KP 13 phân công má Sáu xây dựng và cũng cố ban công tác mặt trận khu phố. Má Sáu cùng với các tổ trưởng tổ dân phố lặn lội đến từng con hẻm để tìm hiểu hoàn cảnh các gia đình, tích cực vận động bà con tham gia phong trào mặt trận, củng cố chi hội phụ nữ, xây dựng chi đoàn khu phố. Các tổ chức đoàn thể do Má Sáu xây dựng và củng cố đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được cấp trên khen thưởng trong nhiều năm liền.
Hiện nay, dù tuổi cao sức yếu nhưng má Sáu vẫn hết mực quan tâm đến người nghèo, con em gia đình thương binh, liệt sĩ. Mỗi năm, ngoài việc tiết kiệm lương hưu để mua hàng trăm phần quà chăm lo Tết cho người nghèo, má Sáu còn vận động người thân, các nhà hảo tâm xây dựng 14 căn nhà tình thương, tình nghĩa; vận động các y - bác sĩ khám phát thuốc miễn phí cho người nghèo ở phường Bình Trị Đông và tỉnh Long An. Nói về những đóng góp thầm lặng của mình, má Sáu bộc bạch: “Tôi nhớ ơn những người dân, gia đình từng nuôi giấu mình hoạt động cách mạng. Vả lại, tôi cũng từng là người nghèo khổ nên hành động nhỏ bé của mình là nhằm thể hiện tinh thần đền ơn đáp nghĩa”.
Võ sư Lê Hoàng Mai (hàng đứng, bên trái) đang dạy võ cho các học viên
Thấy rác là… ra tay
Phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân còn có một gương sáng khác là ông Nguyễn Ngọc Đức (SN 1954), thành viên Hội cựu Chiến binh phường.
Chúng tôi tìm gặp khi ông Đức đang vớt rác trên dòng kênh Chiến Lược (quận Bình Tân). Biết được ý định của chúng tôi, ông nói: “Có gì đâu mà tìm hiểu chú ơi, thấy rác nhiều mình vớt để tránh ô nhiễm thôi mà”.
Kênh Chiến Lược vốn bị ô nhiễm nặng, rác nổi đầy mặt kênh, lắm lúc theo mưa lớn tràn vào nhà dân. Mặc dù là thương binh 4/4, sức khỏe có hạn nhưng ông Đức không ngại khó khăn, vất vả, rảnh rỗi lúc nào là ra kênh Chiến Lược dò vớt kim tiêm, miểng chai, các vật dụng nguy hiểm dễ phát sinh bệnh tật. Hằng ngày, ông chạy chiếc xe ba bánh, mang theo cây vợt đến kênh để vớt rác và cắt cỏ dọc kênh. Bình quân mỗi ngày, ông thực hiện 2 chuyến với khoảng 340 kg rác. Thấy việc làm của ông, người dân sống dọc kênh cũng ý thức hơn về bảo vệ môi trường, vận động nhau bỏ rác vào thùng đúng quy định, không vứt rác, xác động vật xuống dòng kênh như trước nữa.
Với tinh thần, trách nhiệm của người lính Cụ Hồ, ông luôn tiên phong, mẫu mực trong cộng đồng khu dân cư và luôn tâm niệm với lời dạy của Bác: “Việc gì có lợi cho dân thì hãy cố gắng mà làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh”. Nói về mình, ông bộc trực như người lính: “Thương binh tàn nhưng không phế”.
Bạn của người khuyết tật
Học theo Bác Hồ làm những việc có lợi cho dân cũng là tâm niệm của võ sư Lê Hoàng Mai (quận Tân Bình, TP HCM).
Năm 2007, võ sư Lê Hoàng Mai thành lập câu lạc bộ Aikido Meidokan để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài những món quà và đồ dùng học tập thường xuyên dành tặng cho học trò nghèo, trẻ mồ côi, gia đình chính sách…, câu lạc bộ còn quyên góp áo ấm, mùng mền để tặng những người vô gia cư. Một lần võ sư Lê Hoàng Mai đang ăn trưa, có bé trai bị khuyết tật 2 chân lết tới bán vé số. Sau khi hỏi thăm, võ sư Mai nghĩ nếu được tập luyện thì sức khỏe sẽ tốt hơn nên ngỏ ý mời em học võ. Sau nhiều giờ thuyết phục, cậu bé khuyết tật đồng ý luyện võ. Như một phép mầu, thời gian sau, em tự đi được trên đôi chân của mình.
Từ đó đến nay, võ sư Lê Hoàng Mai đã dạy võ miễn phí cho 40 trẻ bị khuyết tật. Ông cũng đang dạy cho các trường hợp bị bệnh down và tự kỷ. Với trẻ em lang thang kiếm sống, võ sư thấy mình phải dang tay để đón nhận, tạo điểm tựa để các em không sa ngã. Ông tận tình hướng dẫn từng động tác, kiên trì luyện tập từng bước đi cho con trẻ.
“Tôi từng có thời gian lầm lỡ và bệnh tật, nếu không được sự tha thứ, thương yêu, đùm bọc của người mẹ thì chắc không qua khỏi. Tình yêu thương chính là động lực giúp tôi đứng dậy và chia sẻ cùng mọi người” - võ sư Lê Hoàng Mai tâm sự.
Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP HCM:
Khơi dậy tinh thần đoàn kết
Thật sự xúc động với tấm lòng của những người tự nguyện, tự giác làm những công việc thầm lặng giúp ích cho đời. Họ là những tấm gương rất xứng đáng được tuyên dương, tôn vinh.
Mục đích của lễ tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” là nhằm nâng cao hơn nữa công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước của TP. Việc cổ vũ, động viên kịp thời những tấm gương thầm lặng mà cao cả còn để giới thiệu, tuyên truyền sâu rộng trong đời sống xã hội, tạo sự lan tỏa trong phong trào thi đua, phong trào hành động cách mạng của người dân, góp phần xây dựng TP có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Thông qua các gương thầm lặng, bình dị, chúng ta còn xây dựng và nhân rộng hơn nữa các gương điển hình trong phong trào thi đua yêu nước ở các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư; khơi dậy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm giúp đỡ nhau trong cuộc sống, cùng nhau xây dựng cộng đồng dân cư ngày càng tốt đẹp hơn.
Bình luận (0)