Ngày 29-3, đoàn giám sát Quốc hội (QH) về việc thực hiện chính sách pháp luật trong cải cách bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016 đã có buổi làm việc tại tỉnh Thanh Hóa.
Làm rõ nhưng chưa công bố
Vấn đề được nhiều thành viên đoàn giám sát chất vấn lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa là việc bổ nhiệm bà Trần Vũ Quỳnh Anh tại Sở Xây dựng Thanh Hóa.
Thành viên đoàn giám sát của QH, Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh chất vấn: “Thời gian vừa qua nổi lên việc bổ nhiệm, đề bạt ở một sở. Đây là vấn đề liên quan công tác cán bộ, vậy vai trò của người đứng đầu thế nào?”.
Ông Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, cho rằng Thanh Hóa đã có những phản ứng nhanh trước các tiêu cực dư luận phản ánh và giao cơ quan chức năng làm rõ. “Cụ thể là việc bổ nhiệm nữ trưởng Phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa đã giao thanh tra làm rõ nhưng kết quả chưa thấy công bố?”.
Bà Trần Thị Quốc Khánh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH - cho đây là vấn đề nổi cộm được dư luận quan tâm. Vì vậy, cần làm rõ các vướng mắc, trong đó có nguyên nhân và trách nhiệm người đứng đầu cũng như công tác thanh tra, kiểm tra.
Giải trình trước đoàn, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn khẳng định tỉnh này không hề giấu giếm. Khi báo chí có bài “Đường quan lộ thần tốc của bà Quỳnh Anh” thì trước đó 19 ngày, Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo phải kiểm tra việc tiếp nhận, bố trí, đề bạt cán bộ của Sở Xây dựng đối với cá nhân mà tỉnh phát hiện sai phạm.
“Lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu cơ quan thanh tra đến ngày 30-3 phải báo cáo kết quả thanh tra. Không chỉ công bố kết quả thanh tra việc bổ nhiệm mà còn nói luôn việc quản lý đảng viên thế nào, rồi cử đi học, quy hoạch ra sao. Tất cả đều rất công khai. Chúng tôi chỉ đạo thanh tra vào cuộc và ngày 31-3 sẽ có báo cáo với cơ quan chức năng, thông báo đến các cơ quan báo chí. Nếu phát hiện có sai phạm sẽ xử lý, có điều gì chưa đúng cũng chấn chỉnh ngay” - ông Tuấn khẳng định.
28 đơn vị sai phạm
Tại buổi giám sát, UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết đã phát hiện 28 đơn vị có sai phạm, trong đó: 14 đơn vị sai phạm trong tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức; 10 đơn vị có sai phạm về tiếp nhận cán bộ, công chức, viên chức; 4 đơn vị có sai phạm trong việc bổ nhiệm, đề bạt.
Ngoài ra, Thanh Hóa còn nhiều đơn vị có số lượng lãnh đạo nhiều hơn nhân viên, tỉ lệ này điển hình như Sở Xây dựng với 34/41 lãnh đạo cấp phòng trở lên; Sở Tư pháp có 25 lãnh đạo cấp phòng trở lên và chỉ có 18 công chức với một người lao động. Một số đơn vị như Sở Tài nguyên và Môi trường có tới 6 phó giám đốc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến tháng 7-2016 có 8 phó giám đốc, cuối năm 2016 giảm còn 5 phó giám đốc.
Chưa hết, một số đơn vị chỉ có lãnh đạo mà không hề có nhân viên. Điển hình như Quỹ Bảo trợ trẻ em chỉ có một cấp trưởng, một cấp phó, không có trưởng phòng, phó phòng và không có nhân viên. Ban Nghiên cứu và Biên soạn lịch sử cũng có một cấp trưởng, hai cấp phó và không hề có trưởng, phó phòng; Phòng Công chứng số 2 cũng chỉ có một cấp trưởng, một cấp phó, không có trưởng phòng, phó phòng, nhân viên.
Chủ yếu giảm người về hưu
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH Nguyễn Sỹ Cương cho biết tại Thanh Hóa có đơn vị tăng đột biến tới 51 người từ năm 2011 đến 2016, như Sở NN-PTNT, Sở Công Thương cũng tăng hơn chục người. Tỉ lệ giảm chỉ có ở vài đơn vị, vậy nguyên nhân do đâu?
Ông Lê Thanh Vân nhìn nhận bộ máy Thanh Hóa hiện vẫn cồng kềnh, thu hẹp ở trên lại phình ở dưới, mâu thuẫn, xung đột lẫn nhau nên đã đến lúc “phẫu thuật” lại hệ thống hành chính. Về tinh giản biên chế, ông Vân cho rằng hiện mới chỉ giảm theo kiểu cơ học, tức là chủ yếu giảm những người về hưu chứ chưa đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ yếu kém năng lực.
Ông Đỗ Minh Tuấn thừa nhận việc một sở có tới 8 phó giám đốc, tỉnh Thanh Hóa đã nhận sai và kiến nghị tiến hành xếp hạng tỉnh để phân bổ biên chế cho phù hợp chứ không thể đổ đồng, không sắp xếp theo cách cơ học bởi mỗi địa phương có đặc thù riêng.
Tham gia giải trình, ông Đầu Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa, cho biết số lượng biên chế của một số sở tăng là do tăng nhiệm vụ và đã được Bộ Nội vụ đồng ý. “Mục tiêu của tinh giản biên chế là đưa ra khỏi bộ máy những người hoàn thành nhiệm vụ ở mức độ thấp và không hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, các quy định hiện hành mang yếu tố định tính, chưa định lượng nên đánh giá thiếu chính xác, dẫn đến việc tinh giản cũng khó khăn” - ông Tùng phân trần.
Gây nhiều dị nghị
Gần đây, thông tin trên một tờ báo nêu từ năm 2008-2010, với tấm bằng CĐ công nghệ thông tin, bà Trần Vũ Quỳnh Anh (SN 1986; ngụ phường Phú Sơn, TP Thanh Hóa) được nhận vào làm hợp đồng tại Văn phòng LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa. Sau khi tốt nghiệp cử nhân tin học hệ tại chức, đầu năm 2011, bà Quỳnh Anh được nhận vào làm hợp đồng tại Trung tâm Kiểm định chất lượng của Sở Xây dựng Thanh Hóa (không qua thi tuyển) và năm 2012, được điều về Phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản của sở này. Từ tháng 10-2013 đến tháng 4-2014, bà Quỳnh Anh nghỉ thai sản. Tháng 4-2015, bà Quỳnh Anh được bổ nhiệm làm phó Phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản, 6 tháng sau được bổ nhiệm làm trưởng phòng.
Việc bổ nhiệm một người không có trình độ chuyên ngành làm lãnh đạo cấp phòng đã gây nhiều dị nghị trong nội bộ Sở Xây dựng Thanh Hóa. Bởi với trình độ chuyên môn như trên, bà Quỳnh Anh không đủ tiêu chuẩn để được tuyển dụng làm công chức của sở (thông qua thi tuyển), nói gì đến chuyện liên tiếp được bổ nhiệm làm lãnh đạo phòng.
Bình luận (0)