Trường hợp UBND tỉnh Cà Mau vừa chỉ đạo Ban Thi đua Khen thưởng tỉnh này dừng đề nghị Bộ Nội vụ khen thưởng cho Sở Tư pháp tỉnh là điển hình cho sự hám danh đến độ bất chấp. Cụ thể, Ban Thi đua Khen thưởng tỉnh Cà Mau đề nghị Bộ Nội vụ khen thưởng cho Sở Tư pháp tỉnh này về thành tích xuất sắc trong thực hiện cải cách hành chính. Trong khi Hội đồng Thi đua Khen thưởng của tỉnh chưa họp nhưng vẫn cho ra biên bản đồng ý về thành tích trên. Mà cũng lạ, cải cách hành chính là việc phải làm của tất cả ban, ngành để phục người dân tốt hơn. Đây là trách nhiệm kia mà, tại sao khi thực hiện phải đề nghị khen thưởng!
Nói không ngoa, căn bệnh háo khen thưởng đã ăn sâu vào “xương tủy” của hầu hết các cơ quan nhà nước. Chúng ta không khỏi ngạc nhiên và khó hiểu với bao nhiêu bằng khen của rất nhiều cơ quan hiện nay. Trao bằng khen vì đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm, vì đã không nhận tiền hối lộ, vì phục vụ tốt bệnh nhân... thì phi lý quá. Người dân trả tiền nuôi bộ máy hành chính công, để cho anh làm những việc này và nếu không thực hiện chính là vi phạm, cần phải xử lý. Khen thưởng gì ở đây!?
“Căn bệnh” trên càng nguy hiểm hơn khi nhiều nơi cố ngụy tạo thành tích để được khen thưởng. Điển hình là chuyện hàng trăm học sinh vì nghèo khó phải bỏ học mưu sinh nhưng Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng vẫn hùng hồn báo cáo thị xã có đến 99% trẻ em đến trường. Hoặc khắp nơi đều thấy treo biển khu phố văn hóa nhưng tệ nạn xã hội vẫn diễn ra từng ngày, cuộc sống người dân luôn bất an với nạn buôn bán ma túy, mại dâm, côn đồ, đâm chém, cướp giật...
Ngay cả việc công nhận gia đình văn hóa cũng thế, liệu có thực chất không khi mà cả nước có 22 triệu gia đình thì có đến 19 triệu hộ đạt chuẩn văn hóa? Trước số liệu “kinh khủng” này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phải nói thẳng như một sự nhắc nhở rằng “đời sống văn hóa còn rất nhiều vấn đề, đạo đức xã hội, nếp sống văn minh còn nhiều chuyện nhức nhối...”. Chúng ta cũng không quên những số liệu rất ảo nêu trên là nhằm đề xuất khen thưởng tất thảy. Và khi những báo cáo toàn số ảo thì các cơ quan quản lý nhà nước làm sao đưa ra được các quyết sách liên quan cho chính xác? Chỉ vì thành tích của một người, một đơn vị nhưng sẽ có rất nhiều người khác bị liên lụy.
Đáng ngại hơn, việc báo cáo láo để nhận thành tích này đối với nhiều cán bộ lâu ngày thành thói quen. Chính họ cũng tin vào những thành tích của mình và tự huyễn hoặc về nó. Từ đây, họ sẽ xa lạ với những gì đang diễn ra thực tế, với đời sống của bao người dân còn khó khăn, thiệt thòi vì sự bất tài của họ.
Hãy học tính trung thực của trẻ. Khi khen thưởng về việc chúng không làm, các em sẽ thấy xấu hổ.
Bình luận (0)