Phóng viên: Thưa ông, hội thảo được tổ chức trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực như thế nào?
- PGS-TS Phạm Đăng Phước: Hội thảo được tổ chức sau khi Tòa Trọng tài quốc tế ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc (TQ). Đây là một phán quyết mang tính lịch sử, thúc đẩy sự phát triển của quy tắc pháp lý về biển. Nó có tác động rất lớn đối với tình hình biển Đông của chúng ta hiện nay. Chính vì điều này nên hội thảo đã nhận được sự quan tâm của đông đảo học giả trong và ngoài nước. Các học giả đến với hội thảo lần này để có đánh giá, nhận định đầy đủ hơn về phán quyết của Tòa Trọng tài cũng như tác động của phán quyết này đối với tình hình cụ thể của biển Đông hiện nay.
Ông có thể cho biết mục đích hướng tới của hội thảo?
- Hội thảo lần này là cơ hội cho các học giả trong và ngoài nước cũng như những người quan tâm vấn đề biển, đảo làm rõ hơn về quy chế pháp lý của các thực thể ở biển Đông theo quy định luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, phán quyết của Tòa Trọng tài trong vụ kiện của Philippines và TQ. Đồng thời hội thảo nhằm làm sáng tỏ thêm những cơ sở pháp lý và lịch sử đối với chủ quyền về Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Hội thảo có các nội dung phân định rõ các vấn đề tranh chấp ở biển Đông cũng như xem xét hành vi đơn phương làm thay đổi nguyên trạng về mặt thực địa và chiến lược tại biển Đông; đe dọa đến hòa bình, ổn định trong khu vực dưới góc độ pháp lý và chính trị khu vực.
Qua trao đổi giữa ban tổ chức và các học giả quốc tế, ông nhận thấy sự quan tâm của các học giả về hội thảo này ra sao?
- Họ rất quan tâm và quan tâm rất sâu. Các tham luận của các học giả đều đánh giá kỹ 3 nội dung của ban tổ chức: Quy chế pháp lý của đảo và đá trong luật pháp quốc tế; tranh chấp chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; phán quyết của Tòa Trọng tài về vụ kiện biển Đông giữa Philippines và TQ.
Họp báo hội thảo quốc tế về “Quy chế pháp lý của đảo, đá trong luật quốc tế và thực tiễn biển Đông” ngày 16-8 Ảnh: HỒNG ÁNH
Còn về tình hình bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo trái phép của TQ trên biển Đông?
- Đây cũng là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của các học giả. Theo đó, sẽ có nhiều nội dung, tham luận bàn đến việc bồi đắp các đảo nhân tạo của TQ cũng như xu hướng quân sự hóa trái phép của TQ trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Ông kỳ vọng gì qua hội thảo lần này?
- Qua mỗi hội thảo, chúng tôi cũng nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp của học giả về các giải pháp hòa bình để giải quyết các vấn đề tranh chấp trên biển Đông hiện nay. Đồng thời, có nhiều ý kiến khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bên cạnh đó, đây là hội thảo mang tính học thuật nên chúng tôi mở rộng các mối quan hệ giữa học giả Việt Nam với học giả các nước trên thế giới và những người quan tâm đến vấn đề về biển Đông. Hy vọng qua hội thảo lần này, chúng tôi sẽ có được những nhận thức chung về các vấn đề liên quan đến biển Đông, đến chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa và tác động của phán quyết của Tòa Trọng tài đối với biển Đông hiện nay.
Nhiều học giả nổi tiếng tham dự
Trong danh sách học giả quốc tế tham dự hội thảo, chúng tôi không thấy các học giả đến từ TQ?
- Đây là hội thảo khoa học. Chúng tôi không có mối quan hệ với các trường đại học và học giả ở TQ nên không thể mời họ. Tuy nhiên, chúng tôi mời học giả nhiều nước và họ sẽ có cái nhìn khách quan hơn về vấn đề này. Trong đó có những học giả nổi tiếng như GS. Erik Franckx - Trưởng Khoa Luật quốc tế và châu Âu, Giám đốc Trung tâm Luật quốc tế thuộc Vrije Universiteit Brussel - Bỉ và là thành viên Tòa Trọng tài Thường trực; GS. Koichi Sato - Đại học J. F. Oberlin, Tokyo - Nhật Bản; GS. A. Thayer - Đại học New South Wales thuộc Học viện Quốc phòng Úc; học giả Aloysius Llamzon - Thư ký Tòa Trọng tài Thường trực...
Bình luận (0)