Ngày 6-11, Quốc hội (QH) đã nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và thảo luận về dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam (Luật Sĩ quan Quân đội) và dự thảo Luật Công an Nhân dân (sửa đổi).
Nên ưu tiên trực tiếp chiến đấu
Luật Sĩ quan Quân đội sau khi chỉnh sửa giữ đề xuất quân đội có 3 đại tướng là bộ trưởng Bộ Quốc phòng, chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và Tổng Tham mưu trưởng.
Ủy ban Thường vụ (TV) QH cho biết căn cứ vào đặc thù và kết luận của Bộ Chính trị ngày 28-10 vừa qua, đề xuất dự luật quy định trần quân hàm cao nhất là trung tướng đối với 2 Bộ Tư lệnh Hà Nội và TP HCM. Còn chỉ huy trưởng, chính ủy bộ chỉ huy quân sự các tỉnh, thành khác là đại tá.
Góp ý dự thảo luật, đại biểu (ĐB) Ngô Ngọc Bình (TP HCM), Phó Tư lệnh Quân khu 7, băn khoăn trần quân hàm trung tướng với tư lệnh, chính ủy Bộ Tư lệnh Hà Nội và TP HCM cũng như giám đốc Công an Hà Nội, TP HCM sẽ tạo ra mâu thuẫn cả về tổ chức chỉ huy và tâm tư tình cảm của cán bộ những địa phương còn lại và các đơn vị. Ông Bình phân tích: Tư lệnh, chính ủy mang quân hàm trung tướng tại Hà Nội, TP HCM thì sẽ bằng với quân hàm tư lệnh, chính ủy cấp quân khu. Điều này khó chấp nhận vì quân khu có đến 8-9 tỉnh, có nhiều sư đoàn, lữ đoàn… chịu trách nhiệm một hướng phòng thủ đất nước. “Do đó, trần quân hàm thành phố bằng với tư lệnh, chính ủy quân khu là không hợp lý. Ngay cả tư lệnh, chính ủy thành phố là thiếu tướng đã thấy khó so với phó tư lệnh quân khu là thiếu tướng trong mối quan hệ chỉ huy, hiệp đồng. Tôi đề nghị QH cho giữ như luật hiện hành là thiếu tướng đối với tư lệnh chính ủy, giám đốc Công an TP Hà Nội, TP HCM” - ĐB Bình kiến nghị.
Đồng tình, Phó Tư lênh Quân khu 9, ông Nguyễn Xuân Tỷ (Bến Tre), góp ý TP HCM thuộc Quân khu 7 nên tư lệnh, chính ủy phải là cấp dưới và chỉ nên trần thiếu tướng. “Điều này cũng tương tự đối với giám đốc công an” - ông Tỷ góp ý.
Dẫn lại chuyện đời mình, với thâm niên 41 năm tham gia quân đội, 14 năm cầm súng trực tiếp chiến đấu ở Tây Nam, Campuchia…, ông Tỷ chia sẻ giữ chức đại tá 17 năm mới được lên tướng và có người xông pha trận mạc cả đời về hưu cũng chỉ được cấp tá. “Nhưng có những người chưa từng chiến đấu ngày nào cũng được phong tướng khiến người lính tác chiến chạnh lòng. Vì thế nên ưu tiên người tham gia chiến đấu” - ông Tỷ trải lòng.
Phong tướng do nhu cầu phát triển hay tác chiến?
Ngược với người trong ngành đề xuất giảm trần cấp tướng thì Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Phương bất ngờ đề xuất trần quân hàm đối với trưởng Khoa Mác - Lê Nin trong Học viện Quốc phòng có hàm thiếu tướng. “Nếu Khoa Mác - Lê Nin mà không được coi trọng như các khoa khác, nhất là trong bối cảnh hiện nay, thì liệu thế lực xấu có xuyên tạc chúng ta phần nào phai nhạt lý tưởng Mác - Lê Nin?” - ông Phương nêu quan điểm.
Không đồng tình, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho biết tiếp xúc cử tri phàn nàn việc “thời bình tướng nhiều hơn thời chiến”. “Việc phong tướng là do nhu cầu lãnh đạo quân đội vững mạnh hơn hay để tác chiến? Nếu cần tăng sức mạnh quân đội thì tăng tướng gấp 10 lần trước kia cũng được nhưng liệu quân đội có mạnh gấp 10 lần hay không?” - ông Thuyền bày tỏ.
Phát biểu giải trình, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết Ủy ban TVQH đề nghị quy định trần quân hàm đối với tư lệnh, chính ủy Bộ Tư lệnh TP HCM là trung tướng là chưa hợp lý. Ông Thanh lý giải Bộ Tư lệnh TP HCM là đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 7. “Trần quân hàm đối với tư lệnh, chính ủy Bộ Tư lệnh TP HCM nên là thiếu tướng. Không thể để phó tư lệnh quân khu đi kiểm tra Bộ Tư lệnh TP HCM rồi xếp hàng để ông trung tướng chào báo cáo ông thiếu tướng” - bộ trưởng nói.
Ông Thanh đồng tình với quân hàm cao nhất của tư lệnh, chính ủy Bộ tư lệnh thủ đô Hà Nội vì tính chất đặc thù và nhiệm vụ quan trọng hơn.
Có lên, phải có xuống
Chiều cùng ngày, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu dự án Luật Công an Nhân dân (sửa đổi), ông Nguyễn Kim Khoa, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh, cho biết nhiều ý kiến đề nghị cấp bậc hàm cao nhất của thứ trưởng - phó bí thư Đảng ủy công an trung ương là thượng tướng.
Ủy ban TVQH cho rằng thứ trưởng - phó bí thư Đảng ủy công an trung ương là cấp phó của bộ trưởng Bộ Công an, giúp bộ trưởng (đồng thời là Bí thư Đảng ủy Công an trung ương) thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, trong đó có nhiệm vụ về công tác Đảng. Chức vụ thứ trưởng giúp việc cho bộ trưởng cần bố trí thấp hơn một bậc để bảo đảm thống nhất trong bộ máy Đảng, nhà nước. Ủy ban TVQH đề nghị quy định cấp bậc hàm cao nhất của thứ trưởng - phó bí thư Đảng ủy Công an trung ương là thượng tướng như các thứ trưởng khác.
Về trần cấp bậc hàm đối với giám đốc Công an Hà Nội và TP HCM, Ủy ban TVQH đề nghị trần cấp bậc là trung tướng; trưởng công an quận là đại tá, trưởng công an huyện, thị xã là thượng tá. Còn 6 địa phương có dân số đông là Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Nghệ An và Đồng Nai, giám đốc công an có cấp hàm trần thiếu tướng; các tỉnh còn lại chỉ hàm đại tá. Ủy ban TVQH đề nghị giám đốc Cảnh sát PCCC TP HCM và Hà Nội có trần cấp bậc thiếu tướng; còn lại có trần cấp bậc là đại tá.
ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) cho rằng đã quy định về thăng cấp bậc thì phải đi kèm cả quy định giáng chức sĩ quan không hoàn thành nhiệm vụ, mắc vi phạm. “Bộ đội biên phòng một tỉnh vừa đình chỉ cùng lúc 7 sĩ quan vi phạm. Ở nhiều địa phương, tình hình an ninh trật tự phức tạp, vi phạm pháp luật kéo dài nhưng người đứng đầu ở địa bàn đó không bị trách nhiệm gì cả. Biên giới Việt - Trung, hàng lậu sang nhiều thế mà công an, Bộ đội Biên phòng có bị trách nhiệm gì không?” - ông Nam đặt vấn đề.
Bình luận (0)