Theo thiết kế, Thủy điện Thượng Kon Tum (do Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh làm chủ đầu tư) sẽ lấy nước từ sông Đắk Snghé (một nhánh phía thượng nguồn, chiếm 35% lượng nước của sông Đắk Bla chảy qua TP Kon Tum) nhưng lại trả nước sau khi phát điện về sông Trà Khúc (tỉnh Quảng Ngãi). Nhiều người lo ngại cách làm này sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng như Thủy điện An Khê - Kanak.
Sông Đắk Bla sẽ “ngắc ngoải”!
Theo một lãnh đạo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, việc chuyển dòng từ sông Đắk Snghé sang sông Trà Khúc sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hệ sinh thái tự nhiên và đời sống của người dân vùng hạ du, đặc biệt vào mùa khô. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng như thế nào tùy thuộc vào lượng nước trả về sông Đắk Snghé sau thân đập.
“Nếu lượng nước trả về nhỏ, không có nước từ các nhánh sông khác thì sông Đắk Bla phía hạ du sẽ trở thành dòng sông chết, ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực” - vị này phân tích.
Sau khi xem thiết kế của Thủy điện Thượng Kon Tum, một nhà khoa học về môi trường cho rằng lượng nước trả về sông Đắk Snghé với mức thấp nhất 3,3 m3/giây là rất nhỏ. Bên cạnh đó, lượng nước xả về hạ du được thực hiện ra sao, đơn vị nào giám sát cần phải xem xét chặt chẽ.
“Xả nước là xả tiền nên không dễ gì các ông chủ thủy điện tự giác thực hiện nghiêm như thiết kế, nhất là vào những tháng thiếu nước” - nhà khoa học này hoài nghi.
Thủy điện An Khê - Kanak là điển hình cho quy trình ngược tự nhiên, tác động nặng nề đến sông Ba (đoạn qua thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) và hạ du. Mùa khô, con sông này “ngắc ngoải” khi lượng nước trả về rất nhỏ so với nhu cầu; đến mùa mưa, thủy điện lại xả lũ ào ạt, gây thiệt hại nặng.
Ông Trần Văn Lập - một người dân sống lâu năm ở huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum - cho biết lượng nước về sông Đắk Bla trong mùa khô vừa qua rất ít, gây mất mùa ở nhiều khu vực. “Thủy điện chưa chặn dòng mà mùa khô đã kiệt nước như vậy thì sau khi chặn dòng hậu quả sẽ như thế nào?” - ông Lập lo lắng.
Vì công suất phát điện
Thủy điện Thượng Kon Tum có công suất lắp máy 220 MW, tổng vốn đầu tư trên 7.400 tỉ đồng, được khởi công xây dựng vào tháng 9-2009, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2018.
Thủy điện này sau khi tích nước tại đầu nguồn sông Đắk Snghé tạo thành hồ chứa rộng khoảng 7 km2. Sau đó, nước sẽ được dẫn qua đường hầm dài khoảng 20 km, với cột nước lớn nhất cao hơn 937 m để chạy máy, sau đó xả nước ra sông Trà Khúc. Nhờ độ cao của cột nước này mà công suất phát điện sẽ lớn hơn rất nhiều nếu so với việc trả nước về sông Đắk Snghé.
Trước lo ngại thủy điện này sẽ làm khô hạn sông Đắk Bla, ông Lê Văn Quang, Trưởng Phòng Điện năng Sở Công Thương tỉnh Kon Tum, cho rằng khi chuyển nước về sông Trà Khúc thì phía dưới sông Đắk Snghé còn có nhiều hệ thống sông khác nên lượng nước đổ về sông Đắk Bla “vẫn bảo đảm”.
Theo quy trình vận hành hồ chứa của Thủy điện Thượng Kon Tum, lượng nước trả về hạ lưu sông Đắk Snghé thấp nhất từ 3,3 m3/giây đến 5,8 m3/giây tùy vào từng tháng. Trường hợp UBND tỉnh Kon Tum có yêu cầu trả lượng nước về cao hơn thì thủy điện phải thực hiện.
Theo ông Quang, để giảm thiểu tác động tiêu cực từ Thủy điện Thượng Kon Tum, trong nhiều cuộc họp, UBND tỉnh Kon Tum đã kiến nghị các bộ, ngành liên quan xem xét lại dự án nhằm bảo đảm môi trường vùng hạ du.
Chậm tiến độ vì nhà thầu Trung Quốc
Theo Sở Công Thương tỉnh Kon Tum, Thủy điện Thượng Kon Tum khởi công từ tháng 9-2009, dự kiến hoàn thành vào năm 2014. Tuy nhiên, sau nhiều lần dừng và điều chỉnh, dự án này dự kiến đến năm 2018 mới hoạt động.
Vốn đầu tư ban đầu của Thủy điện Thượng Kon Tum chỉ hơn 5.700 tỉ đồng, nay đã đội lên trên 7.400 tỉ đồng. Nguyên nhân dự án chậm hoàn thành là do nhà thầu Trung Quốc đang thi công đường hầm dẫn nước thì bỏ ngang.
Bình luận (0)