Theo bà Trần Thị Hà, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng được Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 11 vừa qua đã giúp giải quyết được những vướng mắc suốt 10 năm qua. Luật mới đã bổ sung về hệ thống tiêu chuẩn của danh hiệu thi đua và các hình thức khen thưởng theo hướng không lấy danh hiệu thi đua để làm căn cứ xét khen thưởng, tránh việc tích lũy thành tích trong khen thưởng; đặc biệt là đã xây dựng các tiêu chuẩn cụ thể với các hình thức khen thưởng huân chương, bằng khen, giấy khen cho nông dân, công nhân, người lao động trực tiếp…
Danh hiệu thi đua chủ yếu thuộc về lãnh đạo
Báo cáo tổng kết của Ban Thi đua - Khen thưởng trung ương cho thấy các địa phương đã chú trọng sử dụng thi đua, khen thưởng thuộc thẩm quyền để khen thưởng kịp thời các trường hợp có thành tích, cho công nhân, nông dân, người lao động, đồng thời quan tâm hơn tới các trường hợp có thành tích đột xuất, người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác. Tỉ lệ khen thưởng người lao động trực tiếp năm 2013 đã tăng cao hơn so với năm 2012.
Tuy nhiên, bà Hà cũng thừa nhận cơ quan chuyên trách công tác thi đua, khen thưởng ở một số bộ, ngành, địa phương chưa chủ động, tích cực nghiên cứu cơ chế, chính sách để tham mưu cho lãnh đạo tháo gỡ vướng mắc. Một số phong trào thi đua chưa có nội dung, tiêu chí cụ thể; công tác biểu dương, khen thưởng chưa kịp thời đã làm hạn chế phong trào thi đua và động lực thi đua.
“Việc khen thưởng, bình xét và công nhận danh hiệu thi đua ở một số bộ, ngành, địa phương chưa chặt chẽ, không bảo đảm quy trình, thủ tục; chưa chủ động phát hiện nhân tố mới, điển hình mới để khen thưởng. Việc đề nghị khen thưởng các hình thức cấp nhà nước và các danh hiệu thi đua vẫn chủ yếu tập trung ở cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp” - bà Hà nói.
Bà Trần Thị Hà cũng cho rằng hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng một số bộ, ngành, địa phương chủ yếu là xem xét và cho ý kiến về việc đề nghị khen thưởng. Đội ngũ này vừa yếu về chuyên môn, nghiệp vụ lại thiếu kinh nghiệm thực tiễn về tổ chức chỉ đạo. Đã xuất hiện tình trạng khen nhưng không thưởng hoặc trên khen dưới thưởng. Đây cũng chính là những vấn đề mà Báo Người Lao Động ngày 24 và 25-12 đã phản ánh.
Sẽ hướng tới người lao động nhiều hơn
Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết thời gian qua, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã phát động rất nhiều chương trình để khen thưởng, kịp thời hỗ trợ công nhân, người lao động trên cả nước. Điển hình là chương trình “Tấm lưới nghĩa tình” đã quyên góp được gần 37 tỉ đồng và đã trao 21 tỉ đồng cho ngư dân các tỉnh ven biển. Ngoài ra, Tổng LĐLĐ Việt Nam còn có Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh để tôn vinh công nhân, lao động tiêu biểu trên cả nước, mà trong lần thứ hai tổ chức vừa qua đã có 39 công nhân tiêu biểu được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.
“Các phong trào, giải thưởng do LĐLĐ ở các tỉnh, thành phố phát động cũng đã kịp thời tôn vinh hàng ngàn công nhân trực tiếp tham gia lao động sản xuất. Điển hình như LĐLĐ TP HCM có Giải thưởng Tôn Đức Thắng thu hút rất đông người lao động, công nhân ở các khu công nghiệp tham gia” - ông Chính nói.
Tuy nhiên, ông Chính cho biết nhiều doanh nghiệp (DN), địa phương vẫn còn mắc bệnh thành tích trong thi đua, khen thưởng. Nhiều DN ngoài nhà nước chưa tham gia hoạt động thi đua, khen thưởng. Người lao động trực tiếp tham gia sản xuất không được khen thưởng như quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng. Ở nhiều bộ, ngành có tình trạng cán bộ được khen thưởng quá nhiều.
“Năm 2014, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ phối hợp với Ban Thi đua - Khen thưởng trung ương tiến hành khen thưởng trực tiếp cho người lao động sản xuất nhiều hơn nữa, đồng thời phát động phong trào thi đua đến khối DN ngoài nhà nước” - ông Chính cho biết và kiến nghị Chính phủ sớm có văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng, trong đó việc khen thưởng ở các tổ chức Công đoàn cần chú trọng hơn tới những người trực tiếp lao động sản xuất.
Bà Trần Thị Hà cho biết thêm: “Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2014 là đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin vào các lĩnh vực thi đua, khen thưởng. Danh sách của các cá nhân đề nghị khen thưởng sẽ được đăng tải công khai để lấy kiến người dân”.
Quan tâm nhiều đến các bà mẹ Việt Nam anh hùng
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ông Nguyễn Thiện Nhân, cho biết cơ quan này đang phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiến hành tổng rà soát các chương trình, chính sách đối với người có công với cách mạng trên phạm vi cả nước, trong đó chú trọng tới đối tượng bà mẹ Việt Nam anh hùng. “Các mẹ giờ đều đã già yếu cả rồi nên nếu có thể thì phải làm ngay việc phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Việc làm này thể hiện đạo lý, truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta” - ông Nhân nói.
Bà Trần Thị Hà cho biết năm 2014, Ban Thi đua - Khen thưởng trung ương sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan tập trung giải quyết cơ bản việc khen thưởng thành tích kháng chiến tồn đọng; đặc biệt phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện việc đề nghị phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho những trường hợp đủ điều kiện.
Bình luận (0)