Hàng trăm cây gỗ giáng hương được xếp vào hàng danh mộc, trăm năm tuổi trong Vườn Quốc gia Chư Mom Ray (Kon Tum) bị đốn hạ, đốt gốc. Những vụ trên làm gia tăng độ nhức nhối trên “tấm thân” thiên nhiên vốn đã chịu quá nhiều u nhọt do sự tàn phá của con người.
Tây Nguyên là vậy, còn tại khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, hạn hán khốc liệt đã vắt kiệt sức hơn 10 triệu dân của vùng đất “mùa đông thiếu áo, mùa hè thiếu cơm” . Hơn 1 năm qua, những con người lam lũ ấy phải chắt chiu từng giọt nước để duy trì cuộc sống và cho cây trồng, cùng với đó là cảnh tượng di cư của những đàn gia súc, lịch tiết giảm nước dày đặc của những công trình thủy điện. Hiển nhiên, nước trở thành phẩm vật quý giá hơn bất kỳ thứ gì khác.
Trong mối tương hỗ của thiên nhiên, cây xanh bị đốn hạ đồng nghĩa với nguồn nước ngầm bị tụt giảm; rừng bị bức tử sẽ phá vỡ sự cân bằng của hệ sinh thái, rất khó ngăn dòng nước lũ đổ xiết về hạ nguồn vào mỗi mùa mưa. Giờ đây, khi rừng ngày càng bị thu hẹp, nước ngày càng bị cạn kiệt thì nắng hạn, lũ lụt hằng năm lại càng khốc liệt hơn. Suy cho cùng, đó chính là sự “dằn mặt” của thiên nhiên trước sự không sòng phẳng, vô trách nhiệm của con người.
Hơn 20 năm qua, Tây Nguyên mất đi trên 1,5 triệu ha rừng. Núi đồi nào cũng bị đả thương, cánh rừng nào cũng bị xé toạc. Trong khi đó, mỗi năm, nhà nước vẫn đổ hàng trăm tỉ đồng để triển khai trồng rừng nhưng rồi rừng trồng có nơi đã không thành... rừng! Rừng trồng chắp vá sao bằng rừng tự nhiên mất đi, thậm chí có những khu rừng trồng cũng không giữ được, tiếp tục bị xâm hại. Vậy nên, giờ đây, ai dám khẳng định những khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia như: Chư Mom Ray, Cát Tiên, Yok Đôn, Chư Yang Sin... lành lặn hoặc bất khả xâm phạm!
Trở lại chuyện nước ở Nam Trung Bộ, không phải ngẫu nhiên, từ trong tâm linh, con người của vùng đất “thiếu mưa, thừa nắng” có lễ tế cầu mưa. Thế nhưng, giữa niềm tin về sự mầu nhiệm, quý giá của nước với hành động cộng đồng trách nhiệm trong việc bảo vệ rừng - mạch nguồn của nước - lại hiện rõ sự không sòng phẳng, xâm hại.
Rừng tự nhiên về lý thuyết hiện đã đóng cửa nhưng thực tế vẫn không ngăn được sự tấn công của lâm tặc, càng không cản được sự đốt phá để làm nương rẫy của làn sóng di dân tự do. Sự yên bình của những cánh rừng hiếm hoi còn lại trên cao nguyên và một số tỉnh Trung Bộ giáp ranh đang phải đối mặt với thách thức nghiệt ngã. Cho nên, xin chớ vội mừng khi có hàng chục thủy điện lớn nhỏ được xây dựng, hàng ngàn nông trại mọc lên khắp Tây Nguyên bởi chắc chắn rất nhiều trong số đó được đánh đổi từ những cánh rừng bạt ngàn.
Bài toán tạo nước, chống hạn cho đồng bằng duyên hải có mối quan hệ gắn kết từ Tây Nguyên. Mỗi cây ở đại ngàn ngã xuống là đốt thêm một chảo lửa ở miền xuôi!
Bình luận (0)