Điều gì đã dẫn đến những tai biến dồn dập gây hoài nghi, lo sợ cho người dân suốt một thời gian dài?
Sau một thời gian chờ đợi câu trả lời, nay thì mọi chuyện đã rõ. Chỉ nghe báo cáo giải trình của Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi và lời khẳng định của Chánh Văn phòng Lê Huy, người phát ngôn của sở này, có thể quy về nguyên nhân: bác sĩ thiếu cả y đức và năng lực chuyên môn. Báo cáo giải trình đánh giá việc chẩn đoán, tiên lượng của bác sĩ phần lớn không chính xác; theo dõi diễn biến (ca sinh) không thường xuyên, thiếu chặt chẽ; xử trí tai biến chưa kịp thời, thiếu tích cực…Ông Huy nói thêm rằng trang thiết bị y tế và đội ngũ y - bác sĩ của bệnh viện so với các bệnh viện đa khoa ở những tỉnh khác là không thua kém.
Có 3 yếu tố căn bản tạo nên diện mạo một thầy thuốc, đó là tay nghề, y đức và phương tiện y khoa. Nếu ví nền tảng đó như cái kiềng 3 chân thì các y - bác sĩ có trách nhiệm trong những tai biến sản khoa ở Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi đã mất “2 chân”, không còn tính chính danh, không thể đứng vững được.
Trả lời phỏng vấn trên một tờ báo cách đây không lâu, GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Phó Chủ tịch Hội Sản phụ khoa Việt Nam, nguyên giám đốc Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, cho rằng: “Trong một ca sinh khó, để cuộc sinh nở diễn ra suôn sẻ rất cần sự hợp tác giữa thầy thuốc với sản phụ và gia đình sản phụ. Thầy thuốc cần phải lắng nghe nguyện vọng của sản phụ và gia đình họ, xử trí tận tình trong khả năng cho phép”.
Về một loạt tai biến sản khoa vừa qua, nữ bác sĩ sản khoa nổi tiếng nhận xét các sản phụ tử vong không nằm trong nhóm nguy cơ cao, nghĩa là không dưới 18 tuổi, không quá tuổi sinh sản và cũng không mắc các bệnh về chuyển hóa, nội tiết, tim, phổi, huyết áp… Do đó, cần kiểm tra xem nếu can thiệp nhanh, xử lý sớm thì liệu có xoay chuyển tình thế không.
Bình luận (0)