Kho báu tìm thấy trong khu lăng Thoại Ngọc Hầu (núi Sam, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang) từ năm 2009 đã cung cấp những giá trị tư liệu lớn liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của danh tướng này và những vấn đề lịch sử, văn hóa thời Nguyễn nói chung, lịch sử khai phá vùng đất Nam Bộ nói riêng.
Nguy cơ thất lạc
Ngày nay, qua nghiên cứu, tìm hiểu về Thoại Ngọc Hầu, chúng tôi còn được biết có một khối lượng lớn tư liệu liên quan đến sự nghiệp của ông và gia đình đóng góp cho lịch sử nước nhà qua hàng loạt hệ thống di sản văn hóa khác. Trong đó, đáng chú ý là những sắc dụ vua ban cho Thoại Ngọc Hầu cùng thân quyến.
Cụ thể, đó là 2 chiếu sắc vua Minh Mạng ban cho song thân quá cố của Thoại Ngọc Hầu là cụ ông Nguyễn Văn Lượng và cụ bà Nguyễn Thị Tuyết; chỉ dụ vua khuyên can Thoại Ngọc Hầu khi ông xin từ chức quan Bảo hộ Cao Miên... Đây là những tư liệu gốc hết sức quan trọng không chỉ cho việc nghiên cứu trường hợp danh tướng Thoại Ngọc Hầu và thân quyến nói riêng mà còn cả nhiều vấn đề về bang giao, xây dựng, xác lập, bảo vệ chủ quyền vùng đất Nam Bộ thời Nguyễn cũng như lịch sử Đông Nam Á giai đoạn cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX.
Chiếu dụ vua ban cho Thoại Ngọc Hầu và song thân đã trải qua nhiều sự thăng trầm, đôi lúc trở nên huyền bí, chưa có lời giải.
Những năm 1960, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hầu cho ra mắt tác phẩm “Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang”. Lần đầu tiên, nhà nghiên cứu này giới thiệu cho chúng ta biết được ông Nguyễn Khắc Cường - hậu duệ chi Nguyễn Khắc bên thân mẫu Thoại Ngọc Hầu, tức cụ bà Nguyễn Thị Tuyết - là người lưu giữ những chiếu dụ vua ban cho gia đình danh tướng này trên chiếc ghe bé nhỏ ẩn trốn trong kênh rạch.
Vì sao dòng họ Nguyễn Khắc bên ngoại Thoại Ngọc Hầu lại lưu giữ được những tấm chiếu sắc của vua ban cho gia đình ông? Thoại Ngọc Hầu là vị quan lớn từng bị vua Minh Mạng giáng chức sau khi qua đời, đặc biệt là sau cuộc biến loạn thành Gia Định liên quan đến người con gái nuôi của ông - bà Nguyễn Thị Nghĩa (vợ Võ Vĩnh Lộc, người đứng thứ hai sau Lê Văn Khôi - con nuôi Tả quân Lê Văn Duyệt - chủ mưu lãnh đạo cuộc biến loạn). Sau này, cùng với nhiều vấn đề liên quan khác, vua Minh Mạng đã ra chỉ dụ thu lại toàn bộ bằng, sắc... đã ban trước đó cho Thoại Ngọc Hầu cùng thân quyến.
Sau năm 1975, tung tích những chỉ dụ vua ban cho gia đình Thoại Ngọc Hầu đi vào quên lãng. Chúng tôi đã cố dò tìm ở nhiều nơi nhưng không biết chúng đang được lưu giữ ở đâu. Thật may mắn, cuối năm 2016, nhà nghiên cứu Lâm Thanh Quang ở TP Châu Đốc đã cung cấp cho chúng tôi địa chỉ đang lưu giữ những chỉ dụ vua ban này.
Đó là gia đình bà Nguyễn Ngọc Điệp, hậu duệ của ông Nguyễn Khắc Cường ngày xưa mà nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hầu từng tiếp cận. Dòng họ Nguyễn Khắc tại Châu Đốc bảo quản tương đối tốt những sắc dụ này trong thời gian dài.
Sau khi bà Nguyễn Ngọc Điệp qua đời, người có quyền sở hữu những sắc dụ vua ban cho Thoại Ngọc Hầu và gia quyến là ông Nguyễn Khắc Chuẩn, em trai bà. Tuy nhiên, ông Chuẩn lại đang định cư ở nước ngoài. Hiện nay, nhà thờ cùng các sắc dụ được giao cho một người cháu họ xa trông nom. Vì thế, những sắc chỉ này có nguy cơ thất lạc cao.
Ông Lâm Thanh Quang, Hội Khoa học Lịch sử An Giang, cho biết ông và hội đã đề xuất UBND TP Châu Đốc vận động gia đình, dòng họ Nguyễn Khắc tại địa phương chuyển giao sắc dụ của gia đình Thoại Ngọc Hầu cho nhà nước quản lý, đặc biệt là đưa vào Nhà Trưng bày cổ vật Thoại Ngọc Hầu tại Khu Di tích Lăng miếu Núi Sam để bảo quản, giới thiệu. Tuy nhiên đến nay, gia đình này vẫn chưa có động thái gì vì mọi việc phải đợi ông Nguyễn Khắc Chuẩn, người đang định cư ở nước ngoài, quyết định.
Nhiều giá trị
Tiếp cận nghiên cứu những sắc dụ vua ban cho gia đình Thoại Ngọc Hầu, chúng tôi nhận thấy chúng có nhiều giá trị lịch sử, văn hóa.
Tờ dụ của vua Minh Mạng ngày 1-7-1822 khuyên Thoại Ngọc Hầu không nên từ chức Bảo hộ Cao Miên hé lộ nhiều bí ẩn lịch sử, nhất là việc trị nước cùng quan hệ lân bang. Mặc dù mâu thuẫn với vua Cao Miên nhưng vua Minh Mạng vẫn khuyên Thoại Ngọc Hầu không nên phụ lòng ông đã tin cẩn giao phó chức Bảo hộ. Điều này cho thấy tầm quan trọng và những đóng góp của Thoại Ngọc Hầu cho lịch sử dân tộc lớn lao chừng nào.
“Chính như ngươi, Nguyễn Văn Thoại, từ trước từng quen thuộc và hiểu rành về tình hình phong tục của nhân dân, cùng sự gần xa, khó dễ của sông núi tại các nước Xiêm, Miên, Lào. Vì vậy mới ủy cho ấn vụ Bảo hộ nước Cao Miên, lo liệu sắp đặt việc ngoài biên, từ lâu đến nay thật là xứng đáng với chức vụ... Nay đặc biệt ban cho ngươi một tấm mãng đoạn (hàng có thêu hình rồng, hình tôm) màu nâu, 2 tấm tất chi (hàng dệt bằng lông) màu hồng và màu lam cho mỗi thứ, dùng ban thưởng công lao đặc biệt. Ngươi nên vâng lãnh mà vẫn giữ y chức cũ để xứng với lòng tha thiết của trẫm đã biết chọn” - tờ dụ viết.
Để động viên Thoại Ngọc Hầu xả thân vì nước, sau lời chỉ dụ, vua Minh Mạng còn khéo léo truy tặng cha mẹ quá cố của ông 2 sắc chiếu vào ngày 22-7-1822. Lời dụ ban cho cụ bà Nguyễn Thị Tuyết cho thấy tình cảm trang trọng của nhà vua: “Trẫm nghĩ muốn biết gia đình phúc hậu thì phải ngược dòng tìm hiểu cội nguồn. Nước có ban ân là bởi theo tình mà đặt thành nghi lễ. Nay truy niệm đức lành của người đã khuất nên xuống chiếu để làm cho rạng ngời. Ngươi, Nguyễn Thị Tuyết, đã mất, là thân mẫu của Nguyễn Văn Thoại - Khâm sai Thống chế án thủ đồn Châu Đốc, lãnh ấn Bảo hộ nước Cao Miên. Ngươi đáng được liệt truyện khen hay, lương môn chép tốt... Ngươi là trang mẹ hiền, con ngươi là bề tôi tốt. Nay đem đạo hiếu mà trị đời, nên phải ban khen cho ngươi được vui nhuần ân huệ...”.
Trong khi đó, sắc chỉ ban cho cụ ông Nguyễn Văn Lượng có nội dung: “Ngươi trước kia làm chức Từ thừa là Nguyễn Văn Lượng, phụ thân của Nguyễn Văn Thoại, Khâm sai Thống chế án thủ Châu Đốc đồn, lãnh ấn Bảo hộ Cao Miên quốc ấn, kiêm quản Hà Tiên trấn biên vụ. Tính hạnh ngay thẳng, hiền lành, thói quen dày dặn, cẩn thận... Nay đặc biệt tặng ngươi là Anh dũng Tướng quân, Khinh xa Đô úy, Thần sắc Vệ úy Nguyễn Hầu ban cho cáo mệnh. Than ôi! Trao ân dày đặc biệt, để hợp với tình muốn biểu dương; lộc báo đáp càng dày, vì vẫn dốc lòng vừa giúp nước”...
Các chiếu dụ vua ban cho Thoại Ngọc Hầu cùng thân quyến góp phần xác nhận những vấn đề lịch sử đã ghi chép lẫn không ghi chép liên quan đến vùng đất Nam Bộ nói riêng và triều Nguyễn nói chung. Tuy nhiên hiện nay, để bảo tồn và phát huy những giá trị tư liệu quý này, gia đình và chính quyền địa phương Châu Đốc cần có biện pháp làm sao đưa sắc chỉ vua ban cho Thoại Ngọc Hầu cùng thân quyến (bản gốc hoặc bản sao phục chế) vào trưng bày, giới thiệu tại Khu Di tích Lăng miếu Núi Sam.
Một đời thăng trầm
Năm 2009, tỉnh An Giang đã long trọng tổ chức kỷ niệm 180 năm ngày mất của Thoại Ngọc Hầu (1761-1829). Dịp này, An Giang đã tổ chức hội thảo khoa học, làm sáng tỏ hơn về thân thế và sự nghiệp của một danh tướng từng có công rất lớn trong công cuộc gìn giữ và khai phá vùng đất Tây Nam Tổ quốc.
Thoại Ngọc Hầu tên thật là Nguyễn Văn Thoại (Thụy). Sau khi rời quê Quảng Nam vào miền Nam định cư, ông đầu quân rồi làm quan cho triều đình nhà Nguyễn. Ông từng làm quan trấn thủ nhiều địa phương, 2 lần được triều đình cử lãnh ấn Bảo hộ Cao Miên… Do lập được nhiều công lớn nên ông được triều đình phong tước hầu.
Thoại Ngọc Hầu mất khi đương chức, an táng tại khu lăng Núi Sam hiện nay. Sau khi Thoại Ngọc Hầu mất, có kẻ ghen ghét vu cáo ông. Nhà vua bắt tội ông làm quan không liêm chính nên ra lệnh giáng chức. Kẻ vu cáo ông sau này đã bị cách chức, buộc đi đày. Mãi đến ngày 25-7-1924, vua Khải Định mới giải án oan cho Thoại Ngọc Hầu; sắc cho làng Vĩnh Tế, tổng Châu Phú, tỉnh Châu Đốc (TP Châu Đốc, tỉnh An Giang ngày nay) thờ phụng vị tôn thần họ Nguyễn này.
Bình luận (0)