Lúc 14 giờ (giờ địa phương) chiều nay ngày 26-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam đã đến sân bay Chubu-Nagoya, bắt đầu chuyến thăm Nhật Bản, dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng.
Trước đó, sáng nay 26-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời Hà Nội, lên đường thăm Nhật Bản và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tại Mie, theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Chuyến công du diễn ra từ ngày 26 đến 28-5.
Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Nhật Bản và tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng trên cương vị Thủ tướng Chính phủ.
Cùng đi với Thủ tướng có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Trần Văn Hằng, Trợ lý Thủ tướng Nguyễn Duy Hưng và đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, dự đối thoại chính sách kinh tế cao cấp Việt Nam-Nhật Bản. Thủ tướng sẽ dự các phiên họp của Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng; có các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc song phương lãnh đạo các nước dự Hội nghị.
Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng được tổ chức vào ngày 27-5 tại tỉnh Mie, Nhật Bản với sự tham dự của các nước G7, Liên minh châu Âu và các khách mời bao gồm Việt Nam, Indonesia, Lào, Bangladesh, Sri Lanka, Papua New Guinea, Chad và một số tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc, Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB).
Với Việt Nam, tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng là cơ hội để đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề quan tâm chung, góp phần vì hòa bình, phồn vinh, hợp tác phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng bao gồm 2 phiên, tập trung thảo luận về cơ sở hạ tầng chất lượng cao, an ninh khu vực, thúc đẩy quyền phụ nữ, y tế, tăng cường hợp tác triển khai Chương trình nghị sự phát triển 2030 và các SDG và hợp tác với châu Phi.
Thông báo ngày 5-5 vừa qua với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về nội dung Hội nghị G7 cấp bộ trưởng vừa qua tại Nhật Bản, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết Hội nghị đã đưa ra tuyên bố mạnh mẽ hơn về an ninh trên biển và tại Hội nghị G7 mở rộng sắp tới, dự kiến có nội dung về cơ sở hạ tầng chất lượng cao, pháp quyền trên biển, tự do hàng hải, hàng không.
Trao đổi với một số hãng thông tấn, báo chí lớn của Nhật Bản trước thềm chuyến thăm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết rất vui mừng khi chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh “Quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” giữa 2 nước Việt Nam - Nhật Bản tiếp tục phát triển rất tốt đẹp.
Việt Nam mong rằng, tại Hội nghị lần này, các nước tham dự sẽ có tiếng nói và hành động thiết thực đóng góp tích cực vào củng cố môi trường hòa bình, ổn định và giải quyết các vấn đề chung của toàn cầu và khu vực… Lần đầu tiên tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng, Việt Nam sẽ đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào thảo luận những vấn đề nêu trên.
Thủ tướng cũng cho biết sẽ trao đổi với Thủ tướng Shinzo Abe về những định hướng lớn và các biện pháp cụ thể thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa 2 nước phát triển mạnh mẽ hơn nữa trên các lĩnh vực, trọng tâm là tăng cường sự tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, ODA, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, y tế, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ…
"Việt Nam khẳng định chủ trương nhất quán về chính sách đối ngoại với Nhật Bản. Tôi mong rằng, kết quả chuyến đi sẽ tạo động lực mạnh mẽ đưa quan hệ Việt Nam - Nhật Bản tiếp tục đi vào chiều sâu, hiệu quả, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới" - Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang ở trong giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất từ trước tới nay.
Nhật Bản là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2015 đạt trên 28 tỉ USD. Hiện có khoảng 2.000 doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, trong đó có sự hiện diện của hầu hết các tập đoàn hàng đầu Nhật Bản, với trên 3.000 dự án và tổng vốn đăng ký 39 tỉ USD.
Bình luận (0)