Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội sáng nay 21-10 - Ảnh: Hoàng Bắc
Trình bày báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế, xã hội năm 2013 và nhiệm vụ năm 2014 - 2015 tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội sáng nay 21-10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá 9 tháng đầu năm 2013, lạm phát tiếp tục được kiềm chế nhờ thực hiện quyết liệt, kiên trì các biện pháp, chính sách kinh tế vĩ mô về tài chính, tiền tệ, đầu tư; có sự phối hợp liên ngành trong điều chỉnh giá một số mặt hàng Nhà nước quản lý (điện, xăng dầu, giá dịch vụ y tế) theo lộ trình một cách linh hoạt với liều lượng hợp lý và bảo đảm cân đối cung cầu hàng hoá, dịch vụ...
So với tháng 12-2012, chỉ số giá tiêu dùng 9 tháng qua tăng 4,63%. Theo đánh giá của Chính phủ, đây là mức tăng thấp nhất trong vòng 4 năm qua.
Thủ tướng cho rằng trong 3 tháng cuối năm, chỉ số giá tiêu dùng có thể tăng cao hơn so với tốc độ tăng những tháng đầu năm do tác động bởi một số yếu tố như: tăng giá điện, than, xăng dầu; giá dịch vụ y tế, giáo dục; ảnh hưởng của thiên tai...
Tuy nhiên, trong bối cảnh tổng cầu vẫn còn yếu, năng lực sản xuất khá dồi dào, các chỉ số tăng trưởng tín dụng ở mức thấp... dự báo chỉ số giá tiêu dùng tháng 12-2013 so với cùng kỳ năm trước sẽ được kiềm chế ở mức tăng khoảng 7% (kế hoạch đề ra là khoảng 8%).
Trong tổng số 15 chỉ tiêu Quốc hội đề ra trong kế hoạch năm 2013 có 11 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; 2 chỉ tiêu đạt xấp xỉ kế hoạch là tốc độ tăng trưởng GDP và tạo chỉ tiêu việc làm; 2 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tỉ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP và tỉ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP.
Đại biểu bước vào hội trường, bắt đầu kỳ họp dài 40 ngày. Ảnh: Hoàng Bắc
Bên cạnh đó, báo cáo của Chính phủ cũng cho rằng nền kinh tế vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế: Tốc độ tăng trưởng kinh tế mặc dù có cải thiện so với năm trước nhưng chưa đạt kế hoạch đề ra. Kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc. Hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Lạm phát tuy đã được kiềm chế nhưng vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại. Nợ xấu chưa được giải quyết cơ bản, trong khi việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; thị trường và sức mua tuy có chuyển biến nhưng vẫn còn yếu. Thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp. Tính bền vững của giảm nghèo thấp.
Chính phủ nhận định đời sống của 1 bộ phận dân cư còn khó khăn. Việc xây dựng nông thôn mới còn chậm, ngân sách nhà nước còn hạn chế, chưa huy động được nhiều nguồn lực xã hội. Chất lượng giáo dục, đào tạo được cải thiện chưa thật rõ nét. Công tác chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân, khắc phục tình trạng bệnh viện quá tải còn hạn chế; các tệ nạn, tội phạm còn cao gây bức xúc trong nhân dân.
Đáng chú ý trong đánh giá của Chính phủ, công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu so với mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi. Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng. Công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra hiệu quả chưa cao, ít phát hiện tham nhũng. Xử lý các vụ việc tham nhũng còn chậm. Tình trạng nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức gây bức xúc trong nhân dân chậm được khắc phục.
Báo cáo của Chính phủ cũng đưa ra một kinh nghiệm bước đầu sau 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2011-2015. Đó là phải đột phá trong đổi mới tư duy phát triển, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, nâng cao năng lực phân tích dự báo, tập trung cao nhất cho mục tiêu ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ưu tiên nguồn lực để bảo đảm an sinh xã hội, phát triển nông nghiệp nông thôn và tăng cường tiềm lực cần thiết cho quốc phòng an ninh…
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII khai mạc sáng nay 21-10 sẽ xem xét nhiều nội dung quan trọng. Ảnh: Hoàng Bắc
Trước đó, trong phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh tình hình kinh tế - xã hội đã có bước chuyển tích cực, đúng hướng trên hầu hết các lĩnh vực, đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây là kỳ họp đặc biệt quan trọng để nhìn lại và đánh giá chặng đường phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, công tác tư pháp, đấu tranh phòng chống tham nhũng, tệ nạn xã hội,… trong 3 năm qua (2011-2013). Đồng thời, xác định lại những vấn đề cần làm trong năm 2014 và chặng đường còn lại của kế hoạch 5 năm 2011-2015 để bảo đảm thúc đẩy phát triển đất nước.
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII khai mạc ngày 21-10 tại Hà Nội sẽ kéo dài 40 ngày với nhiều nội dung quan trọng như xem xét, thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và 8 dự án luật, trong đó có Luật Đất đai (sửa đổi); cho ý kiến về 12 dự án luật khác.
Bên cạnh đó, kỳ họp sẽ xem xét nhiều báo cáo khác về tình hình thực hiện và phương hướng, giải pháp thực hiện kế hoạch kinh tế xã hội 5 năm 2011 - 2015; Báo cáo về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế...
Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, tại kỳ họp lần này, Thủ tướng đề nghị Quốc hội phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ phó thủ tướng đối với ông Nguyễn Thiện Nhân hiện đã sang làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ngoài đề xuất Quốc hội phê chuẩn 1 tân phó thủ tướng thay ông Nguyễn Thiện Nhân, Thủ tướng cũng đề nghị được tăng thêm 1 phó thủ tướng nữa. Trong danh sách ứng cử viên Phó Thủ tướng có ông Vũ Đức Đam, hiện là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, và ông Phạm Bình Minh, hiện là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
|
Bình luận (0)