Sáng 17-12, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ khu vực miền Trung.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến ứng phó, khắc phục mưa lũ miền Trung sáng 17-12. Ảnh: Văn Duẩn
Cùng dự chỉ đạo có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cùng lãnh đạo nhiều bộ, ngành. Tham gia ở các đầu cầu gồm lãnh đạo 9 địa phương miền Trung đang bị thiệt hại nặng nề do thiên tai.
Không để dân bị đói, khát và sống trong cảnh "màn trời, chiếu đất"
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương các tỉnh đã nỗ lực trong thời gian vừa qua, các lực lượng chức năng vào cuộc, đặc biệt là lực lượng công an, quân đội, hội chữ thập đỏ hỗ trợ nhân dân phòng chống, khắc phục từng bước thiệt hại do mưa lũ. “Thay mặt Đảng và Nhà nước, tôi xin chia sẻ những khó khăn mất mát, chia buồn tới gia đình có người đã bị thiệt mạng. Chúng ta hãy đoàn kết và vượt qua khó khăn này”- Thủ tướng bày tỏ.
Thủ tướng chỉ đạo các địa phương, bộ ngành ứng phó kịp thời, không để người dân tiếp tục bị chết do thiên tai. “Chính quyền các địa phương tập trung cứu dân. Không để người dân nào bị đói, khát hay dịch bệnh lớn xảy ra. Các địa phương đặc biệt chú ý, nước rút đến đâu cần chỉ đạo làm tốt công tác dọn vệ sinh đến đó, tránh nguy cơ phát sinh dịch bệnh do mưa lũ”- Thủ tướng chỉ đạo.
Các thành viên Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai và các địa phương cần huy động lực lượng đoàn thanh niên nơi ít bị ảnh hưởng thiên tai hỗ trợ khu vực đang bị thiệt hại nặng hơn, với các công việc cụ thể như dựng lại nhà cho các hộ dân bị đổ sập, không để người dân nào trong tình trạng “màn trời, chiếu đất”.
Ở các địa phương, phải đảm bảo giao thông đi lại thuận tiện, an toàn, xử lý ngay các hạ tầng quan trọng bị hư hỏng. Đồng thời, các địa phương cần tập hợp thiệt hại gửi về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, sau đó báo cáo lên Chính phủ với những đề xuất cụ thể.
Các Bộ, ngành trung ương và địa phương với từng nhiệm vụ được phân công cụ thể cần khẩn trương xuống các địa phương bị thiệt hại mưa, lũ để có những hỗ trợ, chỉ đạo khắc phục kịp thời.
Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương cần làm tốt công tác truyền thông, tuyên dương những tấm gương người tốt, việc tốt hỗ trợ nhau trong mưa lũ. Trong lúc khó khăn do thiệt hại mưa lũ, các địa phương cần làm tốt công tác an ninh, hỗ trợ những gia đình bị thiệt hại, vận động cộng đồng nhân dân phát huy truyền thống tương thân tương ái để cùng chung tay giúp người dân vùng lũ khắc phục thiệt hại.
"Cần một gói ODA tái thiết các tỉnh miền Trung"
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ông Hồ Quốc Dũng cho biết mưa lũ đã khiến 11/11 địa phương trong tỉnh bị ngập. Đợt lũ khủng khiếp khiến toàn bộ hệ thống giao thông ngập trong mưa lũ, có nơi ngập nửa mét. Tỉnh đã huy động tổng lực, trong một tháng vừa qua dồn sức cho việc chống lũ. Hiện 14 hồ có nước chảy qua đập có nguy cơ bị vỡ.
Theo ông Dũng, trong đợt lũ vừa qua, nếu không có lực lượng công an, quân sự hỗ trợ thì thiệt hại về người là rất lớn. Tỉnh đã di dời hàng ngàn hộ dân, nước ngập tới nóc nhà dân. Tất cả lực lượng trên địa bàn đã sơ tán kịp thời dân.
“Tỉnh đã có 31 người chết, trong đó 5 người chưa tìm được thi thể. Nhiều nhà dân ngập rất sâu trong nước. Nhiều vùng chưa đi lại được. Hiện đang vận chuyển lương khô lên các vùng đang bị chia cắt, Bộ Quốc phòng đã cứu trợ khẩn cấp 5 tấn lương khô vì hiện không ăn được mì tôm nữa, và cũng không có nước sôi để nấu mì tôm, nhưng chúng tôi kiên quyết không để cho dân bị đói”- ông Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh.
Tỉnh Bình Định đã kiến nghị khẩn cấp: tiếp tục hỗ trợ khẩn cấp về lương thực, trước mắt là lương khô và nước uống để hỗ trợ cho bà con. “Các đợt trước như năm 2013, lũ lịch sử chỉ 1-2 ngày là xong nhưng 5 đợt lũ trong 1 tháng vừa qua, bà con không đi ra ngoài được nên rất khó khăn.
“Dịch bệnh sẽ tăng cao, vì vậy đề nghị Bộ Y tế cấp 1.000 cơ số thuốc cho người dân. 50.000 học sinh trong lũ không còn sách vở đi học, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo kịp thời hỗ trợ cho 50 ngàn học sinh các cấp để các em đi học, kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo miễn học phí cho con em vùng lũ, không có tiền đi học”- ông Dũng đề xuất.
“Thiệt hại về hạ tầng của Bình Định là rất lớn. Vì vậy đề nghị cần có giải pháp trước mắt và lâu dài để xử lý tình trạng thiên tai ở các địa phương miền Trung. Kiến nghị Thủ tướng dành một gói ODA tái thiết các tỉnh miền Trung vì môt vài trăm tỉ đồng không giải quyết được. Thiết tha đề nghị Thủ tướng giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, làm việc với các tỉnh bị thiên tai, rà soát lại các nguồn trung ương thu hồi, tỉnh không có nguồn lực để đầu tư”- ông Dũng đề xuất.
235 người chết, thiệt hại gần 40 ngàn tỉ đồng
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai, từ giữa tháng 10-2016 đến nay, mưa lũ đã làm 111 người chết và mất tích, 121 người bị thương; 316.719 nhà bị ngập, hư hại; 42.804 ha lúa, 4.703 ha mạ và 39.261 ha hoa màu bị ngập hư hại,... (đa phần các hộ dân trong vùng mưa lũ đã mất hoàn toàn cây trồng và diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt), tổng thiệt hại ước tính trên 8.573 tỉ đồng. Tính chung tổng thiệt hại do thiên tai gây ra từ đầu năm đến nay, đã có 235 người chết và mất tích, ước tính về kinh phí trên 37.650 tỉ đồng (tương đương 1,7 tỉ USD).
Riêng đợt mưa lũ từ ngày 12-12 đến ngày 16-12 đã làm 15 người chết, mất tích; 127 nhà bị sập đổ, tốc mái, hư hỏng; 111.851 nhà bị ngập nước; 10.059 ha lúa bị ngập, hư hại và nhiều thiệt hại về cơ sở hạ tầng, giao thông thủy lợi, Hiện các địa phương tiếp tục thống kê thiệt hại.
Về nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp, bước đầu các tỉnh đề xuất Chính phủ xem xét hỗ trợ khẩn cấp như sau: Về lương thực: 5.850 tấn gạo (Thừa Thiên-Huế 1.000 tấn, Quảng Ngãi 1.500 tấn, Bình Định 2.000 tấn, Phú Yên 1.100 tấn, Khánh Hòa 250 tấn) và 5 tấn lương khô (Bình Định). Về thuốc khử trùng, vệ sinh môi trường, phòng dịch cho người: 8 tấn Cloruamin B và một số chủng loại khác.
Về hỗ trợ giống cây trồng phục vụ sản xuất: 300 tấn lúa giống (Thừa Thiên-Huế 100 tấn, Ninh Thuận 200 tấn), 20 tấn ngô giống và 5 tấn rau, đậu các loại (Thừa Thiên- Huế) và 102 tỉ đồng kinh phí hỗ trợ lúa giống, hoa màu, cây trồng, vật nuôi và thủy sản.
Về kinh phí hỗ trợ khắc phục cấp bách về hạ tầng, giao thông, thủy lợi: 1.282 tỉ đồng.
Bình luận (0)