Sân bay Tân Sơn Nhất thường chật cứng vào cuối tuần - Ảnh: Gia Minh
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về vấn đề sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 12-6 vừa qua.
Theo đó, về mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chủ trì thuê tư vấn nước ngoài có đủ năng lực để khảo sát nghiên cứu đề xuất các phương án mở rộng cả về phía bắc (khu vực sân golf Tân Sơn Nhất) và phía Nam, nâng tổng công suất đạt khoảng 45 triệu khách/năm. Trên cơ sở đó đánh giá các phương án, trong đó có phương án trong nước đề xuất. Đề xuất phương án lựa chọn bảo đảm khách quan khoa học, trung thực, theo tiêu chí tuân thủ các quy định về hàng không, tiết kiệm phí đầu tư thời gian xây dựng nhanh, đáp ứng yêu cầu cấp bách giảm ùn tắc tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
Lưu ý việc kết nối đồng bộ hệ thống giao thông và hạ tầng liên quan trong và ngoài cảng hàng không với các hệ thống chính của TP HCM.
Sau khi tư vấn hoàn thiện các phương án Bộ GTVT chủ trì với các Bộ Xây dựng, Quốc phòng, Tài nguyên và Môi trường, UBND TP HCM và các bên lên quan thành lập hội đồng thẩm định, có ý kiến chính thức báo cáo Thường trực Chính phủ trước tháng 12-2017.
Về sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất, Thủ tướng giao Bộ quốc phòng chỉ đạo dừng hoạt động xây dựng các công trình liên quan, hạ tầng phụ trợ, sân golf như: khu biệt thự, chung cư, nhà hàng khách sạn, trường học.
Bộ Quốc phòng rà soát các vấn đề liên quan đến đầu tư, khai thác quản lý sân golf đặc biệt là sử dụng quỹ đất trong sân bay Tân Sơn Nhất; thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại văn bản 567 ngày 10-5-2007, đáp ứng yêu cầu bảo đảm quốc phòng an ninh, an toàn tuyệt đối cho hoạt động hàng không phát triển kinh tế xã hội.
Bộ GTVT khẩn trương chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng sân bay Long Thành. Khi sân bay này hoàn thành đưa vào sử dụng thì sân ban Tân Sơn Nhất vẫn hoạt động bình thường.
Theo Văn phòng Chính phủ, thời gian qua, ý kiến xã hội và đại biểu Quốc hội phản ánh nhiều về sân golf trong khu vực Tân Sơn Nhất, gây khó khăn trong việc mở rộng sân bay nhằm giảm ùn tắc giao thông vận tải hàng không. Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM cũng phản ánh ý kiến xem xét việc trả lại sân golf để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất; thư của Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân.
Trước đó, vào tháng 2-2017, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp rà soát các phương án điều chỉnh quy hoạch, mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất. Tại đây, đơn vị tư vấn là Công ty Thiết kế và Tư vấn xây dựng công trình hàng không (ADCC - Bộ Quốc phòng) đã trình bày chi tiết 7 phương án, được chia thành 3 nhóm.
Nhóm đầu tiên là xây mới đường cất hạ cánh số 3 ở phía bắc sân golf, cách đường cất hạ cánh 25R/07L 1.800 m, xây dựng hai nhà ga mới và các công trình phụ trợ nằm trên đất sân golf. Phương án này có tổng mức đầu tư hơn 200.000 tỉ đồng, thời gian xây dựng trên 15 năm, giải phóng 626 hecta, trong đó có khu quân sự, sân golf và 322 hecta đất dân cư với khoảng 140 nghìn hộ dân.
Nhóm thứ hai gồm 3 phương án xây dựng đường cất hạ cánh số 3, nhà ga hành khách T4 ở phía bắc, nhà ga T3 ở phía nam. Phương án có tổng mức đầu tư thấp nhất là 100.000 tỉ đồng, cao nhất là 187.000 tỉ đồng. Thời gian xây dựng từ 10 đến trên 15 năm.
Nhóm phương án thứ 3 gồm 3 phương án, không xây mới đường cất hạ cánh, chỉ xây mới các nhà ga, sân đỗ, khu kỹ thuật ở phía bắc, phía nam và cả hai phía bắc, nam của sân bay.
Tại các cuộc họp trước đó, phương án được cân nhắc lựa chọn là xây dựng đường lăn song song và các đường lăn nối giữa đường cất hạ cánh 25L/07R và 25L/07L; xây dựng nhà ga T3 và T4 mỗi nhà ga có công suất 10 triệu hành khách/năm; xây dựng khu bãi đỗ và bảo dưỡng kỹ thuật phía Bắc. Phương án này sẽ nâng tổng công suất của sân bay Tân Sơn Nhất lên 43-45 triệu hành khách/năm trong khi chỉ phải giải phóng mặt bằng 24.52 ha đất quân sự để xây dựng nhà ga, không cần giải toả đất dân sự. Tổng mức đầu tư theo phương án này khoảng 19.350 tỉ đồng, thời gian xây dựng hoàn thành trong 2-3 năm.
Phương án 3B -Ảnh: Xuân Tuyến
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng phương án 3 là phù hợp, bảo đảm nhu cầu của người dân, thực hiện đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là phải nhanh chóng giải toả ùn tắc; có tổng mức đầu tư rẻ nhất, có thể xã hội hoá đầu tư ở mức cao nhất, ít sử dụng vốn nhà nước nhất. Bên cạnh đó, phải bảo đảm an toàn, chất lượng, tăng tính an toàn cho hoạt động của sân bay, cho hành khách, phương tiện.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT tiến hành phân định rõ từng hạng mục để tổ chức lập dự án. Với các hạng mục bên trong sân bay, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Quốc phòng chỉ đạo các đơn vị theo chức năng tổ chức lập dự án, dự kiến giao chủ đầu tư. Các nhà ga hành khách T3, T4, sân đỗ ô tô, các công trình phụ trợ khác giao chủ đầu tư là doanh nghiệp, chủ yếu sử dụng vốn xã hội hoá. Các dự án giao thông kết nối, thoát nước ngoài sân bay... do UBND TP HCM thực hiện.
Bình luận (0)