Tàu hút cát ngày 3-3 - Ảnh: Thanh Tâm
Chiều nay 16-3, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đề nghị của UBND tỉnh Bắc Ninh tiếp tục tạm dừng triển khai thực hiện dự án nạo vét, khơi thông luồng đường thủy nội địa, kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: "Bộ Công an khẩn trương điều tra, xác minh làm rõ việc các đối tượng đứng sau "bảo kê", đe dọa cán bộ, lãnh đạo sở, ngành và Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3-2017. Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/3/2017 về việc thực hiện dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa quốc gia kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu".
Trước đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hữu Thành vừa có văn bản số 55/UBND-NN.TN gửi Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng GTVT đề nghị tiếp tục tạm dừng triển khai thực hiện dự án nạo vét, khơi thông luồng đường thủy nội địa, kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu.
Đáng chú ý, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ: “Chỉ đạo Bộ Công an vào cuộc điều tra nguyên nhân sự việc, điều tra các cá nhân từ trung ương đến địa phương đứng sau bảo kê, đe dọa cán bộ chuyên môn, lãnh đạo sở, ngành và doạ chủ tịch tỉnh Bắc Ninh làm sự việc ngày càng trở nên nghiêm trọng”.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Báo Người Lao Động, hình thức đe doạ là nhắn tin hoặc gọi điện với nội dung chủ yếu đề cập tới chuyện phải để cho dự án trên sông Cầu tiếp tục được thực hiện. Lo ngại về sự an toàn cho các cá nhân, an ninh trên địa bàn, Công an tỉnh Bắc Ninh thậm chí còn phải triển khai cả lực lượng để bảo vệ những cán bộ bị nhắn tin.
Nguyên nhân bắt nguồn từ năm 2014, Cục Đường thuỷ nội địa - Bộ GTVT đã cấp phép cho dự án nạo vét duy tu luồng ĐTNĐ quốc gia kết hợp với tận thu sản phẩm trên sông Cầu do Công ty CP Trục vớt luồng hạ lưu thực hiện.
Đáng lưu ý, dự án này được Bộ GTVT cấp phép trên sông Cầu, đoạn chảy dọc 2 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh. Tuy nhiên, dự án này chỉ được Bắc Giang đồng ý cho thực hiện, còn Bắc Ninh phản đối. Các tàu nạo vét ở phía bên sông thuộc địa phận Bắc Giang nhưng cùng một dòng sông nên Bắc Ninh ảnh hưởng nặng nề.
Ông Nguyễn Huy Tân, chuyên viên Nông nghiệp-Môi trường thuộc UBND tỉnh Bắc Ninh, phản ánh: Các tàu này có phương thức hút bằng vòi, dưới đáy sông. Họ ở giữa dòng sông, hút ở Bắc Giang thì cát ở Bắc Ninh dồn sang tạo ra những hố sâu lớn trong lòng sông, cát trôi về và có nguy cơ sụt bờ đê Bắc Ninh. "Những gì nạo vét lên không có bùn, sỏi đá, chủ yếu trên tàu là cát. Đây là nạo vét cát trá hình”- ông Nguyễn Huy Tân khẳng định.
Do ảnh hưởng của dự án tới đê điều dọc tuyến sông Cầu, nhiều lần tỉnh Bắc Ninh đã kiến nghị Bộ GTVT cho dừng dự án lại song đều rơi vào im lặng.
Trong quá trình thực hiện dự án đã xảy ra tình trạng hút cát trái phép, dẫn đến việc ngày 1-3-2016, tại vị trí tương ứng K74+400-K74+500 đê hữu Cầu, bờ bãi sông đã bị sạt lở đứng thành với chiều dài 50 m, ăn sâu vào bãi từ 5 đến 10 m. Để khắc phục hậu quả xảy ra, UBND tỉnh Bắc Ninh đã phải bố trí hơn 30 tỉ đồng khắc phục.
Dù UBND tỉnh Bắc Ninh đã liên tiếp kiến nghị tạm dừng triển khai thực hiện dự án nạo vét, khơi thông luồng đường thủy nội địa, kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu nhưng mới đây, Bộ GTVT lại có văn bản số 1689/BGTVT-KCHT ngày 22-02-2017 do Thứ trưởng Nguyễn Nhật ký và Cục đường thủy nội địa Việt Nam có công văn số 266/CĐTNĐ-KHĐT ngày 01-3-2017 về việc thực hiện dự án trên.
Tại công văn gửi UBND tỉnh Bắc Ninh và UBND tỉnh Bắc Giang ký ngày 22-2-2017, ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT, tiếp tục đề nghị 2 tỉnh tạo điều kiện hỗ trợ, hướng dẫn nhà đầu tư để tiếp tục thi công công trình này.
Bình luận (0)