Việc quản lý không rõ ràng dẫn đến sự nhập nhèm giữa lương y và lang băm “đồn thổi”.
“Thần y” 4 lần... bị phạt
Cách đây chưa lâu, thông tin lương y Nguyễn Bá Nho (tức thầy lang Nho ở huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) chữa khỏi ung thư gan giai đoạn cuối cho một vị giáo sư uy tín đã gây xôn xao dư luận. Rất nhiều người theo lời quảng cáo đã tìm đến “thần y” này với tư tưởng “có bệnh thì vái tứ phương”.
Sự thật ông Nho có chữa được bệnh ung thư quái ác? Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, khẳng định việc bốc thuốc, chữa bệnh của ông Nho chưa được cấp giấy chứng nhận hành nghề. Ông Nho cũng 4 lần bị đình chỉ hành nghề bốc thuốc vì không có giấy phép kinh doanh.
Theo một bác sĩ chuyên ngành ung bướu, dù không phủ nhận hiệu quả của những bài thuốc đông y trong chữa bệnh, cứu người nhưng cho đến nay, trên thế giới chưa ai dám tuyên bố chữa khỏi hoàn toàn bệnh ung thư. “Tây y chỉ xác định bệnh ung thư khi phát hiện tế bào ung thư. Còn với các thầy lang vườn, đắp lá chữa khỏi vết sưng do áp xe da, phổi, các tổn thương gây vỡ mủ… cũng tự loan tin có thể chữa khỏi ung thư, đánh lừa người bệnh để trục lợi” - bác sĩ này cảnh báo.
PGS-TS Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện K (Hà Nội), cho rằng các thầy lang dễ hành nghề xuất phát từ sự thiếu hiểu biết của người bệnh. Đáng nói là nhiều người khi phát hiện khối u nhỏ, không đến bệnh viện để chẩn đoán mà tìm đến thầy lang bốc thuốc. “Sở dĩ có người khỏi vì khối u may mắn không phải là ác tính, còn đại đa số những người ung thư thì bệnh diễn tiến nặng lên và chỉ còn cách đến bệnh viện” - PGS Thuấn nhấn mạnh.
Vàng thau lẫn lộn
Trước thực trạng loạn phòng khám đông y, không biết đâu là lương y thật hay dỏm, thầy thuốc nhân dân - bác sĩ Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, cho rằng do có quá ít lương y được cấp chứng chỉ hành nghề.
Hiện cả nước có khoảng 70.000 hội viên là lương y nhưng tỉ lệ được cấp phép hành nghề rất thấp. Năm 2011, Bộ Y tế ra quy định về cấp chứng chỉ hành nghề đông y nhưng chỉ áp dụng đối với bác sĩ của các trường y học cổ truyền.
“Chúng tôi đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế ban hành thông tư chuẩn hóa về tiêu chuẩn cấp chứng chỉ hành nghề cho lương y cũng như cho phép những lương y hoàn thành 2 năm học tại Hội Đông y được cấp phép hành nghề nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Hậu quả là nhiều lương y không được cấp phép vẫn hoạt động, cả những người không có trình độ chuyên môn cũng tự nhận mình là lương y” - bác sĩ Hướng lo ngại.
Chính vì thiếu hành lang pháp lý nên dẫn đến sự nhập nhèm giữa lương y và lang băm. Những bài thuốc gia truyền không được kiểm chứng về chất lượng nhưng qua đồn thổi, quảng cáo không đúng sự thật lại có đất sống. Có người sau khi bỏ quê đi biệt tích mấy năm, bỗng một ngày trở về dựng biển “nhà thuốc lương y” to đùng và khẳng định với mọi người có thể chữa được tất cả bệnh nan y! Có thầy lang sau khi gây sự cố chết người, bị cơ quan chức năng kiểm tra và phát hiện tự chữa bệnh trái phép đã bị lập biên bản xử lý nhưng hậu quả thì không thể khắc phục.
Ông Nguyễn Việt Cường cho biết hiện nay, việc kiểm tra phòng khám đông, tây y trên địa bàn Hà Nội được phân cấp cho phòng y tế quận, huyện. Thế nhưng thực tế, nhiều lang băm vẫn lén lút hoạt động, cơ quan chức năng không thể kiểm soát nổi. Chỉ tới khi có hậu quả xảy ra, lực lượng chức năng mới… vào cuộc xử lý.
Tiền mất tật mang
Bác sĩ Nguyễn Xuân Hướng cho biết trước đây từng rộ lên chuyện một con buôn ở Bắc Ninh bỗng chốc trở thành lương y có tài chữa vô sinh và sinh con theo ý muốn nhờ học lỏm được một bài thuốc gia truyền. Theo bác sĩ Hướng, không chỉ tiền mất mà nhiều người còn mang thêm tật vì uống phải những bài thuốc không rõ nguồn gốc như thế.
PGS-TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai), cho hay bệnh viện thường xuyên tiếp nhận những bệnh nhân bị dị ứng nặng, tổn thương gan, thận sau một thời gian dài đắp lá, uống thuốc lá của thầy lang. “Người dân cần hết sức thận trọng với tin đồn thổi chữa khỏi bệnh nan y mà ngay cả y học hiện đại cũng bó tay” - ông Đoàn khuyến cáo.
Bình luận (0)