“Dư luận râm ran có tình trạng “chạy” chức, “chạy” quyền hay đó là sự thật? Vì sao người ta cứ “chạy” và “chạy” được? Đây là câu hỏi rất lớn mà nhiệm kỳ qua cử tri cả nước thắc mắc nhưng chưa có lời đáp”- ĐB Đương đặt câu hỏi.
Cũng theo ĐB Đỗ Văn Đương, “chạy chức không chỉ tạo ra bất công lớn mà còn đẻ ra tham nhũng, mua bán xong rồi thì phải đi vơ vét mới đủ bù chi phí để bỏ ra”.
Được nghe người đại diện của mình thẳng thắn nêu thực trạng như thế, cử tri cảm thấy hài lòng. Cũng phần vì trước nay, ít có ĐB “nói toạc móng heo” những chuyện được cho là nhạy cảm, lại có không nhiều cơ hội để ĐB bày tỏ quan điểm.
Nhưng kỳ thực, hài lòng - xét trong hoàn cảnh này - là diễn biến tâm lý tự nhiên của con người mà thôi chứ người dân không mong chỉ có vậy. Cử tri muốn cơ quan ĐB cao nhất của nhân dân và là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất làm nhiều hơn nói. Là những ĐB Quốc hội, được quyền giám sát tối cao hoạt động của nhà nước, vậy thì hãy nêu chi tiết thực trạng, vạch rõ ra và kiến nghị hướng giải quyết cụ thể chứ đừng nghi vấn kiểu “dư luận râm ran có tình trạng…” Nói chung chung như vậy, rất nhiều người nói được, đâu cần ĐB dân cử. Thực tế về “chạy” chức, “chạy” quyền ra sao, ai cũng biết rồi. Khi nào cử tri còn “chau mày” trong khi cơ quan thực hiện vai trò giám sát vẫn còn đặt ra hàng loạt câu hỏi (như trên), khi đó chưa thể ngăn chặn được nạn “chạy” chức, “chạy” quyền.
Trước đó, hôm 26-3, phát biểu chỉ đạo hội nghị toàn quốc ngành tổ chức xây dựng Đảng năm 2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng hiện nay dư luận xã hội vẫn râm ran chuyện “chạy” chức, “chạy” quyền, “chạy” tuổi, “chạy” bằng cấp... “Bây giờ người ta đang nói chạy cả... luân chuyển. Cán bộ luân chuyển được một vài năm lại nhấp nhổm chạy về” - theo Tổng Bí thư.
Các hình thức “chạy” mà người lãnh đạo cao nhất của Đảng chỉ ra còn ít, thực tế nhiều hơn vậy. Những người làm báo chúng tôi đã từng thực hiện nhiều loạt bài về các dạng chạy trong xã hội ta, qua đó đúc kết bi hài rằng cả cuộc đời con người từ khi sinh ra đến lúc mất đi gắn liền với chuyện “chạy”: Vào bệnh viện phụ sản, vào bác sĩ để được chăm sóc tốt. Ít hôm sau, làm giấy khai sinh, có trường hợp trục trặc phải “chạy” chỗ ông “quan” phường - xã. Đi học thì “chạy” trường. Ra trường thì “chạy” xin việc. Đi làm, lắm người phải “chạy” để có ghế tốt, lương cao. Và thậm chí khi qua đời, lại phải “chạy cò” nhà xác…
Thực tế ấy, ai cũng biết cả và dường như chấp nhận sống chung. Cự tuyệt nó thì không được việc cho mình, có khi bị cho là lập dị.
Vì thế, đừng khoanh vùng “chạy” chức, “chạy” quyền ở diện nghi vấn nữa mà nên thừa nhận nó đã là thực trạng nhức nhối. Phải xác định có bệnh, chẩn đúng bệnh rồi thì mới tìm ra phương thang chữa trị, dù muộn còn hơn không.
Bình luận (0)