Theo nguồn tin của Báo Người Lao Động, trong cuộc họp, đại diện cho người lao động là Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam vẫn giữ nguyên mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 là 16,8%. Còn đại diện cho người sử dụng lao động là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vẫn không thay đổi mức đề xuất tăng là 10%.
Cuộc họp kín sáng nay của Hội đồng tiền lương Quốc gia bắt đầu lúc 8 giờ 30. Không bên nào trả lời báo chí trước cuộc họp.
Ở bên ngoài phòng phòng họp, các phóng viên theo dõi cuộc họp có thể nghe thấy những tiếng tranh luận rất to và căng thẳng của các thành viên dự họp.
10 giờ 40 phút, cuộc họp giải lao. Vẫn chưa có kết quả tiến triển nào được đưa ra. Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia Phạm Minh Huân vội vã rời khỏi phòng họp để nghỉ giải lao mà không trả lời báo chí.
Cán bộ Tổng LĐLĐ Việt Nam - Đại diện cho người lao động - tại phiên họp lần thứ 3 của Hội đồng Tiền lương quốc gia sáng 3-9
Trả lời Báo Người Lao Động trong giờ giải lao, ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, thành viên Hội đồng tiền lương Quốc gia, cho biết trong cuộc họp, Tổng LĐLĐ Việt Nam vẫn đề xuất mức tăng 16,8%, tương đương với số tiền tăng từ 350.000 - 550.000 đồng. “Tuy nhiên nếu cuộc đàm phán không thể tìm được tiếng nói chung, Tổng LĐLĐ Việt Nam có thể hội ý để chấp nhận mức tăng lương bằng với mức tăng của năm 2015, từ 350.000 - 450.000 đồng. Đây là mức thấp nhất mà chúng tôi có thể chấp nhận” - ông Chính nói.
Theo ông Chính, nếu tăng với mức 16,8% như kỳ vọng của Tổng LĐLĐ Việt Nam, lương tối thiểu vùng năm 2016 sẽ đáp ứng được khoảng 89% đời sống tối thiểu của người lao động.
Trao đổi với báo chí, PGS-TS Vũ Quang Thọ, Ủy viên Hội đồng tiền lương quốc gia, Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn, cho biết do chưa chốt được để con số thống nhất để có thể đưa ra bỏ phiếu nên Chủ tịch hội đồng tiền lương cho nghỉ giải lao để các bên tự hội ý để thống nhất quan điểm có thể bên nâng lên, bên hạ xuống.
"Cuộc thảo luận đàm phán này cực kỳ khó khăn, thể hiện tính dân chủ trong tất cả các việc, đặc biệt là lĩnh vực nhạy cảm nhất và liên quan thiết thực đến đời sống công nhân lao động" - ông Thọ cho biết.
Trả lời câu hỏi nếu đại diện doanh nghiệp không đồng ý mức 14% thì sẽ thế nào, PGS-TS Vũ Quang Thọ cho biết Chủ tịch Hội đồng sẽ đưa ra ý kiến cuối cùng để lựa chọn để bỏ phiếu, theo dự đoán cá nhân ông là khoảng hơn 14% (khoảng 14,7%)
"Chúng tôi vẫn kiên trì đề xuất mức tăng phải cao hơn năm ngoái. Bởi vì năm nay kinh tế tăng hơn năm ngoái, thì đời sống người lao động phải tăng. Mọi người cứ bám vào năng suất nhưng hiện nay nhu cầu sống tối thiểu của công nhân lao động và mức lương tối thiểu vẫn thấp hơn nhu cầu sống tối thiểu. Như thế thì con người dặt dẹo thì làm sao đòi hỏi được năng suất, kỷ cương,…" - Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn nhấn mạnh
Cuộc họp của Hội đồng tiền lương Quốc gia vẫn đang diễn ra. Phiên họp hôm nay là phiên thứ 3, cũng là phiên họp cuối cùng. Nếu Tổng LĐLĐ Việt Nam và VCCI thương lượng không đạt kết quả, Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia Phạm Minh Huân sẽ quyết định mức đề xuất tăng lương để trình Chính phủ trong tháng 10 tới đây.
Bình luận (0)