Đó là kiến nghị của Cơ quan Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) tại bản kiến nghị các vấn đề liên quan đến 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A gửi Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ và 9 cơ quan chức năng vào sáng 14-9. Theo VRN, cần có quá trình đánh giá lại một cách toàn diện các tác động của dự án và trong thời gian này nên dừng các hoạt động cấp phép đầu tư xây dựng...
Đe dọa “lá chắn” hạ nguồn
Trong bối cảnh đó, bản kiến nghị bày tỏ lo ngại về việc 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A sẽ góp phần tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên và kinh tế - xã hội đối với các địa phương thuộc lưu vực sông Đồng Nai. Đập thủy điện xây dựng trên vùng lõi Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên và rừng phòng hộ Nam Cát Tiên vì thế sẽ tác động đến đa dạng sinh học và tài nguyên sinh vật của VQG cũng như tác động đối với nguồn sinh kế, sức khỏe và văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc tại chỗ vốn sinh sống từ hàng trăm năm qua trong các khu rừng vùng đệm VQG Cát Tiên, hay vùng lân cận ven sông Đồng Nai và hạ lưu của công trình.
Thế nhưng, báo cáo đánh giá tác động môi trường của 2 dự án đã trình lên các cơ quan có thẩm quyền còn quá sơ sài, bỏ qua nhiều vấn đề môi trường quan trọng. Do vậy, nó chưa đầy đủ, chưa thuyết phục cũng như chưa lường hết các rủi ro và sai lầm tiềm ẩn.
Nên lập hội đồng tư vấn quốc gia
Chính vì vậy, các nhà khoa học kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền nên yêu cầu chủ đầu tư (Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai-PV) tiến hành đánh giá lại toàn diện những tác động môi trường, xã hội của 2 dự án thủy điện này. Đồng thời, VRN cũng kiến nghị xây dựng và hoàn thiện chương trình quản lý môi trường với các giải pháp giảm thiểu hợp lý, khả thi, cụ thể và cần công khai rộng rãi. Trong thời gian này, VRN kiến nghị dừng lại các hoạt động cấp phép đầu tư xây dựng cho 2 dự án này và chỉ xem xét cho phép tiếp tục triển khai hay không sau khi có kết quả thực hiện các yêu cầu nêu trên.
Cũng theo VRN, cần thành lập hội đồng tư vấn quốc gia để thực hiện giám sát và đánh giá tính khả thi của 2 dự án thủy điện này với sự tham gia của các nhà khoa học có kinh nghiệm thực tiễn về khu vực này. Bà Ngụy Thị Khanh, Trưởng Ban Điều hành VRN, cho rằng bản kiến nghị là sự tiếp nối các nỗ lực nghiên cứu, đánh giá trên thực tiễn, hội thảo khoa học và quá trình tham vấn với các bên liên quan về 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A do VRN và các nhà chuyên môn tiến hành. Do đó, song song với bản kiến nghị, VRN cũng gửi kèm toàn bộ tài liệu liên quan trong quá trình thực hiện đến các cơ quan chức năng.
5 vấn đề cần nghiên cứu bổ sung Sự phát triển ồ ạt các công trình thủy điện trên lưu vực sông Đồng Nai trong những năm qua đã và đang đặt tài nguyên nước nói riêng và đa dạng sinh học của các vùng đầu nguồn sông Đồng Nai nói chung trong tình trạng báo động. Đó cũng là lý do tại bản kiến nghị, VRN lưu ý nên nghiên cứu bổ sung 5 vấn đề liên quan đến dự án. Đó là: Thứ nhất, tính pháp lý của hai dự án. Thứ hai, mức độ và quy mô ảnh hưởng của 2 dự án đến lưu vực sông, tác động tổng hợp của các nhà máy thủy điện cả vùng đầu nguồn và hạ nguồn. Thứ ba, ảnh hưởng đối với đa dạng sinh học của VQG Cát Tiên: Cần quan tâm đến các loài quý hiếm, các hệ sinh thái đặc trưng cũng như các khu đất ngập nước nguyên sinh vùng ven sông và trong khu vực lòng hồ dự kiến cũng như các ảnh hưởng đến VQG nói chung. Thứ tư, tác động tới canh tác nông nghiệp ở những cánh đồng lúa quan trọng nằm ngay vùng sản xuất nông nghiệp dưới đập (trong trường hợp của các huyện Cát Tiên, Bù Đăng, Tân Phú, Vĩnh Cửu…). Thứ năm, ảnh hưởng về môi trường xã hội đối với cộng đồng dân cư, nhất là người bản địa (Châu Mạ, S’tiêng, M’Nông), về kinh tế, văn hóa và sức khỏe của cộng đồng. |
Bình luận (0)