xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thủy điện gây họa lâu dài

Bài và ảnh: BÍCH VÂN

Mất nguồn sinh kế, thiếu nước, thất nghiệp... là những hậu quả nặng nề mà thủy điện đang được xây dựng ngày càng dày đặc gây ra cho người dân vùng hạ lưu và lân cận

Ngày 6-12, tại TP Đà Nẵng, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển xã hội phối hợp với Mạng lưới sông ngòi Việt Nam và Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật TP Đà Nẵng tổ chức hội nghị đối thoại vì sự phát triển thủy điện bền vững khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Gây thiệt hại hàng chục năm

Báo cáo của Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho biết Việt Nam là một trong 14 quốc gia có tiềm năng lớn về thủy điện, với hơn 2.372 sông, suối lớn nhỏ có dòng chảy liên tục và dài hơn 10 km. Đến năm 2015, cả nước đã khai thác trên 80% tiềm năng kinh tế thủy điện.


Người dân ở xã Đại Hồng (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) phản ánh và minh chứng bằng hình ảnh về những thiệt hại của thủy điện gây ra tại hội nghị ngày 6-12

Người dân ở xã Đại Hồng (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) phản ánh và minh chứng bằng hình ảnh về những thiệt hại của thủy điện gây ra tại hội nghị ngày 6-12

Ông Đặng Ngọc Quang, cố vấn Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, cho rằng hằng năm miền Trung luôn bị thiệt hại nặng nề bởi phải hứng chịu các trận lũ lụt kéo dài. Điển hình như năm nay đã xảy ra rất nhiều đợt lũ lớn khiến người dân lao đao. “Người dân chịu lũ lụt như vậy có phải hoàn toàn do trời hay không? Lũ kéo dài ngày khiến những tiến bộ của chúng ta quay trở về trạng thái ban đầu. Như vậy đã đủ thấy hệ quả của thủy điện” - ông Quang nhấn mạnh.

Theo ông Quang, thủy điện đã lấy đi một diện tích rừng rất lớn và cũng vì đó lũ lụt ngày càng tăng. Sự ảnh hưởng của thủy điện không phải ngay tức thì mà kéo dài 10 năm, 20 năm và dai dẳng. Các nhà đầu tư, trong quá trình đánh giá tác động môi trường đã bỏ sót hay cố tình lãng quên trách nhiệm đối với người dân. “Những người dân ở hạ lưu, đặc biệt là người nghèo, bị mất nguồn nước vào mùa nắng, ảnh hưởng đến tưới tiêu trồng trọt. Sông suối cạn kiệt, cá tôm không còn khiến hàng ngàn hộ dân mất sinh kế” - ông Quang chỉ rõ.

Nhiều người dân tham dự hội nghị cho biết không thể kể hết những mất mát mà các dự án thủy điện gây ra cho họ. Cụ thể, người dân thuộc xã Đại Hồng (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) thuộc vùng trung lưu sông Vu Gia chịu ảnh hưởng nặng nề của 2 hồ thủy điện Đắc Mi và A Vương. “Từ khi thủy điện chặn dòng, sông Vu Gia cạn nước. Xóm vạn đò không còn vì dòng sông trơ đáy, mùa cá tôm cũng mất, người dân đánh cá chừ thất nghiệp” - ông Nguyễn Khánh Tâm Anh, một người dân ngụ xã Đại Hồng, nói.

Chủ đầu tư đổ thừa... El Nino

Phản ứng lại với những ý kiến trên, ông Lê Đình Bản, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện A Vương, cho rằng những nghiên cứu về thủy điện tại hội nghị chỉ đơn thuần về mặt xã hội mà không tính đến các điều kiện tự nhiên.

Theo ông Bản, từ năm 2014-2016 là thời điểm toàn miền Trung chịu ảnh hưởng nặng nề bởi hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu. “Chúng tôi cũng chịu ảnh hưởng của El Nino, không có nước nên việc xả nước xuống hạ du cũng hạn chế. Trong năm 2016, chúng tôi nghỉ phát điện trong 3 tháng để xả nước về hạ du theo yêu cầu của tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng” - ông Bản phân bua.

Các chuyên gia tham dự hội nghị thì cho rằng El Nino chỉ tác động một phần nên không thể cho đây là nguyên nhân chính thay cho các tác động của thủy điện. TS Quách Thị Xuân, cán bộ Trung tâm Tư vấn phát triển bền vững thuộc Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng, cho rằng nguyên nhân gây thiếu nước ở hạ du vào mùa nắng, lũ lụt vào mùa mưa chính là do thủy điện phá rừng đầu nguồn, không còn khả năng giữ nước.

“Thủy điện phá rừng rất lớn nhưng trồng lại không đáng kể. Khi phát triển thủy điện cần xem xét mối quan hệ tổng thể giữa con người và tự nhiên. Vấn đề không phải nhà đầu tư tuân thủ hay không tuân thủ quy trình mà phải xem cái quy trình các anh tuân thủ có hợp lý hay không để người dân vùng có thủy điện không phải sống bấp bênh” - ông Huỳnh Phước, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật TP Đà Nẵng, phân tích.

20 người chết và mất tích do mưa lũ

Trưa 6-12, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã có công điện khẩn gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định có biện pháp ứng phó với tình hình mưa lũ đang diễn ra.

Do mưa lớn kéo dài, nước lên nhanh, hầu hết các hồ chứa trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đồng loạt xả lũ trên diện rộng khiến nhiều nơi bị ngập nặng. Thủy điện Đắkđrinh và các hồ chứa như Diên Trường (huyện Đức Phổ), Núi Ngang (huyện Ba Tơ), Nước Trong (huyện Sơn Hà)... cũng xả nước điều tiết. Ông Phạm Vinh, Chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh (tỉnh Quảng Ngãi), cho biết hiện mực nước ở các sông trên địa bàn huyện đang tiếp tục lên nhanh, chia cắt nhiều khu dân cư. Các trường học ở TP Quảng Ngãi, huyện Đức Phổ, Mộ Đức, Sơn Hà, Sơn Tây... đồng loạt cho học sinh nghỉ học tránh lũ.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, đến chiều 6-12, mực nước lũ trên các sông ở địa phương tiếp tục lên và dao động ở mức báo động 2-3. Tình hình mưa lũ đã khiến một số địa phương và nhiều tuyến đường trong tỉnh tiếp tục bị ngập và chia cắt trở lại. Đặc biệt vùng rốn lũ huyện Tuy Phước có nhiều nơi bị cô lập. Trong ngày đã có 1 người bị nước cuốn trôi tử vong, nâng số người chết do mưa lũ trong đợt này lên 8 người. Còn tỉnh Quảng Nam, đến nay đã có 5 học sinh chết và 1 người mất tích do mưa lũ. Tại tỉnh Quảng Ngãi, mưa lũ trong những ngày qua đã làm chết 6 người.

Cùng ngày, một trận lũ quét kèm theo mưa lớn đã đánh sập một nhịp cầu Vĩnh Hy, thuộc xã Vĩnh Hải (huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận). Khoảng 600 hộ dân địa phương bị cô lập.

Nhóm phóng viên

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo