Vườn rau của bà Duyên gói gọn trong căn phòng 16 m2, nằm ở con hẻm nhỏ trên đường Lý Văn Lâm, phường 1, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau. Nơi đây đã thành địa chỉ quen thuộc của các nhà hàng, siêu thị và những người ưa món rau mầm.
Vườn rau từ phòng game
Căn phòng nhỏ với hàng chục chiếc khay chất thành nhiều tầng xanh um của nhiều loại rau vừa nảy mầm, xua tan không khí nóng bức nơi phố thị sầm uất.
Bà Duyên nhớ lại: “Trong một lần tham gia đoàn xe đạp vượt Trường Sơn về thăm Lăng Bác do Hội Người cao tuổi tỉnh Cà Mau tổ chức, chúng tôi ghé qua một quán ăn ở Kon Tum. Trong quán trồng rất nhiều loại rau mầm để chế biến món ăn cho khách. Thấy món gỏi rau mầm rất bắt mắt, ăn ngon miệng nên tôi tranh thủ tìm hiểu quy trình kỹ thuật trồng và cách trồng được rau trong gia đình”.
Về tới Cà Mau, bà Duyên bắt tay vào làm thử nhưng nhiều tháng trời cứ hết trồng rồi lại bỏ. “Chồng con tôi thấy vậy khuyên bỏ đi, nhà có túng thiếu gì đâu mà phải cực thân như vậy. Nhưng càng thất bại thì tôi lại càng quyết tâm làm cho bằng được. Tôi lên mạng tìm hiểu đặc thù của rau mầm, tìm hiểu nhiều tài liệu về quy trình kỹ thuật trồng ở nhiều vùng miền khác nhau và cuối cùng cũng tìm ra được giải pháp sau 6 tháng liên tục thất bại” - bà Duyên hồi tưởng.
Trồng được rau mầm rồi, bà Duyên lại phải đối mặt với một vấn đề còn khó khăn hơn: Đầu ra của sản phẩm. Mất thêm 6 tháng nữa, bà chỉ trồng rau mầm để gia đình ăn và biếu tặng bà con lối xóm, thậm chí còn cho cả người đi đường. “Mỗi dịp đi dự đám tiệc, đám giỗ, tôi đều mang theo cả chục ký rau mầm biếu cho gia chủ để chế biến thêm các món gỏi, xào, rau nhúng lẩu… Chính việc “cho không biếu không” ấy lại vô tình trở thành cách tiếp thị sản phẩm hiệu quả bất ngờ” - bà kể.
Dần dần, tiếng lành đồn xa, nhiều người tìm đến nhà bà Duyên, trước là xin, sau đó hỏi mua rau mầm về ăn. Rồi nhiều gia đình có đám tiệc cũng tìm đến đặt mua rau số lượng lớn… Cảm nhận được nhu cầu của thị trường, bà Duyên bàn với chồng con dẹp bỏ hẳn phòng game để dành chỗ trồng rau mầm. Ý tưởng của bà lúc này được người nhà ủng hộ tuyệt đối.
“Lúc tôi dẹp phòng game để trồng rau, nhiều người nghĩ chắc tôi có vấn đề vì thời điểm đó, dịch vụ game online đang ăn nên làm ra. Song, chồng con tôi thì rất đồng tình. Bởi lẽ, vợ chồng tôi đã già, cần một không gian thoải mái để vừa lao động vừa thư giãn. Làm phòng game có thu nhập ổn định nhưng ồn ào và phức tạp lắm” - bà lý giải.
Có thêm không gian là căn phòng 16 m2, bà Duyên bắt đầu tăng sản lượng từ vài ký lên vài chục ký mỗi ngày. Sau đó, bà mang rau mầm đi chào hàng ở các quán ăn, nhà hàng và ký gửi cho các chợ rau củ tại TP Cà Mau. Sản phẩm rau mầm của bà dần được người tiêu dùng ở Cà Mau ưa chuộng với tên gọi gần gũi: “Rau mầm bà Năm”. Tháng 5-2013, “Rau mầm bà Năm” chính thức được đặt trên kệ của hệ thống siêu thị Co.opmart.
Không chỉ là lợi nhuận
Trước khi đưa rau mầm vào siêu thị, bà Duyên cùng người con trai mất mấy ngày đêm để chọn tên thương hiệu cho cơ sở của mình. “Cuối cùng, con tôi nói má thứ năm, hay là lấy tên “Rau bà Năm” đi! Nghe cái tên rất gần gũi, dân dã, đậm chất Nam Bộ nên vợ chồng tôi đồng ý liền”- bà Duyên kể.
Thương hiệu “Rau mầm bà Năm” ra đời từ đó. Con trai bà lập hẳn một trang web với tên miền rauba5.net chuyên cung cấp thông tin về sản phẩm rau mầm, cách làm và chế biến các món ăn từ loại rau này.
Ðể đưa được rau mầm vào siêu thị, cơ sở của bà Duyên được Sở Khoa học - Công nghệ, Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau cấp chứng nhận về các tiêu chí rau sạch, an toàn, có đầy đủ giấy phép đăng ký sản xuất kinh doanh, đăng ký mã số thuế... Theo bà Duyên, để có được sản phẩm rau mầm sạch, bà chỉ dùng xơ dừa và nước máy, hoàn toàn không sử dụng bất kỳ loại phân bón hóa học hay thuốc bảo vệ thực vật nào.
Phòng rau mầm của bà Duyên hiện có năng suất khoảng 30 kg/ngày, cung cấp cho hàng loạt nhà hàng, siêu thị trong và ngoài tỉnh. “Lượng rau làm ra hằng ngày không đủ bán. Khách hàng ở Cần Thơ và TP HCM cũng hay đặt mua rau. Thông thường, một mẻ rau mầm mất 7 ngày mới thu hoạch, cho nên khách cần số lượng lớn phải đặt trước 7 ngày. Nhiều lúc thấy người quen điện thoại hỏi mua rau không có, họ giận, tôi định mở rộng sản xuất để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, sức khỏe và nhân lực không bảo đảm nên tôi chỉ duy trì sản xuất trong phạm vi căn phòng này”- bà Duyên cho biết.
Hiện nay, với giá mỗi ký rau mầm 60.000 đồng, hằng thángbà Duyên thu lợi nhuận mấy chục triệu đồng. “Không chỉ là lợi nhuận, mỗi sáng thức dậy nhìn những khóm rau mầm xanh tươi đầy sức sống còn khiến tinh thần gia đình tôi vui tươi, sảng khoái hơn. Hơn nữa, chúng tôi là nông dân thứ thiệt nên sẽ rất tự hào nếu sản phẩm dân dã của mình được bổ sung vào danh sách đặc sản chất lượng cao của Cà Mau như cá khô, tôm khô, mực khô, mật ong rừng U Minh...” - bà Duyên kỳ vọng.
Nông dân xây dựng được thương hiệu là rất hiếm
Theo ông Dương Văn Nhu - Chủ tịch Hội Nông dân phường 1, TP Cà Mau - phường có khá nhiều người sống bằng chăn nuôi và trồng hoa màu nhưng để xây dựng được thương hiệu như cơ sở làm rau mầm của bà Duyên thì rất hiếm. “Nông dân muốn làm kinh tế khá lên thì phải đặt mục tiêu phát triển bền vững. Để làm được điều đó, nông dân phải biết tạo dựng uy tín cho sản phẩm của mình như “Rau mầm bà Năm”- ông Nhu nhận xét.
Bình luận (0)