Ông Ngô Lực Tải, một trong những vị tư lệnh ngành giao thông vận tải đầu tiên của TP HCM, từng chia sẻ: Khát vọng tiến ra biển là một trong những chủ trương lớn trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của TP từ lúc bắt đầu mang tên Bác. Khát vọng đó ngày càng lớn, đủ để “sinh ra” hàng loạt cảng biển quy mô và các khu đô thị (KĐT) hướng biển.
Dại gì đi đâu nữa!
“Ngoài KĐT mới Thủ Thiêm, giờ hỏi dân cố cựu ở TP HCM rằng nơi nào thay đổi nhiều nhất thì bạn sẽ được trả lời: Nhà Bè” - anh Nguyễn Trần Hoanh - hướng dẫn viên du lịch, nhà ở huyện Nhà Bè - khẳng định. Anh Hoanh kể câu chuyện về mẹ mình: Sau 14 năm định cư ở Mỹ, khi quay về TP HCM năm 2014, bà đã ngợp trước sự thay đổi. Bà tâm sự rằng “ở Nhà Bè giờ sướng vậy thì còn đi đâu nữa cho xa!” và quyết định ở lại hẳn quê nhà.
“Nói vậy để thấy vùng Nhà Bè giờ đâu còn được xem là nơi “khỉ ho, cò gáy” với lung, bàu, lau, sậy nữa, mà đã trở thành một KĐT sầm uất, níu kéo chân người” - anh Hoanh nhận xét.
Thật vậy! Nếu ai đã từng biết vùng đất Nhà Bè khi xưa (hiện nay bao gồm quận 7 và huyện Nhà Bè), giờ quay lại sẽ choáng ngợp trước KĐT Phú Mỹ Hưng hiện đại, trước KĐT cảng Hiệp Phước đang sung túc từng ngày với hệ thống điện, đường, trường, trạm chẳng thua khu trung tâm.
Nếu chưa tin lời một hướng dẫn viên du lịch thì đây, hãy nghe nhận xét của ông Nguyễn Văn An - người dân xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè: “Phú Mỹ Hưng thì khỏi bàn rồi, toàn dân “sang chảnh” ở. Riêng khu vực xã Hiệp Phước vốn là một vùng trũng, hoang vu, cuộc sống của người dân hết sức nghèo khó nhưng giờ đường sá, cơ sở hạ tầng đã và đang được đầu tư chóng mặt. Sự phát triển của các KCN trong khu vực cũng kéo theo nhiều loại hình dịch vụ phát triển, đồng thời tạo ra rất nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương”.
Ngồi đón cháu trước một trường mầm non hiện đại vừa đưa vào sử dụng, bà Trần Thị Lan, người dân xã Hiệp Phước, cho hay trước đây, trẻ nhỏ muốn đi học phải vào tận trung tâm huyện. Bây giờ, môi trường giáo dục tốt hơn nhiều, trường học cũng được xây dựng khang trang. Ngoài ra, sát bên trường còn có trung tâm dạy nghề, lớp trẻ cũng đỡ lo thất nghiệp.
“Hồi đó, ai cũng lo chạy khỏi Nhà Bè để tìm kế sinh nhai. Nhưng nay, Nhà Bè đang kéo chân biết bao lao động tứ phương đến với các công trình xây dựng dày đặc, các khu, cụm công nghiệp mỗi ngày đầy lên. Dân cố cựu ở đây giờ không dại gì đi đâu nữa, bởi cái gì cũng có chứ có thua kém gì ai” - bà Lan nhận xét.
Dám nghĩ, dám làm
Chỉ đi qua, chứng kiến rồi nhận xét thì ai cũng thấy dễ nhưng nếu tìm hiểu kỹ sẽ thấy việc vực dậy vùng đất khu Nam TP HCM sau bao năm “ngủ yên” trong nỗi cơ cực, nhọc nhằn của người dân mới thấu hết những nỗ lực rất lớn của chính quyền, của các cán bộ dám nghĩ, dám làm.
Sở dĩ KĐT Phú Mỹ Hưng hình thành và ngày càng sầm uất là do sứ mệnh tiến ra biển. Bởi lẽ, gắn liền với KĐT này là chính quyền. Nhà đầu tư đã xây dựng đại lộ Nguyễn Văn Linh dài 17,8 km với 10 làn xe, nối liền KCX Tân Thuận và Quốc lộ 1 tại huyện Bình Chánh, trở thành tuyến giao thông huyết mạch, tạo nên sự thông thương giữa miền Đông và Tây Nam Bộ, làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế khu Nam và TP HCM nói chung. Đơn vị thực hiện những bước đi chiến lược từ tầm nhìn xa rộng của UBND TP HCM là Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC).
Thành tích đầu tiên của IPC chính là KCX Tân Thuận. Vùng đầm lầy rộng 300 ha tại xã Tân Thuận Đông, huyện Nhà Bè (nay là quận 7) được chọn là nơi triển khai KCX Tân Thuận, mở ra cánh cửa thu hút làn sóng đầu tư nước ngoài vào TP HCM và các vùng lân cận bởi vị trí gần cảng. Dưới góc nhìn sâu xa hơn, KCX Tân Thuận chính là dự án khởi đầu để thực hiện hàng loạt chương trình đưa TP HCM tiến ra biển mà IPC là đơn vị lãnh ấn tiên phong.
Trong khi đó, hình ảnh các cần cẩu, tay trục, tàu hàng hoạt động nhộn nhịp, liên tục di chuyển hàng hóa ở các cảng thuộc KĐT cảng Hiệp Phước đã chứng minh rằng quyết sách của chính quyền chọn nơi đây để xây dựng là rất đúng đắn.
Khi thông luồng Soài Rạp giai đoạn 2, các chuyên gia kinh tế biển cho rằng ở thời điểm quyết định, chính quyền TP HCM đã thấy KĐT cảng Hiệp Phước là bước tiếp theo đẩy nhanh nhất tiến trình tiến ra biển, đưa nền kinh tế của TP ngày càng phát triển vững chắc. Hiện luồng Soài Rạp đã bảo đảm cho tàu chở hàng có trọng tải 30.000-50.000 tấn qua lại dễ dàng. Chính vì vậy, nơi đây đã tập trung 4 cảng lớn của Việt Nam nằm dọc sông Soài Rạp, gồm: cảng container quốc tế SPTC, cảng Sài Gòn Hiệp Phước, Tân Cảng Hiệp Phước và cảng quốc tế Long An.
Ngoài ra, KĐT cảng Hiệp Phước còn là KĐT cảng biển quốc tế quy mô lớn, là đầu mối trung chuyển phục vụ TP HCM, vùng Đông Nam Bộ và ĐBSCL..., hứa hẹn trong tương lai gần sẽ là một trung tâm dịch vụ kinh tế biển mang tầm quốc tế. “Khi đô thị hình thành, cảng biển tấp nập thì rõ ràng đời sống của người dân được nâng cao nên việc tiến ra biển ngày càng thuận lợi là lẽ đương nhiên” - một cán bộ phụ trách đô thị ở huyện Nhà Bè tự tin.
Sắp tới, dự án nạo vét luồng Soài Rạp giai đoạn 3 sẽ được triển khai với độ sâu luồng từ âm 11,5 m đến âm 12 m, bảo đảm cho tàu 70.000 tấn lưu thông an toàn như cánh tay nối dài cho TP HCM vươn ra biển.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 30-6
Kỳ tới: Thành phố đáng sống
Bình luận (0)