Đó là một trong những biện pháp siết chặt xe quá tải được Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín đưa ra tại hội nghị tổng kết công tác bảo đảm an toàn giao thông 7 tháng đầu năm và nhiệm vụ 5 tháng cuối năm 2014, tổ chức sáng 20-8.
Kiến nghị lắp trạm cân cảm ứng
Thống kê của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) cho thấy từ ngày 1-4 đến nay, lực lượng liên ngành đã kiểm tra, xử lý 10.322 trường hợp xe quá tải với số tiền phạt hơn 45 tỉ đồng. Trong đó, phạt chủ phương tiện liên quan là 5.060 trường hợp với số tiền 22 tỉ đồng, còn lại xử phạt phương tiện vi phạm, tước giấy phép lái xe 5.262 trường hợp. Riêng trạm cân xe lưu động, từ ngày 15-4 đến nay đã kiểm tra, xử lý hơn 2.000 lượt xe với số tiền phạt hơn 9 tỉ đồng, tước giấy phép lái xe 1.866 trường hợp.
Đây là con số được đánh giá cao nhưng ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GTVT, vẫn lo ngại vì công tác xử lý xe quá tải gặp nhiều khó khăn khiến việc xử lý vi phạm chưa triệt để, như chưa có bãi hạ tải; vị trí đặt trạm cân xe lưu động đòi hỏi phải đúng tiêu chuẩn kỹ thuật mặt bằng bệ đặt cân, chiều rộng mặt đường, hệ thống điện cung cấp, chưa kể trời mưa không hoạt động được…
Theo ông Lâm, về lâu dài, Sở GTVT kiến nghị UBND TP trang bị, lắp đặt hệ thống cảm ứng theo dõi và kiểm soát tải trọng tự động tại các trạm thu phí và các cửa ngõ ra vào TP. “Chúng tôi đang thực hiện thí điểm hệ thống cân tự động tại trạm thu phí An Sương - An Lạc” - ông Lâm nói.
Một khó khăn khác được Thanh tra Sở GTVT nêu ra là hiện nay tìm vị trí đặt trạm cân không phải dễ. Ví dụ, trạm cân đặt ở vòng xoay Mỹ Thủy khi đưa vào cảng Cát Lái thì Bộ GTVT yêu cầu đưa ra để bảo đảm thông thoáng trong cảng, đưa đến gần trạm thu phí cầu Phú Mỹ thì chủ đầu tư “mời” đi để bảo đảm giao thông qua lại trạm.
Thượng tá Trần Thanh Trà, Trưởng Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP HCM, cho biết: “Hiện nay có thể kiểm soát tải trọng xe trên các tuyến đường chính, tại các cảng. Tuy nhiên có tình trạng xe quá tải trốn, né trạm cân, đi vào các đường nhỏ của quận, huyện gây hư hỏng đường nhưng chưa xử lý được. Chúng tôi đã đề xuất thanh tra giao thông phối hợp với CSGT các quận, huyện xử lý những trường hợp này”.
Ngoài khó khăn trên, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, việc triển khai niêm phong xe, buộc chủ xe, chủ hàng tự hạ tải xong mới cho đi tiếp cũng không phải dễ. Thực tế, nhiều tài xế chạy xe từ các địa phương khác vào TP HCM, nếu bị xử phạt thì phải điện về chủ xe và chờ thời gian xử lý vì bản thân không thể hạ tải được. Chưa kể, những điểm đặt trạm cân đều là các tuyến đường chính, giao thông đông đúc, nếu dừng nhiều phương tiện và chờ chủ hàng hạ tải thì sẽ xảy ra ùn ứ.
Sẽ có nữ CSGT tuần tra, xử lý vi phạm
Đánh giá về tình hình an toàn giao thông 7 tháng đầu năm, thượng tá Trần Thanh Trà cho biết đã kéo giảm cả 3 mặt. Theo đó, toàn TP xảy ra 2.531 vụ tai nạn giao thông (giảm 342 vụ), làm chết 396 người (giảm 50 người ) và bị thương 2.318 người (giảm 168 người so với cùng kỳ năm trước).
Sắp tới, để bảo đảm trật tự an toàn giao thông, ngoài phát huy hiệu quả tại 3 cụm (trên 6 tuyến trọng điểm gồm các quốc lộ 1, 13, 22, 50; Tỉnh lộ 10 và xa lộ Hà Nội), lực lượng CSGT sẽ tiếp tục thực hiện triệt để các chuyên đề: Tăng cường xử lý các nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, xử lý vi phạm qua camera, đề xuất trang bị thêm camera cho CSGT để làm căn cứ xử lý đối tượng vi phạm…
Theo ông Trà, để tạo hình ảnh đẹp cho lực lượng CSGT, sắp tới sẽ có nữ CSGT tuần tra, xử lý vi phạm. “Dự kiến có từ 15-20 nữ CSGT tham gia tuần tra, xử lý vi phạm theo các chuyên đề trên những tuyến đường mà tình hình giao thông phức tạp vào giờ cao điểm” - ông Trà nói.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín yêu cầu cần tiếp tục phát huy kết quả trên đến hết năm 2014, ngoài tăng cường xử lý các vi phạm giao thông, một số biện pháp nhằm bảo đảm an toàn giao thông cần sớm triển khai như: Thí điểm hạn chế phương tiện ra vào trung tâm thành phố theo giờ; sắp xếp lại luồng tuyến xe buýt; tiếp tục chấn chỉnh trật tự lòng lề đường trên 159 tuyến; khẩn trương mở rộng, nâng cấp một số tuyến đường cửa ngõ phía Đông TP tạo thông thoáng cho phương tiện ra vào cảng Cát Lái.
Tiêu hủy hàng ngàn mũ bảo hiểm dỏm
Theo Ban An toàn giao thông TP, chỉ trong 1 tháng phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường kiểm tra đã phát hiện 42 vụ buôn bán mũ bảo hiểm không rõ nguồn gốc, xuất xứ và không hợp quy; tiêu hủy hơn 1.200 mũ bảo hiểm các loại. Riêng đoàn liên ngành các quận, huyện cũng phát hiện 40 cửa hàng không đăng ký kinh doanh, bán mũ bảo hiểm dỏm…
Bình luận (0)