“Ngày trước, nghe tin ở đâu xảy ra vụ giết người thì thấy rùng rợn, khủng khiếp lắm. Giờ thì ngày nào lên mạng đọc báo cũng thấy giết người. Không chỉ giết một người mà giết một lúc 2-3 người”. Ông Đặng Minh Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, phát biểu tại hội thảo khoa học bàn về “Công tác phòng chống tội phạm giết người, cố ý gây thương tích do nguyên nhân xã hội trong tình hình hiện nay”, tổ chức ở Bình Dương ngày 4-11.
Hung hăng hơn trước
Thượng tá - tiến sĩ Nguyễn Hồng Phong, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và Điều tra tội phạm - Học viện Cảnh sát Nhân dân, dẫn báo cáo của Tổng cục Cảnh sát cho thấy 6 tháng đầu năm 2016, cả nước xảy ra 531 vụ giết người (tăng 2 vụ so với cùng kỳ năm ngoái), 4.060 vụ cố ý gây thương tích (tăng 128 vụ).
Thượng tá Phong đặt vấn đề: “Nhiều chuyên gia nghiên cứu về tâm lý học, về tình hình tội phạm đánh giá phải chăng người Việt Nam chúng ta trong thời gian qua có nhiều áp lực dẫn đến hành vi ngày càng trở nên khó hiểu, hung hăng, bạo lực?”.
Tham luận của thiếu tá - tiến sĩ Trần Thị Hương, Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và Điều tra tội phạm, gửi tới hội thảo cũng nêu nhận định những năm gần đây, tình hình tội phạm giết người, nhất là giết người do mâu thuẫn cá nhân, diễn biến phức tạp và nghiêm trọng. Trong đó, nhiều vụ có tính chất dã man, tàn bạo như giết nhiều người cùng lúc, giết người đốt xác, tước đoạt mạng sống người thân…
Theo kết quả thống kê của Cục Cảnh sát Hình sự, trung bình mỗi năm, cả nước xảy ra hơn 1.000 vụ án giết người do mâu thuẫn, thù tức. Không chỉ kẻ có tiền án tiền sự mới phạm tội mà mọi tầng lớp, mọi nghề nghiệp đều có người gây án. Nhiều vụ án giết người xảy ra vì những mâu thuẫn hết sức đơn giản trong sinh hoạt hằng ngày như va chạm giao thông, xích mích khi uống rượu bia…
Tại các tỉnh, thành thu hút nhiều lao động nhập cư như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai…, tội phạm giết người, cố ý gây thương tích diễn biến phức tạp. Riêng tại Bình Dương, trong 3 năm qua đã xảy ra gần 3.300 vụ phạm pháp về trật tự xã hội. Trong đó, 670 vụ (chiếm khoảng 20%) là tội phạm giết người và cố ý gây thương tích, nhiều vụ gây bàng hoàng. Điển hình, ngày 5-5-2016, vì xin tiền chơi game không được nên Nguyễn Hoàng Phúc (22 tuổi; ngụ thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) dùng dao cắt cổ cha và bà nội của mình rồi dùng xăng đốt nhà.
Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, nhận xét: “Tình trạng này báo động sự xuống cấp một số chuẩn mực đạo đức, sự rạn nứt nền tảng giá trị ở nhiều gia đình, sự sa sút nhân cách cá nhân”.
Đa phần gây án khi nổi nóng, mù quáng
Khi phân tích nguyên nhân 670 vụ án giết người và cố ý gây thương tích xảy ra ở địa phương trong 3 năm qua, Công an tỉnh Bình Dương nhận thấy hơn 71% là do mâu thuẫn, thù tức bột phát nhất thời (như cho rằng mình bị nhìn đểu, bị nói sốc…). Đa phần đối tượng gây án trong lúc nổi nóng, mù quáng chứ không phải là lưu manh chuyên nghiệp.
Vậy vì sao giờ đây, con người dễ nổi nóng đánh giết nhau? Trong tham luận gửi tới hội thảo, đại tá - tiến sĩ Nguyễn Văn Sỹ, Trưởng Khoa Cảnh sát Hình sự Trường ĐH Cảnh sát Nhân dân, cho biết khi tiến hành nghiên cứu các vụ án giết người trong nội bộ gia đình, ông nhận thấy nguyên nhân gốc rễ của những vụ này là do ngay từ bé, đối tượng gây án đã bị lệch lạc nhân cách vì không được giáo dục phù hợp. Ngoài ra, tiền bạc lên ngôi, chạy theo lối sống ích kỷ cũng là các nguyên nhân chính khiến đối tượng giết người nhà không ghê tay.
“Yếu tố kinh tế đã làm lu mờ, nếu không muốn nói là xóa bỏ yếu tố tình cảm máu mủ ruột thịt trong một số gia đình” - tham luận của đại tá Sỹ nhấn mạnh. Tại hội thảo, đại tá Sỹ trực tiếp nêu kiến nghị không nên để người dân buôn bán rồi tiêu thụ rượu bia tràn lan như hiện nay vì thực tế cho thấy rất nhiều đối tượng đã đánh và giết người trong lúc say xỉn.
Đại diện Công an tỉnh Bình Dương, đại tá Trần Văn Chính cũng cho biết từ khi đất ở Bình Dương được giá thì tỉnh này xảy ra rất nhiều vụ tranh chấp. Trong đó, không ít vụ dẫn đến đánh nhau, giết người.
Để hạn chế các vụ án đau lòng xảy ra, thượng tá Nguyễn Hồng Phong kiến nghị công an cơ sở phải nắm chắc địa bàn, phát hiện sớm để xử lý, hòa giải những xung đột, mâu thuẫn. Cơ quan chức năng phải có hình thức xử lý đối với những tập thể, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm hay tiêu cực trong việc giải quyết tranh chấp, khiếu kiện hoặc tố giác tội phạm, để xảy ra những vụ mâu thuẫn, tranh chấp kéo dài dẫn đến việc đối tượng thực hiện hành vi phạm tội.
Giết người vì giành gái
Ngày 4-11, Công an tỉnh Tiền Giang cho biết đã tạm giữ Phan Thanh Phong (21 tuổi) và Phạm Văn Hiếu (20 tuổi; cùng ngụ xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) để điều tra về vụ giết người trên địa bàn xã Bình Trưng, huyện Châu Thành. Nạn nhân bị đâm chết được xác định là anh Đoàn Hoàng Nam (25 tuổi; ngụ xã Nhị Bình, huyện Châu Thành).
Theo kết quả điều tra ban đầu, khuya 3-11, anh Nam nhậu cùng một nhóm bạn khoảng 6-7 người (trong đó có 2 nữ là tiếp viên của một quán karaoke trên địa bàn huyện Châu Thành) tại một phòng trọ ở xã Đông Hòa, huyện Châu Thành. Lúc này, Phong và Hiếu cũng đang ăn lẩu tại phòng kế bên. Đến khoảng 23 giờ 30 phút cùng ngày, nhóm của Nam ra về thì anh bị Phong và Hiếu truy sát.
Gây án xong, cả Phong và Hiếu về ngủ như chẳng hề có chuyện gì xảy ra. Nam được nhiều người đưa vào Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang cấp cứu nhưng đã tử vong. Hay tin, sáng 4-11, Phong và Hiếu đã đến Công an xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành đầu thú. Tại cơ quan công an, Phong khai nhận do ghen tuông trong việc tranh giành 1 nữ tiếp viên quán karaoke nhậu chung với Nam nên mới chặn đánh và đâm nạn nhân.
M.Sơn
Bình luận (0)