Luật Tố cáo (sửa đổi) vừa được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến sôi nổi. Trong đó tranh luận về việc tố cáo nặc danh (đơn tố cáo không ghi họ tên, địa chỉ người tố cáo) vẫn chưa có hồi kết.
E ngại lợi dụng quy định để tố cáo tràn lan
Các ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thể hiện rõ sự băn khoăn ở cả hai phía: người tố cáo và cơ quan tiếp nhận, giải quyết tố cáo. Người tố cáo nặc danh không dám chính danh vì sợ bị trù dập, trả thù hoặc có những lý do tế nhị. Còn cơ quan tiếp nhận thì cũng lo lắng điều này có thể trở thành công cụ cho những người muốn hãm hại nhau, còn cơ quan tiếp nhận thì sẽ liên tục phải nhận quá nhiều đơn nặc danh hằng ngày.
Lý giải việc dự thảo Luật Tố cáo không quy định về giải quyết đối với đơn tố cáo nặc danh, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Khắc Định khẳng định nếu quy định tiếp nhận và giải quyết đối với đơn tố cáo nặc danh sẽ gây khó khăn cho cơ quan, người có thẩm quyền trong việc xác minh, xử lý thông tin giải quyết tố cáo, gây tốn kém chi phí của nhà nước...
Ở góc độ là Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, ông Nguyễn Văn Chiến cũng không ủng hộ tố cáo nặc danh. Bởi người tố cáo phải chính danh để thực hiện quyền tố cáo và phối hợp với các cơ quan chức năng trong cung cấp tài liệu. Đồng thời họ phải chịu trách nhiệm về sự tố cáo của mình. Trong thực tiễn, tố cáo nặc danh đã ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân, tổ chức và thường tố cáo nặc danh không có cơ sở. Công dân khi tố cáo nên chính danh, nếu nặc danh thì bất bình đẳng với cá nhân, tổ chức bị tố cáo.
Ông Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, cũng đề nghị không giải quyết đối với tố cáo nặc danh nhằm tránh tình trạng lợi dụng việc tố cáo xúc phạm danh dự, uy tín tổ chức, cá nhân bị tố cáo. Ngoài ra, tố cáo phải chính danh để xác định rõ trách nhiệm người tố cáo, hạn chế tố cáo tràn lan, sai sự thật.
Minh họa: khều
Lo lọt nguồn tin quan trọng
Đáng chú ý, Ủy ban Pháp luật của QH cũng như nhiều ĐBQH nhất trí về nguyên tắc là không xử lý đơn tố cáo nặc danh nhưng luật cần quy định rõ trường hợp tuy là đơn tố cáo nặc danh nhưng có gửi kèm theo chứng cứ, nội dung rõ ràng như các tài liệu, vật chứng, ảnh, đoạn băng ghi hình, ghi âm… Trong trường hợp nêu trên, cơ quan, người có thẩm quyền phải có trách nhiệm tổ chức xác minh, xử lý nhằm tránh bỏ lọt hành vi vi phạm pháp luật.
Ở góc nhìn khác, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường đánh giá tố cáo nặc danh nếu có tình tiết, chứng cứ cụ thể thì phải xem xét, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng. Cơ quan tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cần xem xét tố cáo nặc danh nếu có căn cứ, chứng cứ cụ thể.
"Thực tế, người tố cáo bị nhiều áp lực, cần cầu cứu nên mới phải tố cáo nặc danh. Chẳng hạn quy trình liên quan đến đấu thầu, xây dựng các dự án… còn khuất tất thì chỉ những người trong cuộc mới biết, để chụp ảnh, quay clip để có chứng cứ… thì cần phải xem xét" - ông Bùi Văn Cường dẫn chứng.
Ông Bùi Văn Cường đánh giá tố cáo nặc danh là một kênh thông tin quan trọng nên cần có điều khoản về vấn đề này để thực hiện, góp phần vào công tác phòng chống tham nhũng, làm cho bộ máy của nhà nước trong sạch hơn.
Mấu chốt của việc người tố cáo chính danh phải tố cáo nặc danh là vì sợ hãi bị trả thù. Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho hay thực tế, không ít trường hợp người tố cáo đã bị trả thù, bị trù dập, trong khi đó mặc dù có quy định nhưng việc bảo vệ người tố cáo còn rất khó khăn. Do đó, nhiều người không dám tố cáo hành vi vi phạm pháp luật.
Theo ông Nguyễn Khắc Định, hiện nay cơ chế bảo vệ người tố cáo chưa đạt hiệu quả vì nhiều lý do mà người tố cáo không dám hoặc không muốn đứng tên, thậm chí có trường hợp còn mạo danh người khác. Tuy nhiên, việc tiếp nhận và xử lý đối với các trường hợp này cũng cần có quy định cụ thể, đặc thù, coi đây là việc phản ánh, tiếp nhận thông tin để bảo vệ pháp luật, không thuộc quy trình xử lý tố cáo.
Gần 60% đơn tố cáo sai
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu, trong những năm qua, các cơ quan nhà nước mới giải quyết được 87,4% tổng số đơn tố cáo có danh.
Trong đó có đến 59,3% là tố cáo sai và 28,3% tố cáo có đúng, có sai. Vì vậy, nếu luật quy định việc giải quyết tố cáo nặc danh sẽ gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước trong quá trình xem xét, giải quyết. Hơn nữa, trường hợp người tố cáo lợi dụng quyền tố cáo để tố cáo nặc danh sai sự thật thì không có căn cứ để xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người tố cáo.
Từ đầu năm 2017 đến nay, Ban Tiếp Công dân TP HCM thuộc UBND TP HCM đã nhận được 85 tố cáo, phản ánh nặc danh, trên 420 đơn tố cáo có địa chỉ chung chung như các hộ dân, tập thể hộ dân.
Nội dung chủ yếu tập trung ở lĩnh vực ô nhiễm môi trường, an ninh trật tự, kinh tế xã hội và xây dựng quản lý đô thị. Theo bà Trần Thị Lệ Hằng, Trưởng Phòng Hành chính - Tổng hợp, Ban Tiếp Công dân TP HCM, tất cả những đơn nặc danh nêu trên đều không đủ điều kiện xử lý vì nội dung không cụ thể, không rõ ràng, không đúng địa chỉ, tên người bị tố cáo. Với những đơn mà chủ thể tố cáo, phản ánh là tập thể cũng không xử lý được bởi nội dung quá chung chung.
Bà Trần Thị Lệ Hằng khẳng định không phải toàn bộ đơn tố cáo, phản ánh nặc danh đều không xử lý. Những năm trước, có nhiều đơn nặc danh xử lý được. Với đơn nặc danh không đủ điều kiện xử lý, ban sẽ lưu, có xác nhận của lãnh đạo.
"Nhiều người tố cáo sợ bị ảnh hưởng đến cuộc sống riêng của họ hoặc sợ bị trả thù nên họ không muốn để lại tên tuổi. Ví dụ tố cáo ông A, ông đó đang làm giám đốc, địa chỉ này, ông đó làm việc sai quy định thì sẽ chuyển đơn tố cáo này đến đơn vị quản lý ông A. Đơn nặc danh với điều kiện là đủ thông tin để có cơ sở chuyển đến đúng đơn vị thì xử lý được" - bà Lệ Hằng nói.
N.Quyết - Ph.Anh
ĐB Đào Tú Hoa
ĐB Đào Tú Hoa (Hà Nội):
Tạo tiền lệ xấu, tiếp diễn tố cáo tràn lan
Không nên xem xét đối với tố cáo nặc danh. Việc chấp nhận đơn tố cáo nặc danh sẽ tạo tiền lệ xấu cho những đối tượng thiếu tinh thần xây dựng, tiếp diễn tình trạng tố cáo tràn lan.
Chưa biết đúng sai thế nào nhưng đơn tố cáo nặc danh làm ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, danh dự cá nhân, gây mất đoàn kết trong đơn vị bởi thông thường đơn nặc danh thường được tung ra vào thời điểm nhạy cảm, ảnh hưởng xấu đến cá nhân, tổ chức, xã hội.
ĐB Ngô Tuấn Nghĩa
ĐB Ngô Tuấn Nghĩa (TP HCM):
Nhiều cơ quan sẽ rối
Thực tế, đơn tố cáo nặc danh ở các cơ quan rất nhiều. Nên xem xét xử lý đối với đơn thư nặc danh nhưng không nên quy định, nếu không thì hoạt động của nhiều cơ quan sẽ rối lên.
Để người tố cáo chính danh hơn, cần có quy định bảo vệ khẩn cấp vì trong thực tế có những vụ việc tố cáo bị đe dọa, thậm chí mất mạng.
Tố cáo thẳng thừng, rõ ràng khó lắm vì sợ trù dập, trả thù nên mới dùng nặc danh, mà nặc danh lại không được thừa nhận. Do vậy cần bảo đảm an toàn cho người tố cáo mới phát huy, giải quyết được tiêu cực trong xã hội.
ĐB Nguyễn Bá Sơn
ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng):
Hỗ trợ đắc lực cơ quan điều tra
Quy định không giải quyết tố cáo nặc danh là phù hợp. Nhưng không vì việc không giải quyết tố cáo nặc danh mà bỏ lọt thông tin. Ngược lại, những thông tin có thể hỗ trợ đắc lực cho các cơ quan điều tra vẫn có thể sử dụng.
Việc tiếp nhận và xử lý đối với các trường hợp tố cáo nặc danh cũng cần có quy định cụ thể, đặc thù. Với hành vi tố cáo việc thụ lý phải cần dẫn chiếu theo Luật Thanh tra vì đó là cơ sở pháp lý để giải quyết những phát sinh tiếp theo.
N.Quyết ghi
Bình luận (0)