Ngày 14-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã họp cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tố cáo.
Hai luồng ý kiến
Thay mặt cơ quan soạn thảo trình bày tờ trình dự luật, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết có 2 luồng ý kiến đối với nội dung quan trọng là có quy định hay không việc “tố cáo nặc danh”.
Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng quy định của Đảng và Luật Tố cáo hiện hành chưa chấp nhận xem xét, giải quyết đơn tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo. Thực tế trong những năm qua, các cơ quan nhà nước mới chỉ giải quyết được 87,4% tổng số đơn tố cáo có danh. Trong đó có đến 59,3% là tố cáo sai và 28,3% tố cáo có đúng, có sai. Vì vậy, nếu luật quy định việc giải quyết tố cáo nặc danh sẽ gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước trong quá trình xem xét, giải quyết.
Luồng ý kiến thứ hai cho rằng không ít trường hợp người tố cáo bị trả thù, trù dập, dù có quy định nhưng việc bảo vệ người tố cáo rất khó khăn. Để kịp thời phát hiện và xử lý đối với các hành vi vi phạm, cần quy định về việc giải quyết tố cáo đối với trường hợp người tố cáo không ghi họ tên, địa chỉ của mình.
“Chính phủ đồng tình với ý kiến thứ nhất là dự luật chưa quy định về việc giải quyết tố cáo nặc danh” - ông Sáu nói.
Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh, cho rằng: “Thời đại này mà đi giải quyết đơn thư nặc danh thì... “loạn đất nước”, không nên quy định trong luật”.
Phải mở rộng hình thức tố cáo
Trước quan điểm “nói không” với tố cáo nặc danh, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân lại có góc nhìn khác. Chủ tịch QH cho biết quy định về hình thức tố cáo phải đồng bộ, thống nhất với các luật liên quan. Luật Phòng chống tham nhũng cho phép cơ quan, tổ chức tạo mọi điều kiện cho công dân gửi đơn tố cáo trực tiếp. “Nếu luật này không mở rộng hình thức tố cáo thì chưa đồng bộ với Luật Phòng chống tham nhũng và xu hướng của Chính phủ là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin” - Chủ tịch QH nêu ý kiến.
Tuy nhiên, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nêu thực trạng việc nhiều người bị “khủng bố tinh thần” khi liên tục nhận tin nhắn tố cáo qua điện thoại. Chủ tịch QH đề nghị dự luật vẫn bổ sung các hình thức tố cáo qua điện thoại hay email nhưng cần quy định việc gửi phải theo quy định của pháp luật phải gửi đúng người, đúng nơi, không gửi lung tung theo cách tố cáo 1 người nhưng gửi cho hàng trăm người.
GS Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, cho rằng không phải ai cũng đủ mạnh dạn tố cáo. Nếu bỏ qua những tin tố cáo nặc danh thì sẽ mất đi nhiều thông tin quan trọng. “Vấn đề là có cơ chế sàng lọc thông tin, chứ không phải bỏ đi hết. Có những thông tin ban đầu tưởng không quan trọng nhưng sau khi xác minh lại thấy ra sự thật” - ông Bình nói.
Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ đồng tình với quan điểm của Chính phủ nhưng đề xuất trong trường hợp đơn nặc danh có thông tin, có cơ sở thì cũng nên tham khảo, nghiên cứu và kiểm tra. Đồng quan điểm này, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: “Người dân tin tưởng chuyển đơn cho mình mà mình nhận rồi vứt sọt rác là không có trách nhiệm. Những đơn nặc danh có thông tin cụ thể cần được xem xét, phải biết nắm bắt thông tin để tăng cường công tác lãnh đạo, quản lý”.
Về hưu vẫn phải chịu trách nhiệm đối với sai phạm
Khoản 6, điều 12 (nguyên tắc xác định thẩm quyền), chương III của dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tố cáo lần đầu tiên quy định về tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức xảy ra trong thời gian công tác trước đây nay đã nghỉ hoặc chuyển công tác...
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng việc thống nhất bổ sung quy định trên thể hiện quan điểm kể cả khi về hưu hay chuyển công tác vẫn phải chịu trách nhiệm về những sai phạm của mình khi còn đương chức. “Vừa rồi, chúng ta giải quyết một số trường hợp bị kỷ luật dù đã về hưu. QH tán thành việc sửa đổi lại các dự án luật phải tính tới việc này” - Chủ tịch QH nhấn mạnh.
Chưa rõ sản phẩm du lịch
Chiều 14-3, UBTVQH họp cho ý kiến về dự án Luật Du lịch (sửa đổi).
Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển băn khoăn sản phẩm du lịch chưa rõ, quy định chung chung trong dự luật. Ông Võ Trọng Việt thẳng thắn: “Một khu du lịch sinh thái đã có 9-10 ông đến hoạnh họe thì sao doanh nghiệp phát triển. Hay khách sạn vừa xếp hạng mấy sao xong thì hết đoàn này sang đoàn khác đến kiểm tra”. Ông Việt đề nghị phân cấp phân quyền cho doanh nghiệp còn Tổng cục Du lịch hay chính quyền địa phương chỉ giám sát việc thực hiện có đúng quy định hay không.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét dự luật mới chỉ quan tâm đến vấn đề du lịch đô thị chứ chưa gắn với du lịch miền núi, nông thôn với bản sắc văn hóa dân tộc.
Bình luận (0)