Thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Tố cáo sửa đổi vào chiều 16-6, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tranh luận sôi nổi về nội dung có nên mở rộng hình thức tố cáo và cơ chế bảo vệ người tố cáo.
Tranh luận quanh tố cáo qua email
Theo dự thảo, chỉ có 2 hình thức tố cáo sẽ được giải quyết là tố cáo trực tiếp và đơn thư bằng văn bản. Tất cả đều phải có tên tuổi, địa chỉ, thông tin cá nhân người tố cáo. Tố cáo nặc danh sẽ không được xem xét giải quyết.
Đồng tình với quy định chỉ có 2 hình thức tố cáo sẽ được giải quyết, ĐB Trần Văn Mão (Nghệ An) cho rằng với sự phát triển của công nghệ thông tin hiện nay, người tố cáo qua email, điện thoại sẽ lợi dụng tên, địa chỉ email, điện thoại của người khác để bôi nhọ, tố cáo sai sự thật. Khi đó, cơ quan giải quyết sẽ mất thời gian xác minh địa chỉ email, địa chỉ…
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị việc bảo vệ bí mật thông tin cho người tố cáo phải là nguyên tắc xuyên suốt Ảnh: TTXVN
Ở góc nhìn khác, ĐB Phạm Trí Thức (Thanh Hóa) nhấn mạnh việc không mở rộng hình thức tố cáo bằng email, fax, điện thoại là "lạc hậu đến cả hàng ngàn năm". ĐB Nguyễn Văn Thể (Sóc Trăng) cho rằng tố cáo bằng thư điện tử là hình thức người tố cáo tự bảo vệ mình, tố cáo như vậy người tố cáo sẽ tránh bị trả thù cho mình và cho cả gia đình người tố cáo.
Trù dập tinh vi
Một trong những việc được các ĐBQH đặc biệt quan tâm là bảo vệ người tố cáo. ĐB Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) đề nghị việc bảo vệ bí mật thông tin cho người tố cáo phải là nguyên tắc xuyên suốt trong quá trình tiếp nhận, giải quyết tố cáo. Việc bảo vệ người tố cáo là trách nhiệm của cơ quan nhà nước song việc triển khai quy định này cần cụ thể hóa để bảo vệ tính khả thi, tránh việc đùn đẩy né tránh trách nhiệm.
Theo ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương), cơ chế bảo vệ người tố cáo của chúng ta chưa đầy đủ, dẫn đến người đứng ra tố cáo bị khủng bố, đe dọa bằng nhiều hình thức khác nhau. Vừa qua, ngay cả chủ tịch UBND của một tỉnh cũng phải kêu cứu Chính phủ.
Kể ra một câu chuyện có thật về trường hợp bị trù dập do tố cáo, ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) đánh giá cơ chế bảo vệ người tố cáo hiện nay không đi vào cuộc sống. Người tố cáo không sợ cho bản thân nhưng lo liên lụy vợ con, gia đình cho nên không dám đứng tên tố cáo. "Sự trả thù, trù dập người tố cáo thực sự tinh vi đến tầm văn minh" - ông Phương nhận xét.
Ông Phương dẫn chuyện có thật mà ông cho rằng chỉ có người trong cuộc mới biết bị trả thù. Người bị trả thù vẫn phải tươi cười nhưng trong lòng đắng ngắt. "Sau khi người đó không bằng lòng với lãnh đạo, anh này được lãnh đạo gọi lên phòng và nhận xét: "Cậu là người có tính chiến đấu rất tốt, còn trẻ, có năng lực, tới đây cậu phải cần được đưa đi đào tạo, học hành một cách chính quy, bài bản chứ không học tại chức, để sau này lãnh đạo nghỉ sẽ là người kế cận". Người đó khăn gói lên đường đi học và trong suy nghĩ đã có sự nghi ngờ. Sau khi người đó học về, lãnh đạo cho rằng cậu cán bộ này được đào tạo lý luận đầy đủ, chuyên môn đầy đủ, giờ cần phải trở về thực tiễn để tiếp tục rèn luyện. Anh này được đưa xuống một đơn vị khó khăn, sau đó bỏ mặc cho tự bơi, thậm chí người lãnh đạo còn tạo sóng để dìm cho anh cán bộ trẻ "uống nhiều nước". "Khi thấy anh cán bộ ngắc ngoải vì "uống nhiều nước", người lãnh đạo bắt đầu kéo lên bố trí công việc, coi như cứu giúp" - ông Phương kể.
Từ đó, ông Phương lý giải tại sao người tố cáo không dám đứng đơn khi tố cáo. Đây là thực hiện quyền của công dân, kể cả trách nhiệm của công dân trong xây dựng nhà nước pháp quyền. Cần quy định để người dân tham gia các hình thức tố cáo thực hiện quyền của mình. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật cũng chính là góp phần vào xây dựng nhà nước trong sạch, vững mạnh.
"Siết" quản lý nợ công
Sáng cùng ngày, QH thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi). ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng cần giám sát cả những khoản nợ ngoài phạm vi nợ công, vì khi có rủi ro đối với những khoản nợ này sẽ ảnh hưởng đến an toàn nợ công. Luật chưa quy định rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong quản lý nợ công nên khó xử lý khi để xảy ra thất thoát lãng phí.
"Luật cần quy định rõ hơn về trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, cá nhân trong từng bước của quy trình quản lý nợ, kể cả trách nhiệm trong thẩm định, phê duyệt chủ trương vay nợ" - ông Hàm đề nghị.
ĐB Trần Hoàng Ngân (TP HCM) nhìn nhận nợ công của nước ta trong những năm qua tăng rất nhanh, từ năm 2010 ở mức 50% GDP thì nay đã lên đến 63,7% GDP, mỗi năm tăng khoảng 300.000 tỉ đồng. Nợ công tăng nhanh áp lực trả nợ Chính phủ ngày càng cao. Chính phủ phải vay vốn nhiều và làm tăng tổng cầu vốn trên thị trường tiền tệ và điều đó làm tăng lãi suất tín dụng. Điều này cho thấy không chỉ có nợ xấu làm tăng lãi suất mà nợ công cũng làm tăng lãi suất. Nợ công cuối năm 2015 đã ở mức 62,8% và QH cũng đã thông qua Nghị quyết số 25 xác định trần nợ công là 65% GDP.
"Như vậy, dư địa cho chúng ta thực hiện trong 5 năm nay chỉ còn tăng thêm khoảng 2,2% GDP, trong khi 5 năm trước là tăng thêm 12,8% GDP. Do đó, việc kiểm soát nợ công, quản lý nợ công, thống kê, kế toán kiểm tra, giám sát quản lý rủi ro để bảo đảm an toàn nợ công là cấp thiết" - ông Ngân bày tỏ.
Giải trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết bộ này đã rà soát 24 luật liên quan và sẽ tiếp tục rà soát để tránh chồng chéo. Riêng Ngân hàng Chính sách, Chính phủ bảo lãnh phát hành trái phiếu, việc thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Chính phủ và cũng tính vào nợ công. Về vấn đề bảo lãnh nợ nước ngoài, cho vay lại, ông Dũng cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu và tiếp tục rà soát trên tinh thần siết chặt.
Có thể mở rộng hình thức tố cáo
Trong phần giải trình, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu khẳng định qua ý kiến thảo luận tại hội trường QH và để tạo điều kiện cho công dân tố cáo, xử lý và giải quyết sai phạm, có thể mở rộng thêm hình thức tố cáo qua thư điện tử có ký tên thì được xem xét theo quy trình giải quyết tố cáo. Các hình thức khác phải xác định rõ địa chỉ, nội dung rõ ràng mới được xử lý theo quy trình.
"Đối với đơn tố cáo nặc danh, nội dung bịa đặt, vu khống thì không được xem xét. Nếu có nội dung cụ thể kèm bằng chứng thì được xem xét nhưng chỉ để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra chứ không được giải quyết theo quy trình giải quyết tố cáo" - ông Sáu nói.
Bình luận (0)